Trước đó, ngày 24/4/2015, bệnh nhân Nguyễn Thị X. (82 tuổi, ở TP Yên Bái) được chuyển đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng ngừng thở, tim ngừng đập, tính mạng rất nguy cấp, gần như không còn sự sống.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân X. Sau khi được cấp cứu cứu sống bệnh nhân, nhịp tim và huyết áp của bệnh nhân X. dần phục hồi. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn bị hôn mê do tổn thương não sau ngừng tuần hoàn, buộc các bác sĩ phải sử dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt để bảo vệ não cho bệnh nhân.
Bệnh nhân Nguyễn Thị X. (82 tuổi) được chuyển đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng ngừng thở, tim ngừng đập. |
Sau liệu trình 24h hạ thân nhiệt chỉ huy, huyết áp của bệnh nhân X. đã ổn định hơn. Bệnh nhân đã có nhịp tự thở, ý thức cải thiện được tốt hơn. Đặc biệt, sang ngày thứ ba sau can thiệp kỹ thuật hạ thân nhiệt, bệnh nhân đã mở mắt và há miệng được.
Đến thời điểm này, sức khỏe của bà X. đã ổn định trở lại, tinh thần rất tỉnh táo, tiếp xúc tốt với mọi người, các vận đồng cũng được phục hồi. Bà X. được ra viện vào ngày 10/6.
Sức khỏe của bệnh nhân đã được hồi phục và được ra viện vào ngày 10/6. |
Trao đổi với phóng viên Kiến Thức, TS Nguyễn Văn Chi - Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: "Từ đầu tháng 5, khoa Cấp cứu A9 của Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt cho trên 10 bệnh nhân. Nhờ kỹ thuật này các bệnh nhân ngừng tim sẽ có nhiều cơ hội sống sót hơn, khả năng phục hồi ý thức và vận động cũng tốt hơn".
Cũng theo TS Chi, việc sử dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt là một hướng điều trị nhiều triển vọng, có thể áp dụng cho nhiều bệnh nhân rơi vào tình huống nguy hiểm liên quan đến thương tổn não cấp như thương tổn não sau ngừng tuần hoàn, sau thương tổn não nặng do bị chấn thương hoặc tai biến mạch máu não...".