Đại gia hàng chục tỷ làm đám cưới cho con đang nợ lớn?

Đại gia Cà Mau Nguyễn Việt Cường cho biết 11 tỷ chi phí trong đám cưới con gái chỉ bằng doanh thu 3 ngày của một công ty ở Kiên Giang.

"11 tỷ làm đám cưới con gái bằng 3 ngày kinh doanh"
Những ngày qua, đám cưới hơn chục tỷ của con gái đại gia Cà Mau Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Cường, đại gia chuyên ngành thủy sản, đô thị nhà ở, năng lượng tái tạo và du lịch - dịch vụ khiến dư luận "mắt tròn mắt dẹt", điều khiến dư luận xôn xao không chỉ bởi chi phí vị đại gia này bỏ ra trong đám cưới con gái mà còn bởi lượng tài sản mà vị đại gia này giao cho con gái sau đám cưới.
Thông tin trên báo Tri thức Trực tuyến, đại gia Cường cho biết, có hơn 1.900 thiệp cưới được gửi đến người thân, bạn bè và đối tác kinh doanh trong, ngoài nước. Đêm nhóm họ sẽ có khoảng 70 bàn tiệc, khách còn lại sẽ dự buổi tiệc chính vào đêm 10/1.
"Tôi chi khoảng 9 tỷ đồng cải tạo nhà hàng giữa hồ nước rộng 81.700 m2 thành 'đảo uyên ương' để mừng ngày trọng đại cho con gái nở mày nở mặt với nhà chồng và bà con.
Chi phí để nghệ sĩ đến góp vui tốn hơn 2 tỷ đồng. Cộng hai cái này lại trên 11 tỷ đồng, bằng doanh thu 3 ngày của một công ty ở Kiên Giang", ông Cường khẳng định.
Theo gia đình nữ chủ hôn, một số ca sĩ nổi tiếng đến từ TP HCM sẽ tham gia 2 đêm văn nghệ tại tiệc cưới. "Chi phí cho mỗi ca sĩ này 8.000-15.000 USD sau khi kết thúc hai đêm văn nghệ, nhưng một người trong số đó đã tặng tiền cát-xê làm quà cưới cho Ngọc Mai", ông Châu Thanh Hãn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Phú Cường tiết lộ.
Cũng theo ông Hãn, tiệc cưới này được xem là có một không hai ở Cà Mau, cần đến trên 500 nhân viên phục vụ.
Nhắc đến việc nhiều người cho rằng, quá lãng phí khi chi cả chục tỷ cho đám cưới, chủ tịch Tập đoàn Phú Cường giải thích rằng, đây là tiền cần thiết phải chi, vì đó là ngày vui nhất của con gái ông. Theo kế hoạch, tiền khách đi đám cưới sẽ được trích ra 50% làm từ thiện, còn lại ông Cường cho vợ chồng con gái.
"Tài sản tôi cho con gái là giao vợ chồng Ngọc Mai toàn quyền điều hành đối với cụm công ty con tại Cà Mau, có tổng giá trị khoảng 300 tỷ đồng”, ông Cường chia sẻ.
Theo người cha, con gái ông hiện là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Minh Hải có vốn của Nhà nước. Cô dâu 29 tuổi này từng học ở Singrapore, tốt nghiệp đại học quản trị kinh doanh. Chú rể Thanh Duy có công ty xây dựng, kinh doanh vật tư xây dựng nên cũng là đối tác lâu năm với tập đoàn của cha vợ.
Dai gia hang chuc ty lam dam cuoi cho con dang no lon?
Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch Tập đoàn Phú Cường cùng con gái Ngọc Mai. (Ảnh: Tri thức Trực tuyến). 
Đại gia… nợ nần chồng chất?
Báo Phụ nữ Online đưa tin, ông Nguyễn Việt Cường hiện nay là một đại gia có tiếng ở Cà Mau. Sự nghiệp của vị “đại gia” này bắt đầu từ năm 1995, ông đứng ra mua lại một cơ sở làm ăn yếu kém để đầu tư mở rộng thành Xí nghiệp chế biến thủy sản Phú Cường - doanh nghiệp chế biến thủy sản tư nhân đầu tiên của tỉnh Cà Mau.
Thời điểm đó, rất ít ai ngờ rằng từ một cơ sở làm ăn yếu kém như vậy mà chỉ trong 3 năm ông Cường đã đưa doanh nghiệp của mình không ngừng phát triển. Và cũng từ đây, ông Nguyễn Việt Cường đã dần trở thành một đại gia có thế lực của Cà Mau.
Đến năm 2003 – 2004, đánh dấu một bước phát triển mới cho việc làm ăn kinh doanh của ông Cường, khi ông đã mua cổ phần chi phối của Công ty cổ phần chế biến thủy sản Minh Hải và ông đã trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Từ đó đến nay, việc kinh doanh của “đại gia” Nguyễn Việt Cường liên tiếp gặp thành công. Năm 2005, ông Cường đã đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng 2 nhà máy chế biến thủy sản mới mang tên Kiên Cường và Kiên Giang tại Bạc Liêu. Năm 2006, ông mua cổ phần chi phối của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu thủy sản Cà Mau và Công ty Kisimex Kiên Giang.
Năm 2007, ông Cường lại tiếp tục đầu tư 60 tỷ đồng xây dựng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu hải sản Hùng Cường tại Vĩnh Long. Dự kiến, nếu cả 6 nhà máy chế biến thủy sản này hoạt động sẽ nâng tổng sản lượng sản xuất lên 70.000 tấn/năm, tương đương với doanh số 400 triệu USD và thu hút trên 10.000 lao động.
Báo Một thế giới cũng đưa tin, Công ty CP Tập đoàn Phú Cường chuyên nuôi, chế biến và xuất khẩu thủy sản, từng đạt kim ngạch xuất khẩu 200 triệu USD/năm và là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành thủy sản. Phú Cường có 15 công ty, xí nghiệp chế biến thủy sản rải từ tỉnh Cà Mau đến Bạc Liêu, Kiên Giang, Vĩnh Long... với hơn 10.000 lao động.
Nhưng cuối năm 2013, đại gia Việt này, Chủ tịch HĐQT, từng gửi đơn xin cứu xét khẩn cấp đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình về… “đống” nợ 1.325 tỉ đồng. Cùng lúc đó, tại Kiên Giang, các công ty của Tập đoàn Phú Cường như: Công ty CP Thủy sản Kiên Giang, Công ty CP Chế biến thủy sản XNK Kiên Cường, Công ty Thủy sản Tắc Cậu, Công ty Thủy sản Kiên Lương đang hoạt động rất chật vật vì áp lực trả lãi ngân hàng quá lớn. Riêng hai công ty Kiên Cường và Kiên Giang đã nợ hơn 453 tỉ đồng.
Tại Vĩnh Long, Phú Cường có Công ty CP Chế biến thủy sản XNK Hùng Cường nhưng kể từ khi khánh thành chỉ hoạt động cầm chừng, hiệu quả thấp, nợ nần chồng chất. Trong khi đó, Phú Cường Jostoco dư nợ 246,7 tỉ đồng, lỗ 40 tỉ. Còn Minh Hải Jostoco dư nợ 282 tỉ đồng, lỗ lũy kế 275 tỉ...
Trong đơn cầu cứu gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Cường phần nào xác nhận khó khăn của tập đoàn mình “đang gặp khó khăn nghiêm trọng”. Theo ông Cường tự thống kê, tính đến ngày 9.12.2013, có 6 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của Tập đoàn Phú Cường tại Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Vĩnh Long… nợ các chi nhánh ngân hàng thương mại 1.325 tỉ đồng. Theo đó, ông Cường đề nghị được cấu trúc nợ với cách thức: gia hạn nợ 3 năm, trả nợ trong 5 năm tiếp theo; miễn hoặc giảm lãi suất và áp dụng lãi suất tốt nhất; xin cấp thêm hạn mức tín dụng 50 tỉ đồng cho mỗi doanh nghiệp.
Dai gia hang chuc ty lam dam cuoi cho con dang no lon?-Hinh-2
Nhà máy đóng cửa (Ảnh: Báo Một thế giới). 
Đáp lại lời xin cứu xét khẩn cấp này, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần từng có quan hệ tín dụng với Tập đoàn Phú Cường đều lắc đầu. Tại Agribank chi nhánh Cà Mau, Phú Cường còn nợ 223 tỉ đồng. Một cán bộ điều hành Agribank chi nhánh Cà Mau nói: “Chúng tôi muốn tiếp tục cho vay để thu hồi nợ nhưng tập đoàn chưa có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, không tài sản thế chấp, không cân đối được vốn tự có tham gia sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, việc vay vốn thời gian qua đầu tư ngoài ngành, chúng tôi không kiểm soát được, nợ phát sinh theo thời gian”.
Tương tự, ông Tăng Xuân Lãm, Giám đốc chi nhánh Vietinbank Cà Mau, là chủ khoản nợ 150 tỉ đồng của Phú Cường, nói: “Tập đoàn Phú Cường kiến nghị nhưng chúng tôi phải xem xét và xử lý trong khuôn khổ quy định. Với 1 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ xấu không trả thì làm sao có thể cho vay tiếp?”.
Phó giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau, ông Châu Công Bằng cũng xác nhận: “Tập đoàn Phú Cường đang bị xếp vào nhóm doanh nghiệp cực kỳ khó khăn”. Cũng theo ông Bằng, một trong những nguyên nhân khó khăn của Tập đoàn Phú Cường là đầu tư ngoài ngành.
Không những thế, thông tin trên báo Một thế giới, Công ty của con gái vị đại gia nãy cũng đang trong cảnh… ì ạch.
Ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở KHĐT Cà Mau cũng vừa có báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vào ngày 5/1/2016, về các dự án của Công ty Du lịch - Dịch vụ Minh Hải, do bà Ngọc Mai, con gái ông Cường làm giám đốc.Theo đó, nhiều dự án của công ty này dở dang, không tuân thủ quy trình, yếu kém về năng lực tài chính và nhân lực.
Như tại dự án hồ Vân Thủy, nơi diễn ra lễ cưới của bà Ngọc Mai, Sở TNMT chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở Tài chính chưa định giá đất cho thuê, Cục Thuế Cà Mau chưa thu tiền sử dụng đất nên Sở Xây dựng Cà Mau vẫn chưa cấp giấy phép xây dựng. Nhưng những công trình cứ mọc lên ngay khu đất đó, gồm đảo Uyên Ương nơi diễn ra đại tiệc mừng bà Ngọc Mai lên xe hoa, dãy cà phê Bờ Hồ dọc tuyến đường 1/5…
Ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Cà Mau từng ra quyết định xử phạt hành chính lĩnh vực xây dựng, với mức phạt 40 triệu đồng, vào ngày 28/1/2015. Nhưng những công trình trái phép, hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường suốt thời gian dài.
Dự án Khách sạn Phương Nam trên khu đất hơn 1.300m2, tại 2 mặt đường Phan Ngọc Hiển - Phan Đình Phùng đã 3 lần động thổ, khởi công nhưng vẫn để hoang. Trước đó, Công ty CP Du lịch - Dịch vụ Minh Hải cho đập phá, bán phế liệu và thanh lý cơ sở cũ. Nhưng khu đất vàng này hiện vẫn trơ trơ, không hề có công trình khách sạn nhiều sao mọc lên như “hứa hẹn”. Ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở KHĐT Cà Mau cũng vừa báo cáo đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chấm dứt việc triển khai dự án này.
Cũng tại Cà Mau, dự án Khu Du lịch sinh thái U Minh Hạ, Nhà hàng thủy tạ Đất Mũi… của Công ty CP Du lịch - Dịch vụ Minh Hải làm chủ đầu tư, nhưng bỏ hoang nhiều năm nay vì thiếu vốn...

Choáng với khách sạn tuyệt đẹp làm từ 10.500 tấn muối

Nằm giữa cánh đồng muối tự nhiên lớn nhất thế giới, khách sạn Palacio de Sal được xây nên từ 10.500 tấn muối.

Tại Salar de Uyuni ở phía Tây Nam của Bolivia, người ta có thể chiêm ngưỡng sự khổng lồ và màu sắc tuyệt đẹp của cánh đồng muối. Đây là cánh đồng muối lớn nhất thế giới, nơi lưu trữ nhiều li-ti nhất và nó được coi là chiếc gương của bầu trời.
 
Nằm tại vị trí đắc địa ở cánh đồng muối Salar de Uyuni là khách sạn Palacio de Sal. Tận dụng nguyên liệu sẵn có, người ta đã xây dựng khách sạn này bằng 10.500 tấn muối tự nhiên.
Bao quanh khách sạn Palacio de Sal là cả biển trắng tưởng như bất tận của “biển muối” với trữ lượng khoảng 10 tỷ tấn. Từ xa nhìn lại, khách sạn như nằm giữa dòng sông băng.
 
Tại khách sạn Palacio de Sal (trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Cung điện muối), những bức tường trắng, nội thất gạch, mái nhà, bàn ghế và thậm chí cả giường ngủ cũng được làm từ các hạt muối kết tinh.
Lời khuyến cáo từ những người quản lý khách sạn cho biết họ cấm các du khách tới đây tò mò liếm vào các bức tường bởi chúng thực sự được làm từ muối được khai thác ở cánh đồng Salar de Uyuni nổi tiếng. Việc liếm những bức tường này có thể khiến khách sạn nhanh chóng phải tu sửa lại.
Khách sạn Palacio de Sal được xây dựng vào khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, hiện vẫn đang dần được hoàn thiện với nhiều tiện nghi và dịch vụ dành cho du khách. Đây cũng là khách sạn muối đầu tiên được xây dựng trên thế giới. Phải mất tới 2 năm, các nhà thiết kế và công nhân xây dựng mới hoàn thành công trình công phu làm từ 10.500 tấn muối này.
 
Cung điện muối Palacio de Sal có 30 phòng nghỉ với đầy đủ các thiết bị tiện nghi, thậm chí có cả phòng tắm nắng riêng, không thua kém bất kỳ một khách sạn thông thường nào khác. Ngoài ra, khách sạn cũng có spa sang trọng với phòng tắm hơi, phòng chơi bida và phòng ăn.
Do được làm từ vật liệu đặc biệt nên cấu trúc của khách sạn không được ổn định. Khách sạn thường xuyên phải tu sửa sau mỗi trận mưa do muối bị nước mưa hòa tan. Tuy vậy, với lợi thế nằm giữa cánh đồng muối lớn nhất thế giới với trữ lượng dồi dào nên Palacio de Sal vẫn tồn tại tới tận ngày nay.
 

Xem quy trình thu hoạch và đóng gói táo ít biết

(Kiến Thức) - Đoạn video hé lộ các quy trình thu hoạch, xử lý, đóng gói và vận chuyển những trái táo ngon ngọt.

Quy trình thu hoạch và đóng gói trái táo:

Đọc nhiều nhất

Tin mới

Làng hương cổ ở Hà Nội tất bật hàng Tết

Làng hương cổ ở Hà Nội tất bật hàng Tết

Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, làng nghề làm hương tại xã Quảng Phú Cầu (Hà Nội) lại tất bật. Khắp các xưởng, không khí lao động trở nên hối hả, máy móc hoạt động hết công suất.