Cổ phiếu VET của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco ghi nhận 5 trong 6 phiên gần đây tăng giá, trong đó có 3 phiên tăng trần, mỗi phiên tăng thêm khoảng 15%. Với diễn biến tích cực, cổ phiếu VET đã tăng tổng cộng 2,3 lần trong khoảng một tháng qua. Đây là mức tăng mạnh nhưng không phải hiếm có trên thị trường.
Tuy nhiên, với người lao động trong Navetco, khoản tiền mà họ vừa bỏ ra mua cổ phiếu ESOP đã tăng thêm 8 lần chỉ trong khoảng 1 tháng.
Cuối 2020, theo nghị quyết HĐQT của CTCP Thuốc thú y Trung ương Navetco (VET), 54 lao động tại Navetco được quyền mua 36.200 cổ phiếu VET với giá 13.300 đồng mỗi đơn vị. Với mức giá hơn 100 nghìn đồng/cp như hiện tại, nếu bán ra, họ sẽ ghi nhận một khoản lãi lớn.
Cổ phiếu VET liên quan đến tập đoàn của ông chủ Novaland Bùi Thành Nhơn tăng mạnh sau khi doanh nghiệp này công bố thông sản xuất thành công vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi, một đại dịch khiến đàn lợn hàng triệu con phải tiêu hủy. Theo Navetco cũng như đại diện Bộ NN-PTNT, nếu không có gì thay đổi thì đến khoảng cuối quý I/2021, doanh nghiệp này sẽ sản xuất được vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Dây chuyển sản xuất vaccine ngừa dịch tả châu Phí của Navetco. |
Navetco tiền thân là Viện Quốc gia Vi trùng học và Bệnh lý Gia súc, được thành lập năm 1955 với chức năng chủ yểu là chẩn đoán bệnh và sản xuất một lượng nhỏ vaccine cho gia súc. Công ty cổ phần hóa và đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng vào cuối 2012, đầu năm 2013 và chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Navetco có vốn điều lệ 160 tỷ đồng, đăng ký giao dịch 16 triệu cổ phiếu trên Upcom từ 13/12/2017.
Cổ phiếu VET có rất ít giao dịch do cơ cấu cổ đông cô đặc. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty có 3 cổ đông lớn nắm giữ đến 84% vốn gồm Bộ NN-PTNT (nắm giữ 65%); Công ty Cổ phần Anova (12,18%); bà Phạm Thị Cúc (5,85%). Ngoài các cổ đông lớn, giao dịch cổ phiếu VET cho thấy hầu hết cổ phiếu còn lại của công ty đều nằm trong tay cán bộ công nhân viên, người lao động của công ty.
Anova là mảng kinh doanh nông nghiệp của gia đình ông Bùi Thành Nhơn, chủ tịch Novaland Group. Phát hành cổ phiếu ESOP là hoạt động được nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán thực hiện. Hoạt động này giúp giữ chân người lao động và biến họ thành người chủ của doanh nghiệp.
Việc phát hành cổ phiếu ESOP thường mang lại lợi ích rất lớn cho những người được mua loại cổ phiếu ưu đãi này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó cũng ảnh hưởng tới các cổ đông khác.
Hồi cuối 2020, túi tiền của các cổ đông CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) sụt giảm hơn 1,2 nghìn tỷ đồng trong phiên các lãnh đạo doanh nghiệp bán lẻ vàng bạc trang sức số 1 Việt Nam được mua cổ phiếu ưu đãi với giá thấp hơn thị giá gần 3 triệu USD.
Trong tháng 11/2020, HĐQT Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, GEX) công bố kế hoạch bán 12 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 2,55% tổng số cổ phần đang lưu hành) cho cán bộ nhân viên, trong đó 7 triệu cổ phiếu được bán cho 7 lãnh đạo chủ chốt, với giá 12.000 đồng/cp - thấp hơn so với thị giá khi đó là 20.000 đồng/cp.
Masan của ông Nguyễn Đăng Quang cũng đã hoàn tất phát hành 5,7 triệu cổ phiếu ESOP hồi tháng 8 để tăng vốn từ 11.689 tỷ lên 11.747 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp như Novaland (NLV), VPBank, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG),... cũng phát hành hàng chục triệu cổ phiếu ESOP mỗi lần.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thị trường tiếp tục sôi động. VN-Index giảm nhẹ nhưng vẫn giữ được trên ngưỡng 1.160 điểm.
Theo BVSC, thị trường dự báo sẽ chịu áp lực rung lắc điều chỉnh trong một vài phiên đầu tuần và có thể hồi phục tăng điểm về cuối tuần tới. VN-Index nhiều khả năng sẽ tiến đến thử thách vùng đỉnh cũ quanh 1.200 điểm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đà hồi phục tăng điểm của thị trường sẽ có thể sẽ chậm lại và đan xen các nhịp điều chỉnh trong quá trình đi lên. Các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hoá rõ nét hơn theo kết quả kinh doanh quý IV/2020 của các doanh nghiệp niêm yết.
Bên cạnh đó, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số VN30, VNFINLEAD… sẽ tạo ra ảnh hưởng rõ nét hơn đến diễn biến thị trường trong tuần cuối tháng 1. Hoạt động này cũng sẽ khiến các cổ phiếu thành phần của các rổ chỉ số có biến động mạnh.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/1, VN-Index tăng 2,57 điểm lên 1.166,78 điểm; HNX-Index giảm 0,16 điểm xuống 240,12 điểm. Upcom-Index tăng 0,13 điểm lên 77,6 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 18,7 nghìn tỷ đồng.