Nỗi đau đáu về Thương hiệu của người Việt
Năm 2017, một tập đoàn lớn của nước ngoài gần như đã thỏa thuận xong việc mua lại một thương hiệu Việt là Sunhouse. Mức giá tập đoàn này đặt ra là 250 triệu USD. Tuy nhiên, ở những phút cuối cùng, ông chủ Sunhouse đã hủy bỏ thỏa thuận này.
Kể lại câu chuyện này tại buổi tọa đàm về thương hiệu Việt tổ chức ngày 29/12, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Sunhouse, kể: “Thời gian đó tôi cũng muốn chuyển nghề vì tôi đam mê đầu tư. Nhưng sau đó suy nghĩ lại, sở dĩ tôi đầu tư vào sản xuất vì muốn làm ra những sản phẩm từ đôi bàn tay của mình. Đi làm thương mại vào những năm 1990-2000, tôi thấy cái gì cũng phải đi nhập, Việt Nam không làm được nhiều thứ dù những thứ đó không hề phức tạp. Điều ấy thôi thúc tôi đầu tư vào 'Made in Vietnam' và là lý do tôi lập nhà máy sản xuất".
Ông Nguyễn Xuân Phú: "Cũng vì cái tôi của mình, cho nên tôi muốn giữ lại thương hiệu Sunhouse" |
Dần dần, ông Phú ông hiểu ra được giá trị của thương hiệu. “Tại sao 1 chiếc sơ mi mang thương hiệu nước ngoài lại bán gấp rưỡi thương hiệu Việt Nam, mà vẫn bán được và người mua lại chính là người Việt. Thời điểm đó, tôi cũng thấy một loạt thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam bán cho nước ngoài. Cũng vì cái tôi của mình, cho nên tôi muốn giữ lại thương hiệu Sunhouse”, ông Nguyễn Xuân Phú bộc bạch.
Nhiều doanh nghiệp Việt đang từng ngày xây dựng những thương hiệu Việt, vươn ra toàn cầu. Và không ít doanh nghiệp thấm thía cảnh bị đối tác nước ngoài từ chối để sản phẩm của mình gắn mác “Made in Vietnam”.
Câu chuyện của bà Phạm Thị Kim Loan, Chủ tịch HĐQT DN Khoa học và Công nghệ Ngân Hà, là ví dụ.
Bà Loan kể: “Có 1 nhà đầu tư Trung Quốc qua gặp tôi, đó là chủ một thương hiệu khá lớn ở Trung Quốc. Khi cô ta qua Đài Loan và được giới thiệu về sản phẩm của chúng tôi, cô ta kinh ngạc về hiệu quả đó. Sau đó, cô ấy sang Việt Nam và nói với tôi một điều rằng, sản phẩm của chúng tôi nếu dán nhãn sản xuất ở Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc rất khó bán. Cho nên họ đề nghị chúng tôi đổi sang tên của Trung Quốc hoặc là thành lập một công ty ở Singapore rồi lấy 'made in Singapore' thì sẽ bán được; hoặc kết hợp với nhau sản xuất ở Trung Quốc luôn".
Sau rất nhiều cân nhắc, bà Phạm Thị Kim Loan quyết định: “Cuối cùng, tôi rút lui” và tiếp tục hành trình chông gai xây dựng thương hiệu Việt của mình.
Đại diện một doanh nghiệp khác cũng kể câu chuyện tương tự. Công ty ông nhận được đề nghị một đơn hàng lớn của đối tác nước ngoài. Nếu bán hàng cho đối tác ấy, doanh thu sẽ tăng trưởng vượt bậc. Thế nhưng, đối tác yêu cầu công ty ông phải ký vào một hợp đồng bảo mật với điều kiện không được cho phép bất cứ ai biết sản phẩm này được làm bởi công ty của ông, và không được phép nói xuất xứ Made in Vietnam. Điều này làm ông đắn đo khi thương hiệu của công ty ông không được xuất hiện ở bất cứ đâu.
Muốn có 1 lời khuyên cho con đường sắp tới, ông được tư vấn "chấp nhận lấy doanh số rồi từ đó phát triển dần thương hiệu".
Xây dựng thương hiệu Việt đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. |
“Tầm mắt anh đến đâu thì thương hiệu anh đến đấy”
Theo bà Phạm Thị Kim Loan, để xây dựng được một thương hiệu tốt phải đi từ nền móng vững chắc, phải có sản phẩm tốt, chăm sóc khách hàng tốt, marketing tốt,... Muốn làm được điều đó, một mình người Việt là không đủ.
“Tôi đang phải mời nhà đầu tư cùng làm với tôi, vì một mình tôi không thể cáng đáng được. Lúc đó, tỷ lệ phần trăm cho nhà đầu tư nước ngoài là bao nhiêu: Sáng chế của người Việt, người Việt sản xuất trên đất Việt. Nhưng nếu tôi cứ ì ạch mãi như vậy, không kêu được nguồn đầu tư và không phát triển được thì dần dần tôi lụi tàn đi”, bà Loan đắn đo.
Bà Loan mong muốn có nguồn đầu tư của nước ngoài vào, có tài chính, quản trị, marketing giỏi để đẩy thương hiệu lên và có thể phát triển ra toàn cầu.
“Khi sản phẩm Made in Vietnam đi ra được toàn cầu, thì dần dần sẽ xây dựng được thương hiệu của Việt Nam ra toàn cầu. Đó là tác động qua lại. Nói một cách nào đó, thương hiệu là của dân tộc, là rất thiêng liêng. Nhưng nếu chỉ mình tự phát triển thì coi chừng sẽ không theo kịp thời đại”, bà Loan lưu ý.
Nhắc đến chuyện vươn ra toàn cầu bằng thương hiệu Việt, ông Nguyễn Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP SECOIN, chia sẻ: "Sản phẩm của chúng tôi có mặt ở nhiều nước châu Âu. Có một công ty làm về thị trường của Đức họ liên lạc và mời tôi sang. Họ khuyên tôi đưa thương hiệu của chúng tôi vào châu Âu, xây dựng kênh phân phối riêng ở toàn bộ EU và họ sẽ hỗ trợ".
“Sau đó họ rất nhiệt tình, làm rất nhiều nghiên cứu và đàm phán với tôi. Tôi nghe thấy rất thích, được vậy hay quá, thay vì bán 10 Euro/m2 gạch thì bán được 100 Euro/m2”, ông Kỳ nhắc lại.
Thế nhưng, khi sang Việt Nam, họ đặt lên bàn ông Kỳ bản kế hoạch phân phối sản phẩm ở EU với các hạng mục đầu tư liên quan kho hàng, logistics, bán hàng, sau bán hàng, thì ông thấy giật mình bởi chi phí là khổng lồ. “Tôi không đáp ứng được một chi quá quá lớn như vậy”, ông Kỳ thành thật.
Ông Nguyễn Xuân Phú cho rằng: Việc đưa được thương hiệu ra nước ngoài không phải đơn giản, phải từng bước. Mỗi doanh nghiệp phải tự lần mò con đường đi của mình. Như vậy, nếu dám xây dựng thương hiệu, dám đầu tư vào hệ thống quản lý chất lượng thì quốc gia cũng phải đầu tư vào hệ thống chất lượng, phải tập trung đầu tư cho truyền thông marketing tốt. Làm được vậy, chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều thương hiệu nổi tiếng. Nhiều thương hiệu đi ra được toàn cầu thì đương nhiên thương hiệu quốc gia cũng sẽ phát triển.
Nhắc lại câu nói của tỷ phú Jack Ma “tầm mắt anh đến đâu thì thương hiệu anh đến đấy”, ông Nguyễn Thanh Sơn, chuyên gia thương hiệu, Chủ tịch Học viện Doanh nhân MVV, cho rằng: "Nếu tôi muốn thương hiệu của tôi là thương hiệu toàn cầu, thì tôi phải có cái nhìn toàn cầu. Tất nhiên toàn cầu là phạm vi rất rộng, không thể ngay lập tức chiếm lĩnh toàn bộ các thị trường toàn cầu. Lúc đó chúng ta phải xem đâu là thị trường trọng tâm của mình".
Ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh: “Một trong những điểm yếu của thương hiệu Việt Nam là tầm nhìn của chúng ta. Chúng ta có sẵn sàng cạnh tranh ở tầm toàn cầu không hay bằng lòng với thị trường trong nước, hay bằng lòng thi đấu ở thị trường Đông Nam Á. Phần lớn quốc gia thành công khi xây dựng thương hiệu quốc gia đều nhấn mạnh tầm nhìn toàn cầu của các thương hiệu. Các thương hiệu phải chấp nhận đi ra nước ngoài để tranh đấu. Khi tranh đấu ở thị trường toàn cầu, họ chưa chắc đã thắng. Nhưng ít nhất ở thị trường khu vực họ cũng sẽ rất mạnh. Ví dụ, chị Loan đi ra 60 nước. Khi đã chiến đấu ở 60 nước thì không có lý do gì không chiến thắng ở thị trường Việt Nam”.