Vụ án đặc biệt
Ngày 16/9, Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp, bàn giao 1.457 cổ vật chủ yếu là gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương) từ thế kỷ 15 cho đại gia Nguyễn Mười (59 tuổi, trú quận 1, TP. HCM). Số cổ vật này được xác định không liên quan đến vụ án tàng trữ, vận chuyển hàng cấm đã khởi tố trước đó, khiến dư luận xôn xao suốt 12 năm qua.
Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, vào những năm 90 của thế kỷ trước, ngư dân bất ngờ đánh lưới trúng một con tàu chứa hàng nghìn cổ vật là đồ sứ Chu Đậu, tại khu vực biển Cù Lao Chàm. Sau đó, vùng biển này trở thành điểm nóng khai thác cổ vật trái phép. Rất nhiều cổ vật đã được trục vớt và bán với giá rẻ cho những tay chơi đồ cổ.
Đầu năm 1997, Chính phủ cho phép một ban khảo cổ liên ngành tiến hành khai quật khảo cổ tại khu vực này trong thời gian 4 năm. Một con tàu được tìm thấy, lòng được chia làm 19 khoang chất đầy gốm sứ Chu Đậu. Nhiều chuyên gia đưa ra giả thuyết, con tàu nước ngoài vào cảng, sau khi bán hết hàng hóa, họ mua gốm sứ mang về nước. Khi đi ngang qua Cù Lao Chàm, tàu bị sóng đánh chìm.
Ông Nguyễn Mười được trao trả số đồ cổ “khủng”. |
Ngày 15/8/2003, ông Mười đang vận chuyển 33 cổ vật của ngư dân trên biển thì bị Công an tỉnh Quảng Nam bắt giữ tại Mũi Nghê (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Sau đó, công an khám xét nơi ở của ông tại 153 Hùng Vương (TP. Đà Nẵng), phát hiện hàng nghìn cổ vật. Lúc này, ông tự nguyện giao nộp 27 thùng đựng cổ vật. Tổng cộng, lực lượng công an thu giữ 1.573 hiện vật.
Công an tỉnh Quảng Nam ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Mười về tội Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Hồ sơ được chuyển sang VKSND tỉnh Quảng Nam. Ngày 16/8/2014, VKSND tỉnh cho rằng, hành vi của ông Mười không cần thiết phải xử lý hình sự, mà chỉ cần xử lý bằng biện pháp hành chính. Do đó, VKSND tỉnh ra quyết định đình chỉ vụ án, đề nghị thu sung công quỹ Nhà nước 33 cổ vật bị bắt quả tang trên biển và trả lại 27 thùng đồ cổ đã được ông Mười giao nộp trước đó.
Không đồng tình với quan điểm này, Công an tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh xác định 27 thùng đồ cổ là tài sản quốc gia, không thể trao trả cho ông Mười. Phía UBND tỉnh tổ chức nhiều buổi họp có nội dung liên quan đến lô đồ cổ khủng. Cùng thời điểm, VKSND tỉnh Quảng Nam cũng liên tục gửi văn bản yêu cầu trao trả số cổ vật cho ông Mười.
Cũng theo thông tin từ cuộc họp ngày 16/9, trước đó, ngày 27/11/2008, VKSND tỉnh Quảng Nam có quyết định bổ sung, giữ nguyên việc tịch thu 33 cổ vật bị bắt quả tang trên biển. Riêng 27 thùng đồ cổ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, đồng thời, yêu cầu công an chuyển cho UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đến năm 2009, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định xử phạt hành chính ông Mười, tịch thu 27 thùng đồ cổ sung công quỹ Nhà nước. Ông Mười không đồng tình với quyết định này, nên gửi đơn khởi kiện Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Sau đó, quyết định xử phạt hành chính đối với ông Mười được hủy. Đến cuối năm 2010, 27 thùng đồ cổ được định giá 1,6 tỉ đồng. UBND tỉnh cho rằng, tài sản có giá trị lớn, có dấu hiệu hình sự nên chuyển hồ sơ, đề nghị công an tỉnh thụ lý vụ án.
Công an tỉnh Quảng Nam đề nghị VKSND cùng cấp hủy quyết định đình chỉ vụ án, phục hồi điều tra vụ án. Tuy nhiên, VKSND tỉnh xác định, hành vi của ông Mười chỉ vi phạm hành chính, không có cơ sở phục hồi điều tra. Sau nhiều cuộc họp, đến giữa năm 2012, UBND tỉnh có công văn xác định không có cơ sở xử phạt hành chính ông Mười vì việc bắt giữ diễn ra tại Đà Nẵng.
Đến tháng 8/2015, UBND tỉnh Quảng Nam có kết luận đề nghị công an, Viện Kiểm sát và các cơ quan chức năng phối hợp trao trả 27 thùng đồ cổ. Tuy nhiên, trong đó, có 56 cái không phải cổ vật đã được trả trước đó, 27 hiện vật được xác định là ông Mười thu mua trái pháp luật, nên bị tịch thu sung công quỹ.
Ông Nguyễn Mười bên lô đồ cổ được trao trả. |
Mừng quá không ngủ được
Ông Nguyễn Mười quê ở Cẩm Nang (TP. Hội An, Quảng Nam). Năm 1990, ông thành thân với bà Ngô Thị Thương, là con gái của một thương gia kinh doanh hàng mỹ nghệ có tiệm lớn và duy nhất trên địa bàn thời điểm ấy. Học nghề của gia đình vợ chỉ một thời gian ngắn, ông trở thành tay chơi chuyên nghiệp. Cũng vì lý do này, trong giới đồ cổ thường ghép tên hai người và gọi ông là Mười Thương.
Ngày 16/9, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Mười cho biết, từ khi tham gia chơi đồ cổ, ông đã mong muốn mở một bảo tàng tư nhân. Do đó, ông thu gom khá nhiều cổ vật và cất giữ trong nhà. Ngày ấy, ông không có ý định buôn bán những thứ này để kiếm lời. Riêng về đồ gốm sứ Chu Đậu, ông bắt gặp lần đầu khi được một ngư dân bán với giá khá rẻ. Lúc mua, người này cho biết, số cổ vật được trục vớt ở Cù Lao Chàm. Sau khi bị bắt giữ số cổ vật Chu Đậu, vợ chồng ông khá lao đao bởi tai tiếng dư luận. Ông đã gửi rất nhiều đơn thư khiếu nại đến các cơ quan chức năng, đề nghị được nhận lại 27 thùng cổ vật sớm. Bởi, đây là số tài sản lớn. Một lý do khác, ông lo lắng, đồ cổ nếu không được cất giữ cẩn thận thì sẽ bị mai một, hư hỏng...
Bà Thương chia sẻ, 12 năm qua, gia đình đã tiêu tốn rất nhiều chi phí trong quá trình tố tụng. Để có tiền theo đuổi ý định, vợ chồng bà mở một cửa tiệm bán đồ cổ khá lớn để có thu nhập, có tiền theo đuổi vụ kiện, lại có điều kiện theo đuổi ý thích. Càng chơi, vợ chồng bà lại càng hiểu, càng đam mê.
Khi nhận được quyết định trao trả số cổ vật bị giữ 12 năm trước, ông Mười rất mừng. Ông bảo, vợ chồng ông đọc đi, đọc lại quyết định này rất nhiều lần. Mừng quá, nhiều đêm liền, ông không ngủ được. Lắm khi chợp mắt, trong giấc mơ chập chờn lại hiện lên hình ảnh những cổ vật của gia đình. Đối với ông, hành trình lấy lại số tài sản này là quá mệt mỏi nên sẽ chấm dứt tại đây, không có bất kỳ khiếu nại, kiện tụng nào nữa.
Trao trả cổ vật cho ông Mười là đúng pháp luật
Trao đổi với PV, đại diện VKSND tỉnh Quảng Nam cho biết, kể từ khi đình chỉ vụ án, theo thẩm quyền pháp luật, VKSND tỉnh đã bàn giao toàn bộ hồ sơ, vật chứng là 27 thùng cổ vật cho Cơ quan điều tra để chuyển cho UBND cấp tỉnh xử phạt. Theo đó, sau khi vụ án được đình chỉ, VKSND không có quyền giải quyết mọi liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, vị này cho rằng, việc UBND tỉnh có quyết định trao trả số cổ vật trên cho ông Mười là đúng pháp luật.
Tay chơi đồ cổ có tiếng
Ông Hà Phước Mai, Giám đốc bảo tàng Đà Nẵng cho biết, ông Mười được biết đến là người chơi đồ cổ có tiếng tại Đà thành. Trước đây, lãnh đạo Đà Nẵng và bộ Văn hóa Thông tin (cũ) nhiều lần đến nhà ông để tham quan cổ vật. Trước khi lô cổ vật bị thu giữ, ông Mười còn được gửi giấy mời tham gia triển lãm cổ vật, đồng thời, ông cũng từng lên kế hoạch xin thành phố cấp đất để xây dựng bảo tàng.