Ngày 13/5, phiên tòa xét xử vụ án 'Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh' xảy ra tại Công ty VN Pharma bước sang ngày làm việc thứ hai, tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi.
Trả lời xét hỏi của HĐXX TAND Hà Nội, ông Trương Quốc Cường - cựu Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, bản thân lấy làm tiếc khi Cục Quản lý dược ở thời điểm bị cáo giữ chức cục trưởng xảy ra nhiều vụ việc. Bị cáo trình bày, theo quy trình cấp số đăng ký thuốc, sau khi có ý kiến của các chuyên gia thẩm định rồi mới đến cục trưởng. Cuối cùng, Hội đồng xét duyệt thuốc phê duyệt.
Cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường tại tòa. |
Đối với 7 loại thuốc giả nhãn mác Heath 2000 Canada do VN Pharma trình xin, ông Cường thừa nhận có thiếu sót trong quá trình xét duyệt cấp số đăng ký. Tuy nhiên, vị cựu Thứ trưởng cho rằng những thiếu sót đó xuất phát từ đội ngũ chuyên gia thẩm định. "Với vai trò, trách nhiệm là một cục trưởng và người đứng đầu, tôi xin chịu trách nhiệm trước sai sót này", bị cáo Cường bày tỏ.
Theo cáo buộc, từ năm 2008 - 2014, bị cáo Trương Quốc Cường là Cục trưởng Cục Quản lý dược, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng xét duyệt thuốc Bộ Y tế, là người chịu trách nhiệm trước bộ trưởng Bộ Y tế và trước pháp luật về mọi hoạt động của Cục Quản lý dược.
Bị cáo Cường là người chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ hoạt động của nhóm thẩm định nhưng đã không quản lý được kết quả thẩm định và để cấp dưới có nhiều sai phạm dẫn đến 7 hồ sơ không đủ điều kiện nhưng vẫn được thẩm định đạt, đề nghị cấp số đăng ký.
Những sai phạm từ khâu thẩm định là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn mác Health 2000 Canada được nhập khẩu vào Việt Nam tiêu thụ cho người bệnh. Đáng chú ý, từ trước khi cấp phép cho thuốc lưu hành, cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường đã nhận được cảnh báo của cơ quan điều tra nhưng không đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc giả.
Sau khi xảy ra vụ án VN Pharma giai đoạn 1, Cục Quản lý dược đã có văn bản gửi Đại sứ quán Canada tại Việt Nam để xác minh thông tin Công ty Health 2000 Canada. Cơ quan điều tra và Bộ Y tế Canada đã có 2 email gửi Cục Quản lý dược với nội dung: "Cả Helix Pharmaceuticals Inc. và Health 2000 Inc. đều không sở hữu giấy phép sản xuất thuốc hợp lệ... do đó các công ty này không có bất kỳ sản phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Canada".
Cán bộ của phòng đăng ký thuốc đã in 2 email trên ra và báo cáo cục trưởng, tuy nhiên ông Cường chỉ bút phê vào báo cáo nội dung ngắn gọn: "cần có con dấu + chữ ký". Tiếp đó, khi lần thứ hai được cấp dưới báo cáo nội dung trên, ông Cường cũng chỉ bút phê vào phiếu trình với nội dung: "Tôi đã đề nghị cần có công văn chính thức. Đề nghị lưu hồ sơ báo cáo cơ quan chức năng khi có yêu cầu".
Viện kiểm sát cho rằng mặc dù nhận được các thông tin cảnh báo trên nhưng ông Cường không quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi, dẫn đến hậu quả là sau ngày 21/11/2014, 4 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada vẫn được cung cấp cho các đơn vị kinh doanh dược, các cơ sở y tế để bán, sử dụng điều trị cho người bệnh, có trị giá hơn 3,7 tỷ đồng.
>>> Xem thêm video: Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường hầu tòa
(Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp).