Bác sĩ Hải Anh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi Đ.K.N (7 tháng tuổi) nhập viện ngày 15/5 trong tình trạng sốc rất nặng nề, có nguy cơ tử vong rất cao. Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, trước khi nhập viện cháu N. được điều trị bệnh viêm phế quản bằng uống kháng sinh tại nhà được 5 ngày, mới dừng thuốc được 1 ngày thì sốt cao liên tục 39-40oC và đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng khó thở, tím tái, trụy mạch và có biểu hiện mất nước nặng.
Ngay khi nhập viện, qua thăm khám các bác sỹ phát hiện lòng bàn chân của bệnh nhân có vài nốt phát ban đỏ. Kết hợp với các triệu chứng lâm sàng, các bác sỹ đã định hướng đến bệnh tay chân miệng độ 4. Bệnh nhân nhanh chóng được điều trị theo phác đồ điều trị bệnh tay - chân - miệng của Bộ Y tế đã ban hành đồng thời kết hợp lọc máu. Sau 3 ngày điều trị tại khoa Điều trị tích cực, bệnh nhân đã dần thoát khỏi tình trạng nguy kịch.
Bệnh nhi khi đang điều trị tích cực. Ảnh: BVCC |
Hiện nay, bệnh nhân tiến triển rất tốt: đã được ngừng lọc máu, tình trạng suy hô hấp đã cải thiện, rút nội khí quản – thở oxy, cắt thuốc vận mạch. Cháu bé vẫn đang được tiếp tục theo dõi và điều trị.
Theo bác sĩ Hải Anh, đây là trường hợp bệnh tay – chân – miệng nặng nhất cần phải lọc máu từ đầu năm đến nay tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo các bác sĩ, Bệnh tay – chân – miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người qua đường tiêu hóa. Bệnh do virus đường ruột là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh có thể gây biến chứng nặng nề về thần kinh, hô hấp, tuần hoàn, thậm chí có thể tử vong.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Biểu hiện chính của bệnh là các tổn thương da và niêm mạc: loét miệng, phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông.
Đồng thời các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy trẻ có dấu hiệu nặng như sốt cao, nôn nhiều, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, chới với, mạch nhanh không tương xứng với thân nhiệt cần cho trẻ đi khám ngay.