Thống nhất việc người dân được rút bảo hiểm một lần là quyền lợi chính đáng khi cần thiết nhưng tỷ lệ rút bao nhiêu là hợp lý để tránh hiện tượng này và đảm bảo người lao động có nguồn tài chính hỗ trợ an sinh khi về già là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra với nhiều ý kiến khác nhau trong buổi thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi chiều nay, 2/11.
Hai phương án lựa chọn
Theo tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội, thực hiện yêu cầu của Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần”, bên cạnh việc bổ sung các chính sách, về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật đề xuất hai phương án tại điểm đ khoản 1 Điều 70, cụ thể như sau:
Phương án 1: Quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm 1, đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần (chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội hiện hành).
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, loại ý kiến thứ ba chưa đồng ý với cả hai phương án Chính phủ trình vì cho rằng phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi Luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần. Phương án 2 cho rút 50% không hợp lý vì đây là tiền của người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 168 của Bộ luật Lao động và chưa lý giải về tỷ lệ 50%.
Các ý kiến cũng đề nghị không nên thiết kế hai phương án để lựa chọn một phương án mà chỉ nên có một phương án nhưng thiết kế thành nhiều phương thức khác nhau (có các quy phạm tương ứng) để người lao động lựa chọn.
Cơ sở nào cho con số 50%?
Phát biểu thảo luận tại tổ, các đại biểu nhận định đây là vấn đề lớn, hết sức nhạy cảm, phức tạp. Đại biểu Lò Thị Luyên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên bày tỏ sự đồng thuận với phương án 2. Theo đại biểu Luyên, khi có nhu cầu rút bảo hiểm để giải quyết các nhu cầu cá nhân trước mắt, người tham gia bảo hiểm được rút 50% và vẫn còn 50% để đảm bảo có một nguồn thu nhập khi hết tuổi lao động hoặc là cơ sở để người lao động có thể tiếp tục tham gia bảo hiểm sau này.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng việc đặt con số 50% là rất khó giải thích về cơ sở với người lao động. “Tôi nghiêng về phương án người lao động được rút 30% vì đó là khoản họ phải tự đóng bảo hiểm xã hội, 70% còn lại là do Nhà nước bắt buộc doanh nghiệp phải đóng cho người lao động. Vì vậy, khi rút, người lao động được rút phần họ đã đóng, phần doanh nghiệp đóng cần phải giữ lại sau này nhằm đảm bảo có khoản hỗ trợ người dân an sinh khi về già. Như vậy sẽ dễ giải thích với người lao động hơn”, đại biểu Cảnh đề nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng không có cơ sở nào cho con số 50%. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cũng cho rằng khó để giải thích về con số 50%, nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lại đưa một con số khác. Theo ông Phớc, tỷ lệ rút bao nhiêu phải căn cứ vào mức đóng. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính phân tích, mức đóng bảo hiểm xã hội là 26% tiền lương, trong đó người lao động đóng 8%, doanh nghiệp đóng 18%. Trong 18% của doanh nghiệp đóng có 3% cho ốm đau và thai sản, 1% cho tử tuất, 14% cho hưu trí. “Tôi cho rằng để lại phần 14% của doanh nghiệp đóng là hợp lý, người lao động được rút 12%, tương đương với người lao động được rút khoảng 46%, còn 54% sẽ giữ lại là hợp lý. Còn con số 50%, nếu người lao động hỏi tại sao lại là 50% thì không thể giải thích được,” ông Phớc nói.
Cũng theo ông Phớc, cần phải tính đến quy định thời hạn sau bao nhiêu năm người lao động không quay lại đóng tiếp bảo hiểm xã hội nữa thì họ được rút nốt phần còn lại. “Bảo hiểm Xã hội cũng không thể giữ phần này nếu họ không đóng tiếp. Theo tôi, đây lầ vấn đề cần phải đặt ra mà dự thảo luật hiện vẫn đang bỏ ngỏ,” Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Cũng đặt câu hỏi cơ sở nào cho con số 50%, đại biểu Lê Kim Toàn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho hay ông không đồng tình với cả hai phương án. “Phương án 1 chia ra áp dụng cùng một đối tượng nhưng hai chính sách khác nhau là không nên. Phương án 2 đưa ra con số 50% thì cơ sở nào?” đại biểu Lê Kim Toàn nói.
Ông Toàn cho rằng việc phải tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, giảm quyền lợi khi họ rút một lần là rất đúng, nhằm hạn chế việc rút bảo hiểm một lần. “Khi họ tham gia 1 đồng thì quyền lợi nhiều hơn chứ không phải là khi họ đóng 1 đồng thì cho rút nửa đồng để họ đừng rút, đó không phải là quan điểm của Trung ương. Phải là khi họ rút họ thấy không đươc đảm bảo quyền lợi bằng khi không rút, đó mới là quan điểm của trung ương,” đại biểu Toàn nhấn mạnh.
Theo đó, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Đình cho hay ông thống nhất với ý kiến khi người lao động rút một lần thì được rút phần họ đã đóng, phần cơ quan, doanh nghiệp đóng thì giữ lại. “Đây là giữ cho chính họ để khi họ tham gia bảo hiểm xã hội trở lại thì họ đã có sẵn một phần họ đã tham gia. Và khi hết tuổi lao động họ có một phần nhất định để dành chi phí cho cuộc sống. Phần trực tiếp đóng họ được rút nhưng không quy định là bao nhiêu phần trăm. Tôi cho rằng như vậy sẽ thuyết phục hơn,” đại biểu Lê Kim Toàn nói./.