Hàng tỷ USD đầu tư điện khí
Cách đây ít ngày, tại Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam, UBND tỉnh Ninh Thuận và Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển Dự án Nhà máy điện khí tại Cà Ná (Ninh Thuận) công suất 1.500 MW.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Công ty cổ phần Chân Mây LNG cũng ký hợp tác dự án Nhà máy điện khí tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế) với tổng công suất thiết kế 4.000 MW.
Hồi đầu năm, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ trao quyết định chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu 3.200 MW, thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu cho Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd.
Nhiệt điện khí đang hút nhà đầu tư tư nhân. |
Hàng loạt địa phương khác sau khi từ chối nhiệt điện than cũng đang gấp rút lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện khí, như Long An, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Quảng Ngãi,... Chưa kể, rất nhiều dự án điện khí khác do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (RVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư.
Như vậy, tính toán sơ bộ đến nay có hàng chục tỷ USD dự kiến đầu tư vào điện khí. Trong bối cảnh quy hoạch điện 8 đang được xây dựng không bổ sung mới các dự án nhiệt điện than (chỉ thực hiện các dự án nhiệt điện than tại quy hoạch 7 và 7 điều chỉnh), điện khí đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Tỷ trọng nhiệt điện khí trong dự thảo Quy hoạch điện 8 cũng tăng rất mạnh.
Trong đó, tiến độ các dự án điện khí “chắc chắn xây dựng”, dự kiến vận hành vào giai đoạn 2020-2025 có 9 nhà máy, với tổng công suất gần 6.500 MW, hầu hết do EVN và PVN làm chủ đầu tư. Đó là dự án Dung Quất I, II, III; nhiệt điện khí miền Trung I, II; nhiệt điện khí Quảng Trị; nhiệt điện khí Ô Môn II, III, IV.
Các dự án nhiệt điện khí ở dạng có “tiềm năng xây dựng”, có tổng công suất lên tới hơn 108 nghìn MW, trải dài từ Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, cho đến các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Hai khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ tập trung nhiều nhà máy nhất.
Nút thắt giá điện cao
Điện khí được đánh giá là “thân thiện với môi trường” hơn. Tuy nhiên, mức giá bán điện ước tính là rất cao.
Theo tính toán sơ bộ của EVN, giá trung bình của nhiệt điện khí sử dụng khí lô B khoảng 2.800 đồng/kWh. Còn giá điện của nhiệt điện khí sử dụng LNG phụ thuộc vào giá LNG, dự kiến khoảng 2.000 đồng/kWh, với giá LNG tại nhà máy khoảng 10,5 USD/triệu BTU.
Nhiệt điện khí giá cao sẽ tác động mạnh đến giá bán lẻ điện. Ảnh: L.Bằng. |
Tương tự, trong báo cáo thẩm định mới đây về Nhiệt điện khí Ô Môn 3, Bộ KH-ĐT cũng bày tỏ băn khoăn về mức giá điện cao của dự án này.
Dự án này có mức sinh lời kỳ vọng là 10%. Để đạt được điều đó, thì giá bán điện tối thiểu được dự kiến ở mức 2.400-2.800 đồng/kWh (tương đương hơn 12 cent/kWh).
Trường hợp không đạt được giá bán điện nêu trên, dự án bị lỗ hàng nghìn tỷ đồng/năm. “Đây là mức lỗ rất lớn nên cần phải xem xét kỹ trước khi quyết định chủ trương đầu tư dự án”, Bộ KH-ĐT khuyến nghị.
Còn Báo cáo nghiên cứu khả thi xác định dự án có hiệu quả khi đạt được giá bán điện ở mức như đề xuất của EVN. Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT cho rằng nếu được chấp thuận thì giá điện của nhà máy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá bán lẻ điện bình quân của EVN.
Do đó, Bộ KH-ĐT đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước làm việc với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về giá bán điện nêu trên để có cơ sở xem xét hiệu quả đầu tư của dự án.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khi góp ý cho dự án này, cũng phải đánh giá rằng mức giá điện khi Ô Môn 3 đi vào vận hành ở mức 2.411 đồng/kWh là khá cao so với khung phát điện của nhiệt điện than 1.569 đồng/kWh. Vì vậy, cần đánh giá thêm dự án về góc độ hiệu quả do giá bán điện bình quân của hệ thống thấp hơn nhiều so với giá bán điện của dự án.
Bộ Tài chính cũng cho rằng mức giá 2.411-2.863 đồng/kWh là khá cao nếu so với nhiệt điện than, tạo áp lực tăng giá bán lẻ điện bình quân. Vì vậy, Bộ này cũng đề nghị phân tích các kịch bản về lộ trình tăng giá điện trong giai đoạn tới khi các dự án nhiệt điện lớn dự kiến chuẩn bị đầu tư và đi vào vận hành thương mại và tác động của dự án nhiệt điện khí đối với giá bán điện bình quân.
Đến nay, Bộ Công Thương chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện tuabin khí, làm cơ sở cho việc đánh giá hiệu quả đầu tư và đàm phán hợp đồng mua bán điện cho các dự án điện khí.
Tại văn bản ngày 5/6/2020 gửi UBND tỉnh Ninh Thuận hướng dẫn một số nội dung liên quan đến Trung tâm điện lực LNG Cà Ná, Bộ Công Thương cho biết: Dự án nhiệt điện sử dụng LNG là dự án điện mới, vì vậy việc đàm phán Hợp đồng mua bán điện các nhà máy này sẽ được thực hiện theo quy định tại Thông tư 56.
Về khung giá phát điện, Bộ Công Thương đã có quyết định thành lập Tổ công tác nghiên cứu xây dựng khung giá phát điện cho nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG với nhiệm vụ xây dựng nguyên tắc, phương pháp xây dựng khung phát điện đối với các nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG vào thông tư số 57 năm 2014 phù hợp với quy định pháp luật.