Đó là những đánh giá tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Phát triển chăn nuôi ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)”.
Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên tổ chức hôm 28.7, thu hút trên 500 chuyên gia và nông dân 7 tỉnh, thành Duyên hải Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận tham dự.
Chăn nuôi ở vùng “bão dông, nắng lửa”
Đàn cừu ở trang trại Thành Loan (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) vẫn phát triển tốt giữa mùa hạn hán, thiếu nước và cỏ tươi. Ảnh: Đ.T |
Theo Cục Chăn nuôi, khu vực Nam Trung Bộ đang phát triển chủng loại vật nuôi khá đa dạng. Với sản lượng thịt bò năm 2016 đạt 81.400 tấn, chiếm 26,4% sản lượng thịt bò cả nước. Sản lượng thịt cừu đạt 1.500 tấn, chiếm 96,1% cả nước. Sản lượng thịt gia cầm đạt 55.100 tấn, chiếm 5,7% cả nước. Thịt đà điểu đạt 1.470 tấn, chiếm 83,3%…
Hiện mỗi tỉnh đều có các chính sách, chiến lược phát triển chăn nuôi phù hợp địa bàn, với mô hình trang trại ngày càng phát triển. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi khu vực này đang phải đối mặt nhiều thách thức của BĐKH, thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai. Tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh gây nhiều tổn thất trong chăn nuôi.
Thị trường đầu ra thiếu ổn định, sản phẩm hộ chăn nuôi làm ra khó tiêu thụ do xuống giá, như thịt lợn, trứng gia cầm trong đầu năm 2017. Việc đầu tư khoa học, liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi và khả năng cạnh tranh còn yếu.
Nhìn nhận đúng mức các thách thức do BĐKH đối với chăn nuôi, các đại biểu dự diễn đàn đã bàn thảo, đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Đó là việc chủ động đầu tư nguồn giống phù hợp sinh thái địa bàn, chịu được hạn và xâm nhập mặn: Dê, cừu, vịt biển, ong, chim yến, đà điểu, gà nòi…
Nhập khẩu các giống cừu nhiệt đới có năng suất, chất lượng cao từ Úc để phát triển, làm nguyên liệu lai với các giống cừu trong nước, nhằm nâng cao tầm vóc, năng suất thịt cừu thương phẩm mà vẫn duy trì đặc điểm thích nghi. Nhập khẩu một số giống bò có khả năng chịu hạn tốt từ Nam Mỹ như Nellore, Belt Nellore, Serepols... lai tạo với bò bản địa để có tổ hợp lai thích ứng điều kiện vùng.
Tại diễn đàn, các chuyên gia và nông dân đã bàn việc điều chỉnh liên kết vùng để phát triển chăn nuôi theo từng đối tượng, có lợi thế cạnh tranh. Nhân rộng chuyển giao khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Xây dựng môi liên kết giữa nhà nông với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào chăn nuôi và chế biến, tiêu thụ. Bên cạnh đó là các giải pháp về cơ chế chính sách đặc trưng để hỗ trợ chăn chăn nuôi ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng Nam Trung Bộ.
Chia sẻ kinh nghiệm hay
Tại Ninh Thuận, khô hạn luôn là thách thức lớn với người chăn nuôi. Ông Trà Văn Bằng - người quản lý trang trại Thành Loan (xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam) cho biết, mấy mùa hạn qua, 2.000 con cừu của trang trại vẫn “vô tư” sống tại chỗ, không phải đi chuyển chạy đồng tìm nước.
“Trước mỗi mùa nắng, ngay sau vụ thu hoạch đông xuân, tôi đã mua sẵn 300 tấn rơm về trại ủ cùng 2 tấn muối làm thức ăn dự trữ cho cừu. Nhờ vào lượng cỏ dự trữ này mà đàn cừu của trang trại không phải chạy đồng tìm nguồn nước. Cừu chỉ được cho đi ăn dạo rồi chiều về là được phục vụ bữa chiều no đủ. Mỗi con còn được cho ăn thêm 2 lạng thức ăn tổng hợp để bổ sung thêm vitamin và protein” - ông Bằng chia sẻ.
Trang trại Thành Loan có hồ chứa lớn dự trữ nước cho gia súc uống và tưới cho đồng cỏ. Mùa hạn, nước trong hồ bắt đầu cạn kiệt thì trang trại chủ động khoan giếng và sử dụng các xe tải nhẹ đi chở nước về cung cấp cho đàn cừu. Cách thức cứu cừu qua mùa hạn này đã được ngành khuyến nông Ninh Thuận giới thiệu cho nhiều chủ trang trại khác làm theo và đạt hiệu quả hơn khi cho cho gia súc chạy đồng.
Theo TS Hà Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, chủ động được nguồn nước và thức ăn tại chỗ là điểm quan trọng để chăn nuôi lớn ứng phó với khí hậu biển đổi thất thường. Ngành nông nghiệp các tỉnh Nam Trung Bộ đang cùng nông dân chọn tạo, nhân thuần một số giống cỏ có khả năng chịu hạn như VA06, Mulano II, Ruzi, Stylo... làm thức ăn cho gia súc nhai lại.
“Việc người chăn nuôi chủ động trồng cỏ, sử dụng các nguồn thức ăn bản địa cho gia súc, sẽ góp phần quan trọng để hạ giá thành, tăng lợi nhuận trong chăn nuôi” - TS Hạnh chia sẻ.