Ngày 23/12, ông Lê Văn Trung - Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, hiện lãnh đạo TP mới họp bàn chứ chưa quyết định bao giờ sẽ xây hầm nghìn tỷ xuyên sông Hàn.
Ủng hộ phương án xây hầm
Tuy nhiên, theo ông Trung việc xây thêm cầu hoặc hầm là cần thiết. Năm 2015, số ôtô ở địa bàn tăng hơn 10.000 xe, nâng tổng số lên 57.000 chiếc; xe máy tăng 40.000, nâng tổng số lên 700.000 phương tiện.
"Do số lượng phương tiện đang tăng nhanh nên đã xảy ra ách tắc giao thông cục bộ ở một số tuyến đường lớn trong nội thành vào giờ cao điểm, nhất là ở tuyến Trần Phú - từ cầu Sông Hàn đến cầu Rồng. Việc xây thêm cầu hoặc hầm vượt sông Hàn là rất cần thiết", ông Trung khẳng định.
Đại diện Công ty CP tư vấn thiết kế BRITEC cho biết, đơn vị đã trình lên lãnh đạo TP 3 phương án nhằm tháo gỡ thực trạng ách tắc giao thông trong nội thành Đà Nẵng.
Bản đồ hai điểm đầu hầm hoặc cầu vượt Sông Hàn. Trong đó, điểm đánh dấu màu xanh là phương án xây cầu; màu vàng là vị trí xây hầm xuyên sông. |
Phương án 1 là xây cầu vượt từ nút giao thông đường Đống Đa (quận Hải Châu) qua đường Vân Đồn (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà). Phương án 2 là xây cầu từ núi giao thông Đống Đa - Trần Phú qua đường Nguyễn Thị Định (quận Sơn Trà). Phương án cuối cùng là xây hầm ngầm xuyên qua sông.
Đại diện đơn vị tư vấn cho biết, dự án gồm 2 đoạn hầm chui kín qua sông và những đoạn hở nối liền các tuyến giao thông sẵn có. Chiều rộng của hầm là 6 làn xe cùng nhiều hạng mục phụ trợ tích cực. Thời gian thi công khoảng 24 tháng, nếu xúc tiến ngay trong năm 2016, thì chậm nhất đến năm 2022 sẽ xong.
Theo kỹ sư Viết Hùng (Giám đốc Công ty XD-TM Thiên Tân), đây là một ý tưởng táo bạo nhưng tính khả thi cao. “Nước sông Hàn sóng nhẹ nên việc thi công không khó khăn. Tuy nhiên, về thiết kế thì phải đảm bảo được các lối thoát hiểm an toàn, nhất là về mùa mưa bão”, ông Hùng nói và cho biết, lãnh đạo TP Đà Nẵng và đơn vị tư vấn thiết kế nên tham khảo dự án đường hầm sông Sài Gòn.
Sẽ đổi đất xây hầm xuyên sông Hàn
Theo tính toán của đơn vị tư vấn thiết kế, nếu xây cầu bắc qua sông Hàn thì chi phí gần 3.000 tỷ đồng. Còn nếu xây hầm xuyên sông như phương án trên thì khoảng 3.300 tỷ. "Mặc dù số tiền cao hơn nhưng xây hầm sẽ khả thi và đây sẽ là công trình vĩnh cửu", Công ty BRITEC khẳng định.
Phân tích dưới góc độ kiến trúc, ông Trần Văn Chiến (giám đốc một công ty xây dựng ở Đà Nẵng) cho rằng, Đà Nẵng không nên xây thêm các cây cầu qua sông Hàn.
"Trên sông đã có 6 cầu, nếu xây thêm nữa thì mất đi vẻ đẹp của dòng sông và nhìn rất rối", vị kiến trúc sư này nói và cho biết, việc xây hầm sẽ hợp lý hơn vì nó không ảnh hưởng đến không gian. Mặt khác, phương án này sẽ tránh nguy hiểm cho người dân và du khách khi qua sông trong mùa mưa bão.
Đồng ý với những nhận định trên, ông Lê Anh (Chủ tịch UBND quận Hải Châu) cho rằng, nếu xây hầm xuyên sông thì Đà Nẵng sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.
Đà Nẵng dự tính sẽ bán đất lấy tiền xây thêm cầu hoặc hầm xuyên qua Sông Hàn. Ảnh: Lê Hiếu |
Còn theo ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, việc xây cầu hoặc hầm là đáp ứng nhu cầu đi lại người dân và du khách. "Trong số 3 phương án trên, theo tôi việc xây hầm sông Hàn là hợp lý và có tính khả thi cao mặc dù tốn chi phí nhiều hơn. Tuy nhiên, dù có tốn thêm vài trăm tỷ nhưng giải quyết căn cơ được nhiều vấn đề, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ phát triển du lịch... thì nên mạnh dạn", ông Thơ nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu UBND TP Đà Nẵng cũng thận trọng, đây là vấn đề lớn nên lãnh đạo TP chưa quyết định. Đà Nẵng mới họp để bàn về các phương án kiến trúc chứ chưa quyết định xây cầu hay hầm xuyên sông. Vấn đề này sẽ được lấy ý kiến góp ý của người dân và các chuyên gia.
"Sau khi có kết quả khảo sát, UBND TP Đà Nẵng sẽ có cuộc họp bàn với Thường trực Thành ủy. Nếu thống nhất sẽ trình ra HĐND để đi đến việc xây dựng. Dự án sẽ được thực hiện theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng để giảm nợ công", ông Thơ cho biết.