Những cú vung tay ngàn tỷ
Trong vài năm trước đây, thị trường chứng khoán nhiều phen xôn xao về những thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) và kinh doanh khủng của một đại gia trong lĩnh vực thủy sản: ông Dương Ngọc Minh.
Đầu năm 2013, Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh đã làm nóng thị trường M&A Việt Nam sau khi công bố một loạt thương vụ với giá trị hàng trăm tỷ đồng, trong đó có kế hoạch mua hàng triệu cổ phiếu VTF của CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng, một doanh nghiệp rất nổi tiếng trong mảng thức ăn chăn nuôi thủy sản tại ĐBSCL.
Vụ thâu tóm khiến giới đầu tư tò mò muốn tìm hiểu kỹ hơn về ông chủ Thủy sản Hùng Vương: tiềm lực tài chính như thế nào và tham vọng của ông là gì khi thâu tóm doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu tại ĐBSCL với 3 nhà máy lớn tại Sa Đéc và Lai Vung.
Ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn. |
Với tham vong chiếm 25-30% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, từ trước đó, ông Minh đã tư rất mạnh vào các vùng nuôi cá nhằm tự cung cấp về nguồn cung cấp nguyên liệu cá da trơn cho các nhà máy chế biến thủy sản.
HVG mua lại Nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản Việt Đan với công suất cả trăm ngàn tấn/năm; mua cổ phần CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) để trở thành cổ đông chiến lược; mua cổ phần Thủy sản Bến Tre (FBT) từ SCIC; đồng thời tăng sở hữu tại CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) lên 51%, biến công ty này thành “con” nhằm đẩy mặt xuất khẩu sang Âu và Mỹ.
Bên cạnh đó, HVG còn góp vốn mua hàng chục phần trăm cổ phần của CTCP Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Tắc Vân, một doanh nghiệp chuyên về chế biến tôm mực xuất khẩu tại Cà Mau.
Với hơn chục công ty con và liên kết, HVG có trong tay hàng chục nhà máy chế biến thủy sản, vài nhà máy chế biến thức ăn, cả ngàn hecta ao nuôi trồng thủy sản cùng với nhiều kho lạnh và các bộ phận hỗ trợ khác.
Không những thế, Hùng Vương của đại gia Dương Ngọc Minh còn lấn sân sang bất động sản và mở rộng các kênh phân phối sang cả nước ngoài, trong đó có Nga, với kế hoạch mua lại 50% hệ thống phân phối của Russian Fish - một công ty phân phối cá đứng đầu thị trường này.
Tham vọng tỷ USD và khó khăn phải bán tài sản
Cách đây vài năm, nhiều chuyên gia và các nhà đầu tư đã bày tỏ sự lo lắng về chiến lược của Hùng Vương. Họ e ngại công ty đi quá xa và rất mạo hiểm khi ngày càng mở rộng, rời xa lĩnh vực cốt lõi nhằm hoàn thiện mô hình đa ngành.
Ông Dương Ngọc Minh và giấc mộng tỷ USD. |
Tập đoàn Hùng Vương không chỉ còn được biết là đại gia trong ngành thủy sản, mà còn phát triển cả nông nghiệp, bán lẻ, kho lạnh và cả bất động sản. Chủ tịch Dương Ngọc Minh vẫn tin tưởng vào chiến lược của doanh nghiệp.
Hùng Vương liên tục tăng quy mô, xin ý kiến cổ đông tăng vốn điều lệ. Từ mức 800 tỷ đồng đầu 2013, tới thời điểm hiện tại, Hùng Vương có vốn lên tới gần 2,3 ngàn tỷ đồng. Tham vọng của Hùng Vương là đến 2015, công ty sẽ đạt được 1 tỷ USD doanh thu.
Trên thực tế, dấu ấn của Hùng Vương trong ngành thủy sản là rất lớn. Có những thời kỳ, HVG chiếm tới phân nửa tổng giá trị lợi nhuận ngành và nằm trong số ít có tăng trưởng dương, trong bối cảnh ngành thủy sản gặp rất nhiều khó khăn.
Cũng không ngoa khi nói HVG là ông vua trong ngành cá tra Việt Nam. Doanh nghiệp này có doanh thu tăng 1.000 lần trong 10 năm. Mặc dù doanh thu tăng mạnh và thị phần rất lớn, nhưng Hùng Vương vẫn chứng kiến lợi nhuận tuột dốc do chi phí lãi tăng cao và trong bối cảnh ngành thủy sản luôn trong tình trạng gặp khó khăn với các hàng rào thuế quan ở nước nhập khẩu.
Cuối 2013, công ty mẹ HVG lần đầu tiên công bố lỗ quỹ bất chấp doanh thu tăng mạnh. Thị phần được giữ vững nhưng chi phí quá cao, đặc biệt chi phí tài chính, bán hàng và vận chuyển đã khiến ông trùm thủy sản gặp khó.
Sang 2015, có những quý HVG chứng kiến doanh thu tăng nhưng lãi vỏn vẹn hơn chục tỷ đồng. Vị trí của HVG trong ngành cũng tụt giảm. Trong khi Minh Phú lên vị trí số 1, Vĩnh Hoàn số 2 thì Hùng Vương tụt xuống thứ 10.
Tình hình dường như càng trở nên xấu đi khi HVG mở rộng hoạt động kinh doanh, chuyển hướng chăn nuôi heo với dự án 2 ngàn tỷ đồng, từ thức ăn gia súc gia cầm cho tới trang trại, sản xuất thuốc, logistics,...
Từ vị trí top 10 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán, ông Dương Ngọc Minh, người tình tin đồn của ca sỹ Mỹ Tâm rớt dài, ra khỏi top 50 và oằn mình với gánh nặng nợ nần.
Tính tới cuối quý 2/2017, Hùng Vương ghi nhận tổng nợ lên tới gần 12,4 ngàn tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn lên tới gần 11,4 ngàn tỷ đồng. Đây là những con số nợ ở mức lớn đáng lo ngại so với quy mô hơn 2 ngàn tỷ đồng. Giá cổ phiếu HVG hiện chỉ còn khoảng 6.500 đồng/cp.
Thông tin mới nhất cho thấy, HVG đã quyết định thoái vốn và giải thể CTCP Địa ốc An Lạc. Cụ thể, Hùng Vương báo thanh lý hết các bất động sản hiện có thuộc Địa ốc An Lạc, gồm rất nhiều lô bất động sản ở những vị trí đắc địa tại TP.HCM.
Trong báo cáo giải trình, Hùng Vương của đại gia thủy sản Dương Ngọc Minh cho biết sẽ quay trở lại với ngành nghề kinh doanh cốt lõi. Đây là bước thay đổi chiến thuật của ông Minh. Thay vì phát hành cổ phiếu đầu tư sai mục đích, rót tiền vào địa ốc, chứng khoán, tới đây Hùng Vương sẽ chú trọng vào nuôi trồng, chế biến thức ăn, nâng cấp sữa chữa nhà máy, thiết bị, tránh sai lầm như nhiều công ty khác mà ông từng phê phán.