Cầu Tam Bạc - Hải Phòng. |
Ông Tạ Quyết Thắng - TGĐ Cty TNHH Sơn Trường tâm sự: “Thực ra, chúng tôi đã thi công rất nhiều công trình trong nước do các nhà đầu tư nước ngoài làm chủ đầu tư, nhất là các công trình do công ty của Mỹ làm tư vấn. Tôi rất ấn tượng với cách thi công mới của họ và thắc mắc: Tại sao Việt Nam mình không làm theo cách này để rút ngắn tiến độ và tiết kiệm chi phí?
Qua nhiều năm trăn trở, đến khi Hải Phòng muốn xây dựng một cây cầu, chúng tôi nhận thấy đây là dịp tốt để thực hiện ý tưởng nung nấu lâu nay của mình nhưng chưa có cơ hội thực hiện. Bởi vì trước nay chúng tôi chỉ là nhà thầu, phải làm theo các phương án thiết kế định sẵn, không thể làm theo phương án thiết kế nào khác. Nhưng đến cây cầu này, chúng tôi là chủ đầu tư nên có thể thực hiện ý tưởng của mình qua các giải pháp thiết kế, thi công.
Chúng tôi muốn khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể thi công được theo cách mới này, điều mà trên thế giới người ta đã làm rất nhiều. Theo tôi, khó khăn lớn nhất của giải pháp này là kỹ thuật kiểu mới về mặt thiết kế kết cấu, giải pháp thi công. Điều này, anh em kỹ sư của Sơn Trường đã làm được.
Chúng tôi đã đúc sẵn các kết cấu bê tông tại nhà máy và tổ chức thi công. Thi công là khâu đơn giản nhất trong các công đoạn làm cầu này. Nếu việc đúc sẵn kết cấu, đóng nền cóc chuẩn xác thì việc thi công lắp ráp khá đơn giản”.
Ông Tạ Quyết Thắng khẳng định: Công nghệ làm cầu mới này hoàn toàn có thể áp dụng cho tất cả quy mô các loại cầu, kể cả với những dự án lớn như cảng Lạch Huyện hay cầu Tân Vũ... Tuy nhiên, tùy theo yêu cầu về công năng của mỗi cầu mà sẽ có những phần được thiết kế khác biệt. Nhưng về cơ bản vẫn là cách thiết kế và thi công như cây cầu này. Nếu theo cách làm cây cầu này thì cầu Tân Vũ dài 10km ra đảo Cát Hải sẽ có chi phí thấp hơn rất nhiều so với con số 12.000 tỷ như hiện tại.
Trăn trở về đồng vốn đầu tư
“Cây cầu trăm tỉ” chỉ là cách nói cửa miệng. Thực ra tổng chi phí để làm cây cầu này chỉ hết 78 tỉ đồng, theo con số quyết toán của doanh nghiệp.
Đoàn xe tải trọng 50 tấn qua cầu trong ngày thông xe kỹ thuật. |
Sở dĩ gọi “cầu trăm tỉ” có lẽ là bởi trước đây, thành phố cũng đã có kế hoạch xây một cây cầu qua đoạn sông này. Theo thiết kế, cây cầu này sẽ rộng 6m, dài khoảng trên 50m, trị giá 88 tỷ. Và đây chỉ là cây cầu dành cho xe máy, xe thô sơ và người đi bộ. Thế thì cây cầu dành cho xe tải nặng đi qua tất nhiên phải từ trăm tỉ trở lên.
Làm cách nào để chống lãng phí, thất thoát, lợi ích nhóm trong xây dựng cầu? Đó là câu hỏi, cũng chính là nỗi ưu tư của doanh nhân Tạ Quyết Thắng. Ông cho rằng, trước hết phải tiết kiệm ngay từ ý tưởng thiết kế hợp lý cho mỗi cây cầu. Độ cao tĩnh không phải tính toán thật chặt chẽ. Giải pháp thiết kế, thi công phải tiên tiến. Nhà tư vấn phải coi mỗi đồng vốn nhà đầu tư bỏ ra như chính tiền túi của mình vậy. Đấy là những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của nhân dân lao động.
Ông Thắng cũng băn khoăn, hiện nay đồng vốn ODA đang bị lạm dụng thái quá. Thực ra đầu tư từ nguồn vốn ODA là cách đầu tư rất đắt đỏ do tư vấn nước ngoài thực hiện theo ý chí của người cho vay. Sau này chính con cháu chúng ta sẽ phải chịu gánh nặng trả nợ do cha ông đã vay mượn nước ngoài quá nhiều. Ông cho rằng, cần khai thác tốt nguồn vốn trong nước, trong dân, trong doanh nghiệp nội để đầu tư xây dựng hạ tầng cho đất nước.
Ít ai biết được, doanh nhân Tạ Quyết Thắng thường thầm lặng làm từ thiện với số tiền rất lớn. Ngay với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mấy năm trước cũng được ông tài trợ cho số tiền 250 triệu đồng để đi làm từ thiện cho đồng bào miền núi. Nhưng ông không muốn tuyên truyền rầm rộ. Và tôi biết đã rất, rất nhiều lần ông Thắng từng làm như thế.
Tấm lòng của một doanh nhân Việt hôm nay tỏa sáng khi ông đã bỏ gần tám chục tỉ để xây cầu làm từ thiện. Khi ông Tạ Quyết Thắng khởi sự làm việc đó, nhiều câu hỏi nghi ngờ đã được đặt ra: Động cơ nào? Để làm gì?... Hôm cây cầu đã xây dựng xong, đi vào sử dụng, tôi hỏi ông: “Có đặt tên cầu Sơn Trường không anh?”. Ông trầm ngâm nói với tôi: “Để làm gì hả em?”...
Doanh nghiệp sinh ra ắt để kiếm tiền. Nhưng kiếm được nhiều tiền rồi thì để làm gì? Tôi nghĩ, doanh nhân Tạ Quyết Thắng đã trả lời câu hỏi đó một cách sâu sắc nhất bằng những việc làm của ông.