Ngày 3/5, phiên tòa phúc thẩm xét xử Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm trong đại án Oceanbank kết thúc phần tranh luận. Đến gần 21h tối cùng ngày, HĐXX đã cho mời các bị cáo lên nói lời sau cùng.
Là người đầu tiên nói lời sau cùng, bị cáo Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank không ngừng bày tỏ lòng biết ơn đến đại diện VKS đã ghi nhận 6 tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, mà tại phiên sơ thẩm bị cáo cho rằng chưa có điều kiện để chứng minh, chưa được tòa xem xét. Bị cáo cũng biết ơn cơ quan công tố đã ghi nhận việc bị cáo biết Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng giám đốc Oceanbank đã chiếm đoạt tiền.
Bị cáo Hà Văn Thắm lên nói lời sau cùng. |
Bị cáo Hà Văn Thắm cũng không quên gửi lời cảm ơn đến các cán bộ điều tra, cán bộ trại tạm giam T16 (Bộ Công an), vì trong suốt 3 năm qua bị cáo chưa bao giờ bị coi thường, luôn được tôn trọng bị cáo, bản thân bị cáo luôn nhận được sự chia sẻ của cơ quan điều tra, cơ quan công tố.
Tại phần nói lời sau cùng, Hà Văn Thắm không quên nói lời xin lỗi tới bố mẹ, vợ và các con mình. Cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank bày tỏ nỗi ân hận, đau xót, mong các con mình sống thật tốt.
Tuy nhiên, kết thúc lời nói sau cùng, bị cáo Hà Văn Thắm một lần nữa khẳng định bản thân đã thành khẩn khai báo nhưng không được cấp sơ thẩm xem xét. Bị cáo mong muốn HĐXX xem xét hậu quả, nhân quả phía sau vụ án để xác định việc bản thân có phải là người giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt tài sản hay không. Ông Thắm mong HĐXX cấp phúc thẩm “mở rộng vòng tay, xem xét giảm nhẹ hình phạt để bản thân có cơ hội trở về bên gia đình”.
Trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu tổng giám đốc Oceanbank trình bày rất ngắn gọn. Điểm đáng chú ý, là khi bị cáo nói mình “đau lòng khi bị cáo buộc chiếm đoạt tiền”. Bị cáo cũng mong HĐXX xem xét hoàn cảnh, mong cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ, khoan hồng của pháp luật để có cơ hội được sống, làm người có ích cho xã hội…
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn mong có cơ hội được sống, làm người có ích cho xã hội. |
Trong tối nay, lần lượt các bị cáo khác cũng được mời lên nói lời sau cùng. Đến 22h35 phiên tòa mới kết thúc. Dự kiến vào lúc 14h chiều 4/5, HĐXX sẽ tuyên án các bị cáo.
Phiên tòa phúc thẩm xét xử Hà Văn Thắm cùng các bị cáo trong buổi tối ngày 3/5, có thể nói là hy hữu vì kéo dài.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, theo quy định của Bộ luật Lao động, thời gian làm việc bình thường không quá 8 giờ trong một ngày, không kể thời gian nghỉ trưa.
Tòa án cũng là cơ quan Nhà nước nên giờ làm việc cũng tuân theo quy định của Bộ luật Lao động về thời gian mỗi ngày làm việc 8h, ở các cơ quan trung ương từ 8h đến 17h, còn ở địa phương từ 7h30 đến 16h30 (trừ thời gian nghỉ trưa).
Giờ làm việc của các tòa án với thời gian xét xử một vụ án là khác nhau. Giờ làm việc được điều chỉnh theo Bộ luật Lao động, còn thời gian xét xử là theo Luật Tố tụng hình sự.
Theo quy định của Luật Tố tụng hình sự 2015 thì việc xét xử phải tiến hành liên tục, trừ thời gian nghỉ. Như vậy, theo quy định của luật tố tụng hình sự thì việc xét xử của HĐXX không phụ thuộc vào giờ hành chính.
Thực tiễn đã có nhiều vụ việc vừa qua Tòa án đã xét xử cả vào ngày thứ 7 và chủ nhật, hoặc xét xử muộn đến quá giờ hành chính.
Dù luật không có quy định tòa phải xử án trong giờ hành chính hay nghiêm cấm tòa xử án ngoài giờ hành chính nhưng không nên lạm dụng quá mức trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của những người tham gia tố tụng. Việc xét xử kéo dài đến đêm muộn ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của những người tham gia tố tụng và cả HĐXX, đặc biệt là về mặt sức khỏe.
Điều 250 BLTTHS 2015. Xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục
1. Việc xét xử được tiến hành bằng lời nói.
Hội đồng xét xử phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi, nghe ý kiến của bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ, người làm chứng, người giám định, người khác tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập; xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập; công bố biên bản, tài liệu và tiến hành hoạt động tố tụng khác để kiểm tra chứng cứ; nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.
2. Việc xét xử được tiến hành liên tục, trừ thời gian nghỉ và thời gian tạm ngừng phiên tòa.