Cựu Chủ tịch FED Ben Bernanke giành giải Nobel Kinh tế 2022

Chiều 10/10, Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao giải Nobel Kinh tế 2022 cho ba người gồm Ben S. Bernanke, Douglas W. Diamond và Philip H. Dybvig.

Cuu Chu tich FED Ben Bernanke gianh giai Nobel Kinh te 2022
Chân dung ba người đoạt giải Nobel Kinh tế 2022. Ảnh: Nobel.com
Theo giải thích của ban tổ chức, ba nhà kinh tế người Mỹ kể trên đã có những đóng góp quan trọng trong việc làm rõ vai trò của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính.
“Cuộc Đại suy thoái những năm 1930 đã làm tê liệt nền kinh tế thế giới trong nhiều năm và gây ra những hậu quả xã hội to lớn. Tuy nhiên, chúng ta đã quản lý các cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo tốt hơn nhờ vào nghiên cứu chi tiết từ những người đoạt giải năm nay. Họ đã chứng minh tầm quan trọng của việc ngăn chặn sự sụp đổ ngân hàng trên diện rộng”, đại diện ban tổ chức phát biểu cảm nhận về ba người vừa đoạt Nobel Kinh tế 2022.
Nghiên cứu về ngành ngân hàng hiện đại đã giải thích rõ lý do tại sao các ngân hàng lại hình thành, cách thức để ngân hàng ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng và vì sao ngân hàng sụp đổ lại có thể làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng tài chính. Nền tảng của nghiên cứu này được đặt ra bởi ba nhà kinh tế Ben Bernanke, Douglas Diamond và Philip Dybvig vào đầu những năm 1980. Các phân tích của họ có tầm quan trọng thực tế to lớn trong việc điều tiết thị trường tài chính và đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính.
Để nền kinh tế hoạt động, tiền tiết kiệm phải được chuyển sang đầu tư. Tuy nhiên, có một mâu thuẫn ở đây: những người tiết kiệm muốn tiếp cận ngay tiền của họ trong trường hợp cần chi tiêu bất ngờ, trong khi các doanh nghiệp và chủ nhà đi vay lại không muốn phải trả nợ trước hạn. Theo luận điểm cá nhân, hai ông Douglas Diamond và Philip Dybvig chỉ ra cách các ngân hàng đưa ra giải pháp tối ưu cho vấn đề này. Bằng cách đóng vai trò trung gian chấp nhận tiền gửi từ nhiều người tiết kiệm, các ngân hàng có thể cho phép người gửi tiền tiếp cận tiền của họ ngay khi họ muốn, đồng thời cung cấp các khoản vay dài hạn cho người đi vay.
Tuy nhiên, phân tích của họ cũng cho thấy sự kết hợp của hai hoạt động này khiến các ngân hàng dễ bị ảnh hưởng bởi những tin đồn sụp đổ sắp xảy ra. Nếu số lượng lớn người gửi tiết kiệm cùng lúc chạy đến ngân hàng để rút tiền gửi, một vụ rút tiền hàng loạt có thể xảy ra, thậm chí khiến ngân hàng bị sụp đổ. Những yếu tố nguy hiểm này có thể được ngăn chặn thông qua việc chính phủ cung cấp bảo hiểm tiền gửi và hoạt động như một người cho vay cuối cùng đối với các ngân hàng.
Trong khi đó, thông qua phân tích thống kê và nghiên cứu nguồn lịch sử, ông Ben Bernanke đã chứng minh các ngân hàng đóng vai trò quyết định như thế nào trong cuộc suy thoái toàn cầu những năm 1930 - cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. Sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng khi đó đã giải thích tại sao cuộc suy thoái này không chỉ sâu rộng mà còn kéo dài.
Nghiên cứu của ông Bernanke cho thấy rằng khủng hoảng ngân hàng có thể gây ra những hậu quả thảm khốc. Cái nhìn sâu sắc này đã minh họa cho tầm quan trọng của các quy định để ngân hàng hoạt động tốt, và cũng là lý do đằng sau các yếu tố quan trọng của chính sách kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Tại thời điểm đó, ông Bernanke là người đứng đầu Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Sau đó, khi đại dịch COVID-19 xảy ra vào cuối năm 2019, các nghiên cứu của ba nhà kinh tế trên đã được ứng dụng để tránh nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Những hiểu biết của ba người giành giải Nobel Kinh tế 2022 đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo những cuộc khủng hoảng sau này không phát triển thành những đợt suy thoái mới, gây những hậu quả tàn khốc cho xã hội.
Ông Ben Bernake, sinh năm 1953, là nhà nghiên cứu kinh tế cấp cao tại Viện Brookings, từng giữ chức vụ Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ông Douglas Diamond, sinh năm 1953, là Giáo sư Tài chính tại Đại học Chicago và Trường Kinh doanh Booth. Ông Philip Dybvig, sinh năm 1955, là Giáo sư về Ngân hàng và tài chính tại Đại học Washington và Trường Kinh doanh Olin.
Với tên gọi đầy đủ là "Giải thưởng của ngân hàng Sveriges Riksbank dành cho Khoa học kinh tế để tưởng nhớ ông Alfred Nobel", giải Nobel Kinh tế không nằm trong hệ thống 5 giải Nobel được lập theo di nguyện của nhà khoa học người Thụy Điển này vào năm 1895. Đây là giải thưởng do Ngân hàng Trung ương Thụy Điển sáng lập và tài trợ bắt đầu từ năm 1968 để kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng này và cũng để tưởng nhớ Alfred Nobel.
Từ năm 1969 tới năm 2021, đã có 53 giải Nobel Kinh tế được trao. Người trẻ tuổi nhất từng đoạt giải thưởng danh giá này là bà Esther Duflo ở tuổi 46, trong khi người cao tuổi nhất từng được vinh danh là nhà kinh tế học Leonid Hurwicz ở tuổi 90.
Năm 2009, bà Elinor Ostrom là người phụ nữ đầu tiên được trao giải thưởng Nobel kinh tế, nhờ những phân tích của bà trong lĩnh vực quản lý tài nguyên dùng chung.
Năm ngoái, giải Nobel Kinh tế đã được trao cho 3 nhà kinh tế học người Mỹ là David Card, Joshua D. Angrist và Guido W. Imbens, với những công trình nghiên cứu đã giúp giải mã những các câu hỏi quan trọng về nền kinh tế lao động và quan hệ nhân quả trong lĩnh vực này.

Chân dung hai nhà khoa học Mỹ đoạt giải Nobel Y học 2021

Mùa giải Nobel 2021 đã chính thức khởi động với giải Nobel Y học được trao cho ông David Julius và ông Ardem Patapoutian vì khám phá về các thụ thể đối với nhiệt độ và xúc giác.

Cùng với khả năng cảm nhận nhiệt độ nóng và lạnh, xúc giác có vai trò quan trọng đối với khả năng sinh tồn của con người. Đây là nền tảng của hoạt động tương tác giữa con người với thế giới xung quanh.

Làm thế nào các xung thần kinh có thể cảm nhận được nhiệt độ và áp suất? Câu hỏi này đã được lý giải bởi các chủ nhân của giải Nobel Y học 2021. Những khám phá mang tính đột phá của họ đã mở lối cho các hoạt động nghiên cứu sâu rộng dẫn đến sự hiểu biết của chúng ta về cách hệ thần kinh cảm nhận nhiệt độ nóng, lạnh cũng như các kích thích cơ học.

Nhà văn của thân phận những người tị nạn giành giải Nobel Văn học 2021

Chiều 7/10, Ủy ban giải thưởng Nobel công bố giải Nobel Văn học 2021 thuộc về tiểu thuyết gia người Anh gốc Tanzania Abdulrazak Gurnah, vì "sự thâm nhập đầy đam mê và kiên định để tìm hiểu tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa". 

Abdulrazak Gurnah đã xuất bản 10 cuốn tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn. Những cuộc ra đi của người tị nạn là chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm của ông.

Đọc nhiều nhất

Tin mới