Mong Chính phủ quan tâm lương hưu và bảo trợ xã hội
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cho hay, về cơ bản, bà đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc cố gắng cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương.
Tuy nhiên, đại biểu Hoa Ry cũng quan tâm 4 vấn đề khi triển khai thực tế ở địa phương liên quan đến khu vực công.
Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu). Ảnh: Mai Loan. |
Thứ nhất, việc đảm bảo thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình, Chính phủ có đề xuất 5 nguồn triển khai tổ chức thực hiện. Đại biểu băn khoăn nguồn tiết kiệm của các địa phương, bởi khả năng đáp ứng ngân sách mỗi địa phương khác nhau. Hơn nữa mỗi địa phương không đảm bảo cân đối ngân sách nguồn này. Để đảm bảo thực hiện lộ trình chung, Chính phủ cần tính toán.
Thứ hai, lương ở các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị tự chủ, mức độ tự chủ khác nhau, từng vùng miền mức thu khác nhau, đặc biệt là y tế và giáo dục cần phải làm rõ. “Hiện nay, cơ chế các đơn vị sự nghiệp, chưa tính đến yếu tố thu đúng, thu đủ, ảnh hưởng rất nhiều và tác động lớn đến an sinh xã hội. Tiến trình thực hiện phải tính toán hai lĩnh vực này để cân đối. Mỗi vùng miền cũng có mức thu khác nhau”, đại biểu Hoa Ry cho biết.
Đại biểu Hoa Ry cũng nhấn mạnh, kinh nghiệm thực tiễn trong thời gian qua là khi triển khai tổ chức thực hiện, vấn đề lạm phát phải có giải pháp phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Khi tăng lương đảm bảo thực chất đối tượng thụ hưởng, tránh trường hợp tiền lương chưa tới tay giá cả thực phẩm tăng trước, cho nên, tiền lương nhận được cũng không cải hiện là bao. Hơn nữa, đây là lần tăng lương cao nhất, Chính phủ cần quan tâm tới vấn đề này.
Thứ ba, về chế độ tăng lương liên quan lương hưu và bảo trợ xã hội, đại biểu Hoa Ry cho rằng lần tăng này có chế độ chính sách tốt là một nỗ lực lớn. Bình quân chung cao hơn bình quân chung của cán bộ công chức. Nhưng con số tuyệt đối là tăng từ 360 nghìn đồng lên 500 nghìn đồng. Đại biểu cho rằng mức này thấp. Vì vậy, mong Chính phủ quan tâm, khi thực hiện thời gian tới cố gắng cân đối thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 42 của Trung ương và Nghị quyết 108 khi giám sát 3 chương trình mục tiêu Quốc gia mà Quốc hội nhấn mạnh.
Vấn đề đặt ra nữa về lương mà đại biểu Hoa Ry đặt ra là văn bản tổ chức riển khai thực hiện khi mức lương mới từ ngày 1/7/2024. Trong đó có nội dung chi lương thưởng, Chính phủ phải có hướng dẫn với người đứng đầu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ với cán bộ công chức để làm căn cứ cho việc việc chi trả này.
“Hiện nay, các đề án của Bộ, ngành, địa phương khi xây dựng vị trí việc làm chưa đảm bảo nên trong Ban chỉ đạo cũng chưa trình Bộ Chính trị để phê duyệt danh mục tổ chức triển khai thực hiện. Cơ sở nào để cho Chính phủ căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ công chức làm cơ sở chi lương thưởng. Đây là một trong những vấn đề tính toán trong giải pháp để trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đạt được như mong muốn”, Đại biểu Hoa Ry nhấn mạnh.
Tránh lạm phát tin đồn khi tăng lương cơ sở
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cũng quan tâm tới vấn đề lạm phát khi tăng lương cơ sở.
Dẫn chứng quá trình tăng mức lương cơ sở tác động đến lạm phát, đại biểu Trần Hoàng Ngân dẫn chứng, trong vòng 20 năm, chúng ta đã có 14 lần tăng mức lương cơ sở, trong đó, năm 2005, khi tăng lương cơ sở 20,7% thì lạm phát giảm từ 8,5% xuống 8,4%".
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM). |
Năm 2006, khi tăng lương cơ sở 28,57% thì lạm phát giảm từ 7,5 xuống 6,3%. Năm 2012, tăng lương cơ sở 26,5% thì lạm phát giảm từ 18,6% xuống còn 9,2%. Năm 2016, tăng lương cơ sở 5,2% thì lạm phát giảm từ 6,6% xuống 2,7%. Và năm 2023, tăng lương cơ sở 20,8% thì lạm phát giảm còn 3,25%.
Đại biểu nhận thấy, có 2 lần tăng lương cơ sở làm tăng lạm phát, đó là năm 2008, khi tăng lương cơ sở 20% thì lạm phát tăng từ 6,3% lên 23%. Năm 2011, khi tăng lương cơ sở lên 13,7% thì lạm phát tăng từ 9,2% lên 18,6%.
Tuy nhiên năm 2008 và năm 2011, việc lạm phát này không chỉ do tăng lương cơ sở mà do lạm phát thế giới và giá dầu thế giới tăng, cộng với tỉ giá trong nước tăng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến một số nội dung:
Thứ nhất, chính sách tiền tệ, chủ động linh hoạt theo lạm phát mục tiêu 4% và giữ ổn định tỷ giá.
Thứ hai, việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý như điện, học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh phải giãn ra, không cùng một lúc và cách xa ngày 1/7/2024.
Thứ ba, phải chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo cung hàng hóa, không để thiếu hàng, thúc đẩy sản xuất.
Thứ tư, quan trọng nhất là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, té nước theo mưa và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh các vấn đề liên quan đến pháp luật về giá.
Mời quý độc giả xem video đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) nói về cải cách tiền lương. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.