"Nhại" kiến trúc nước khác
KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho biết ông rất quan tâm và có nhiều hình ảnh liên quan đến các biệt thự cổ do các đại gia trên cả nước xây dựng.
Ông bình luận: "Kiến trúc là một biểu hiện văn hóa, khoa học, kỹ thuật của một giai đoạn nhất định, là nghệ thuật sáng tạo. Định hướng cho kiến trúc Việt Nam là kiến trúc kết hợp truyền thống với hiện đại, vì chúng ta xây dựng vào thời điểm hiện nay.
Còn các công trình bảo tồn thì phải cố gắng giữ gìn nguyên trạng, đảm bảo nét riêng truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc".
Vì vậy, theo ông Nghiêm, các công trình xây mới phải mang dấu ấn hiện đại có kết hợp yếu tố truyền thống, bởi nó là minh chứng của một giai đoạn văn hóa mới, chứ không phải là phục dựng lại một giai đoạn cũ.
Lâu đài đôi của đại gia Ninh Bình. |
Khẳng định rõ quan điểm, ông Nghiêm nói: "Xu thế "nhại" kiến trúc cổ là xu thế không nên, nếu không phải là công trình bảo tồn. Tốt nhất, chúng ta nên đi theo hướng kiến trúc văn hóa của thời đại mới có kết hợp yếu tố truyền thống chứ không nên hoài cổ, đặc biệt, máy móc áp dụng kiến trúc của các nước khác, đó là không phù hợp.
Nói ngay như kiến trúc ở những khu vực như phố cổ, khi xây dựng các công trình mới vẫn phải mang dấu ấn truyền thống chứ không phải yếu tố hiện đại, đó là xu thế kiến trúc hiện nay, chứ không thể "nhại" cổ hoàn toàn.
Tôi nhấn mạnh rằng kiến trúc là biểu hiện văn hóa, khoa học, kỹ thuật của một thời đại, bây giờ là thời đại mới, thì bắt chước, "nhại" lại không biết vì mục đích gì, tất nhiên không phải là bảo tồn".
Về khía cạnh thẩm mỹ, cái đẹp, theo ông Nghiêm, kiến trúc là sáng tạo nghệ thuật, chứ không phải là một bức tranh để "nhại" cổ, một công trình có yếu tố khai thác, sử dụng.
Người Pháp khi sang đây, họ đại diện cho một giai đoạn văn hóa mới, khi xây dựng công trình ở Việt Nam, họ vẫn kết hợp yếu tố truyền thống, xu thế kiến trúc Đông Dương, tức là kết hợp yếu tố hiện đại của châu Âu với yếu tố truyền thống Việt Nam.
Phong cách kiến trúc này đã để lại quỹ di sản lớn cho Hà Nội, ví dụ như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Tổng cục thể dục thể thao, Nhà hát lớn...những công trình mang đậm dấu ấn của một giai đoạn, vừa hiện đại, vừa mang đậm dấu ấn truyền thống. Có như vậy công trình mới sống lâu và tồn tại được.
Chứ không phải một công trình "nhại" cổ mà không đúng quy chuẩn thiết kế, cũng không phải hoàn toàn mới trong khu đô thị, có nghĩa là phải hòa hợp với cảnh quan xung quanh.
Không được phá vỡ quy hoạch đô thị
Phân tích ở góc độ khác, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng, công trình kiến trúc là một yếu tố, là tế bào cấu thành diện mạo không gian của một đô thị.
Hay nói cách khác, mỗi công trình kiến trúc cũng là lợi ích chung, văn hóa, thẩm mỹ chung của toàn xã hội, chứ không phải của một cá nhân nào đó, mà được phép sống với một diện mạo khác biệt.
Chính vì thế, các biệt thự xây dựng phải theo quy hoạch, nếu quy hoạch chưa xác định được thì phải nâng cao chất lượng quy hoạch lên, chứ không phải để thành trào lưu đại gia sau thì phải xây biệt thự to hơn, hoành tráng hơn đại gia xây trước.
Vì kiến trúc là văn hóa, lợi ích chung toàn xã hội, không phải là nơi thể hiện cá tính riêng của bất cứ cá nhân nào. Bài học nhãn tiền, ngay ở Hà Nội, nhiều người định làm những công trình to, có tính chất đặc thù, dư luận phản bác, thì phải đập đi, xây dựng mới.
Ông Nghiêm cho biết thêm: "Về việc quy định tiêu chuẩn xây dựng, trong các đô thị có quy hoạch, có thiết kế đô thị, trong đó đều có tiêu chuẩn khống chế các công trình xây dựng. Nếu như để như vậy là thiếu sự kiểm soát, bởi quy hoạch kiến trúc là của toàn xã hội chứ không phải của một cá nhân nào.
Nghĩa là phải xây dựng phù hợp với quy hoạch, chức năng của đô thị, hài hòa với khu vực xung quanh, chứ không phải xây dựng để lấn át thiên nhiên.
Nơi nào chưa có thì thiếu yếu tố quản lý, phải bổ sung ngay tránh việc mỗi nhà một kiểu, phá vỡ cảnh quan của các đô thị".
Mời quý độc giả xem video Nhà đẹp của sao Việt (nguồn Youtube):