Đại diện WHO: Vài tuần tới rất quan trọng với Việt Nam

Trưởng đại diện WHO Kidong Park cho rằng Việt Nam có năng lực xét nghiệm RT-PCR rất tốt, nhưng nếu số ca nhiễm tăng nhanh, các phòng thí nghiệm sẽ gặp thách thức.

Trao đổi với Zing, tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhận định sẽ có thể thêm nhiều ca mắc Covid-19 được ghi nhận trong những ngày tới, "và vài tuần tới rất quan trọng".
Trong vòng 10 ngày qua, số ca nhiễm mới mỗi ngày của Việt Nam luôn trên mức 100 ca/ngày, và kỷ lục là ngày 25/5 với 444 ca mắc mới. Và việc xét nghiệm hiệu quả sẽ là chìa khóa quan trọng giúp phát hiện sớm ca nhiễm, giảm thiểu lây lan và nhanh chóng điều trị cho bệnh nhân. Trước nhu cầu này, WHO khuyến cáo Việt Nam cân bằng giữa nguồn lực y tế sẵn có và nhu cầu xét nghiệm, vì các áp lực lên cơ sở hạ tầng và nhân viên xét nghiệm có thể dẫn đến kết quả sai lệch.
Một mặt, xét nghiệm RT-PCR vẫn là phương pháp tối ưu nhất, và cho kết quả chính xác nhất. Mặt khác, phương pháp xét nghiệm nhanh có thể giúp sàng lọc ban đầu, giúp cách ly sớm người nhiễm bệnh và giảm áp lực lên hệ thống y tế.
Tuy nhiên, ông Park cũng lưu ý biện pháp này không thể được sử dụng để sàng lọc người ở cửa khẩu, hay không thay thế được kết quả xét nghiệm RT-PCR cuối cùng.
Số ca mắc Covid-19 có thể tiếp tục tăng
- Xin ông đưa ra bình luận về sự gia tăng của các trường hợp bệnh trong thời gian gần đây ở Việt Nam?
- Dịch bệnh đang bùng phát ở Việt Nam rất phức tạp và diễn biến với tốc độ nhanh. Các chùm ca bệnh được báo cáo đồng thời tại 30 tỉnh/thành phố trong vòng chưa đầy một tháng.
Dai dien WHO: Vai tuan toi rat quan trong voi Viet Nam
 Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam từ năm 2017. Ảnh: WHO.
Với công tác truy vết và xét nghiệm triệt để, tôi dự đoán Việt Nam sẽ ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh và có thể có thêm tỉnh thành báo cáo các ca bệnh. Có nguy cơ rất cao các trường hợp bệnh trong cộng đồng sẽ tiếp tục được phát hiện trong những ngày tới, và có thể từ những nhóm người cách ly như F1.
Một vài tuần tới rất quan trọng trong việc kiểm soát các ổ dịch.
- Việt Nam có thể làm gì để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19?
- Theo tôi, các biện pháp xã hội và y tế công cộng được khuyến nghị hiện nay, cũng như các biện pháp bảo vệ cá nhân theo thông điệp 5K của chính phủ như vệ sinh tay, giữ khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang là biện pháp hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus, bao gồm cả các biến thể đáng lo ngại.
RT-PCR là "tiêu chuẩn vàng", nhưng hạ tầng là thách thức
- Trong lúc Việt Nam cần tăng cường khả năng xét nghiệm, phương pháp xét nghiệm RT-PCR có độ chính xác cao, song mất thời gian chờ lâu, giá thành cao và phải được bệnh viện thực hiện, liệu có phương án nào khác để phát hiện người mắc Covid-19 không?
- Việt Nam đã thiết lập năng lực mạnh mẽ về xét nghiệm RT-PCR với thời gian cho kết quả nhanh chóng. Chúng tôi cho rằng Việt Nam cần tiếp tục sử dụng phương pháp xét nghiệm RT-PCR. Đây vẫn là phương pháp được khuyến nghị để xác nhận Covid-19 vì nó có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất.
Bên cạnh đó, để tránh việc quá tải của các nhân viên y tế trong thu thập và xét nghiệm mẫu, WHO khuyến nghị Việt Nam cần cân bằng một cách tốt nhất giữa việc thực hiện xét nghiệm trong phòng thí nghiệm với nguồn nhân lực và vật tư sẵn có.
Việc xét nghiệm cần thực hiện theo phương pháp tiếp cận dựa trên nguy cơ để tránh quá tải tại các phòng thí nghiệm. (Vì phòng thí nghiệm quá tải có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của nhân viên phòng thí nghiệm và nhân viên y tế, dẫn đến kết quả sai lệch...).
Vì thế, Việt Nam có thể ưu tiên xét nghiệm những người có các dấu hiệu và triệu chứng của Covid-19, nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng (SARI) và hội chứng cúm (ILI), những người tiếp xúc gần được xác định thông qua điều tra dịch tễ về các trường hợp/chùm ca bệnh và những người có nguy cơ cao như nhân viên y tế.
Tại những khu vực có bùng phát dịch, có thể áp dụng xét nghiệm phát hiện kháng nguyên nhanh để hỗ trợ ứng phó dịch nhằm phát hiện sớm và cách ly sớm các ca bệnh. Phương pháp xét nghiệm này dễ sử dụng hơn, cho kết quả nhanh hơn, và chi phí ít hơn.
Tuy nhiên, xét nghiệm kháng nguyên hiện không tin cậy như xét nghiệm RT-PCR và không nên được coi là có thể thay thế xét nghiệm RT-PCR.
WHO khuyến cáo sử dụng xét nghiệm kháng nguyên để chẩn đoán SARS-CoV-2 trong một số trường hợp cụ thể như: khi không có RT-PCR hoặc khi thời gian để có kết quả của xét nghiệm RT-PCR quá lâu; xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong vòng 5-7 ngày kể từ thời điểm khởi phát triệu chứng để sàng lọc những người có nguy cơ mắc bệnh.
Dai dien WHO: Vai tuan toi rat quan trong voi Viet Nam-Hinh-2
Bắc Ninh yêu cầu người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV trong vòng 72 tiếng mới được đến làm việc tại nhà máy. Ảnh: Duy Anh. 
- Các loại xét nghiệm Covid-19 (như xét nghiệm RT-PCR, xét nghiệm kháng nguyên và xét nghiệm kháng thể) khác nhau như thế nào?
- Trước hết, cần hiểu xét nghiệm Covid-19 có thể được chia thành hai loại: Xét nghiệm để biết được người đó hiện có đang bị nhiễm virus hay không, và xét nghiệm để biết được người đó có đã từng bị mắc bệnh trước đây hay không.
Loại hình xét nghiệm thứ nhất thường thu thập bệnh phẩm dịch họng hoặc dịch tỵ hầu. Xét nghiệm này giúp xác định RNA (ribonucleic acid) của virus (qua xét nghiệm RT-PCR) hoặc chuỗi protein của virus (qua xét nghiệm kháng nguyên) có trong mẫu bệnh phẩm.
Loại hình xét nghiệm thứ 2 được gọi là xét nghiệm kháng thể. Đây là hình thức xét nghiệm máu. Chúng có ích cho việc nghiên cứu ở mức độ quần thể lớn để xem có bao nhiêu người đã nhiễm virus trong khu vực. Loại hình xét nghiệm này không phải là công cụ chẩn đoán tốt vì chúng không cho chúng ta biết liệu một người hiện có đang nhiễm vi rút hay không.
Mặc dù xét nghiệm RT-PCR là tin cậy (đặc biệt là khi việc thu thập mẫu và xét nghiệm được thực hiện tốt), loại hình xét nghiệm này đòi hỏi điều kiện về hạ tầng phòng xét nghiệm và các nguồn lực. Điều này có thể là một thách thức tại những cơ sở gặp khó khăn về nguồn lực.
Xét nghiệm kháng nguyên là một phương pháp thay thế đầy hứa hẹn vì chúng rẻ hơn, nhanh hơn và dễ thực hiện hơn. Tuy nhiên, độ tin cậy của chúng không ổn định.
- Theo ông, phương pháp xét nghiệm nào là phù hợp nhất với Việt Nam trong thời điểm này?
- Do Việt Nam có năng lực xét nghiệm RT-PCR tốt, có thời gian quay vòng tốt, Việt Nam nên tiếp tục áp dụng xét nghiệm RT-PCR. Đây là “tiêu chuẩn vàng”để xác định các ca mắc Covid-19 do có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.
Nếu tính tới nguy cơ phòng thí nghiệm bị quá tải, Việt Nam có thể sử dụng xét nghiệm kháng nguyên để xác định nhanh các ca bệnh ở khu vực có dịch bùng phát, nhằm giảm nhẹ áp lực đối với các phòng xét nghiệm RT-PCR.
Tuy nhiên, ngay cả khi kết quả của xét nghiệm kháng nguyên là dương tính, kết quả đó cần được khẳng định bởi xét nghiệm RT-PCR, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Xét nghiệm nhanh có chính xác?
- Hiện có nhiều tranh cãi xoay quanh việc sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh (ART). Phương pháp này có ưu và nhược điểm gì? Liệu phương pháp xét nghiệm này có nguy cơ gì không?
- Xét nghiệm kháng nguyên là một công nghệ mới để phát hiện SARS-CoV-2, tiến hành đơn giản hơn và nhanh hơn so với các xét nghiệm khuếch đại axit nucleic như xét nghiệm RT-PCR.
Mặc dù có độ chính xác thấp hơn RT-PCR, xét nghiệm kháng nguyên giúp phát hiện sớm các trường hợp nhiễm với chi phí rẻ. Do đó, WHO khuyến nghị sử dụng xét nghiệm kháng nguyên để chẩn đoán SARS-CoV-2 tại một số cơ sở nơi không có xét nghiệm RT-PCR hoặc thời gian trả kết quả xét nghiệm RT-PCR quá lâu.
Các xét nghiệm kháng nguyên nên được sử dụng để xét nghiệm các trường hợp trong vòng 5-7 ngày kể từ ngày khởi phát triệu chứng. Những bệnh nhân được xét nghiệm lâu hơn 5-7 ngày sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng có nhiều khả năng có tải lượng virus thấp hơn và khả năng kết quả âm tính giả cao hơn khi sử dụng xét nghiệm phát hiện kháng nguyên nhanh.
Dai dien WHO: Vai tuan toi rat quan trong voi Viet Nam-Hinh-3
 Nhân viên y tế chuẩn bị cho công tác xét nghiệm kháng nguyên vào sáng 26/5. Ảnh: Xuân Thắng.
- Liệu phương pháp xét nghiệm kháng nguyên nhanh (ART) có nguy cơ gì không?
- Luôn có nguy cơ rằng các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm có thể cho kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả. Do đó, các kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, bao gồm cả xét nghiệm chẩn đoán nhanh, phải luôn được diễn giải cẩn trọng cùng với các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng, bối cảnh dịch tễ và tuân theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
WHO khuyến cáo chỉ sử dụng xét nghiệm kháng nguyên để hỗ trợ ứng phó trong các đợt bùng phát dịch bệnh, khi xét nghiệm RT-PCR không sẵn có.
Tuy nhiên, ở những khu vực có mức độ lây truyền thấp, các xét nghiệm này không được khuyến khích và không nên sử dụng để sàng lọc tại các cửa khẩu hoặc đối với những người không có triệu chứng, trừ khi người đó đã tiếp xúc với một ca bệnh được xác nhận.
Cân đối nguồn lực y tế và nhu cầu xét nghiệm
- Liệu có thể cho phép người dân tự xét nghiệm, rồi dùng kết quả đó để chứng nhận không?
- Thu thập mẫu bệnh phẩm đạt chất lượng là bước quan trọng đầu tiên để đảm bảo chất lượng xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Mẫu bệnh phẩm thu thập kém chất lượng hoặc không tối ưu có thể làm giảm chất lượng của kết quả xét nghiệm, thậm chí dẫn đến kết quả âm tính giả.
Vì vậy, WHO đặc biệt khuyến cáo việc lấy mẫu bệnh phẩm cần được tiến hành cẩn thận bởi kỹ thuật viên đã được đào tạo, tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn. Điều này cũng bao gồm cả việc trang bị đồ bảo hộ cá nhân thích hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Dai dien WHO: Vai tuan toi rat quan trong voi Viet Nam-Hinh-4
Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân tại Bắc Giang. Ảnh: Việt Linh. 
Chúng tôi hiểu có nhu cầu việc lấy mẫu cần đơn giản hơn, ví dụ như tự lấy mẫu. Tuy nhiên, trước khi khuyến nghị áp dụng những biện pháp lấy mẫu thay thế như vậy, chúng ta cần phải có đánh giá và xác nhận đầy đủ, cần thu thập bằng chứng và quyết định xem liệu các phương pháp lấy mẫu khác, chẳng hạn như tự lấy mẫu có thể là lựa chọn thay thế thích hợp hay không và phải đảm bảo chất lượng của kết quả xét nghiệm.
Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng công tác xét nghiệm cần phải cân bằng giữa tác động đối với sức khỏe công cộng và nguồn nhân lực và vật tư, trang thiết bị sẵn có.
Nếu công tác xét nghiệm trở thành gánh nặng với nhân viên y tế, hoặc trang thiết bị có nguy cơ trở nên khan hiếm thì đã đến lúc chúng ta cần xem lại chiến lược xét nghiệm hiện tại, đồng thời ưu tiên nguồn lực.
Trên thế giới, liệu có điển hình nào mà Việt Nam có thể nghiên cứu và học hỏi?
- Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược xét nghiệm trên diện rộng và đã kiểm soát được tất cả các đợt dịch Covid-19 trước đây. Tuy nhiên, từ bài học kinh nghiệm của những quốc gia khác, xét nghiệm trên diện rộng có nguy cơ tiêu hao nhanh vật tư quan trọng của và gây quá tải cho phòng thí nghiệm. Đây là mối quan tâm đặc biệt hiện nay đối với Việt Nam trong bối cảnh có nhiều ổ dịch đang diễn ra ở nhiều địa phương.
Dai dien WHO: Vai tuan toi rat quan trong voi Viet Nam-Hinh-5
Nhân viên CDC Bắc Giang làm việc xuyên ngày đêm để chạy kịp số lượng cần kiểm tra. Ảnh: Hoàng Dương. 
Ngoài ra, các yếu tố khác cũng có thể tác động đến năng lực xét nghiệm, chẳng hạn khi không có đủ chỗ trong phòng thí nghiệm để lưu trữ an toàn mẫu xét nghiệm; khi lượng mẫu cần xét nghiệm gia tăng và không thể kịp trả kết quả trong vòng 24-48 tiếng; khi nhân viên bị nhiễm bệnh hoặc vì nguyên nhân khác không thực hiện được nhiệm vụ; khi trang thiết bị phòng xét nghiệm không được bảo dưỡng hoặc bảo trì đúng cách.
Từ kinh nghiệm của các quốc gia khác, để tránh tình trạng này, có lẽ Việt Nam nên kịp thời xem xét lại chiến lược xét nghiệm trên diện rộng hiện nay để có thể cân bằng tác động y tế công cộng của công tác xét nghiệm và nguồn nhân lực, vật lực hiện có.

WHO: Hầu hết người dân trên thế giới vẫn dễ bị nhiễm COVID-19

Tổng Giám đốc WHO cảnh báo hầu hết người dân trên thế giới vẫn dễ bị nhiễm COVID-19, ngay cả ở những khu vực đã trải qua các đợt bùng phát nghiêm trọng.

Cảnh báo này được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp của WHO nhằm đánh giá kết quả sau 6 tháng dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu.

Tổng giám đốc WHO phải cách ly

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phải cách ly sau khi tiếp xúc với người xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 1/11 cho biết ông đã tiếp xúc với người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, ông vẫn đang cảm thấy khỏe và không có bất kỳ triệu chứng nào, Guardian đưa tin.

Đọc nhiều nhất

Tin mới

Ông Trump rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới

Ông Trump rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới

Tổng thống Donald Trump ngày 20/1 đã ký sắc lệnh hành pháp rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ân xá cho khoảng 1.500 người từng tham gia cuộc bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ đầu năm 2021.
Thót tim cảnh chăn cừu trên vách đá ở Thụy Sĩ

Thót tim cảnh chăn cừu trên vách đá ở Thụy Sĩ

Sean Gallup, một nhiếp ảnh gia của Getty Images, đã đi cùng những người chăn cừu ở Thụy Sĩ trong chuyến chăn cừu “Schäful” hàng năm của họ ở những đồng cỏ trên núi cao, gần sông băng Oberaletsch và Grosser Aletsch.