Vụ việc thiếu niên 13 tuổi Hà Văn Nhượng (trú tại xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) cưỡng hiếp, rồi dùng dao cứa cổ thiếu nữ 14 tuổi Lò Thị T. (người địa phương) đi hái rau cho lợn vào khoảng 13h ngày 27/10 đang khiến dư luận xôn xao.
Lãnh đạo Công an xã Mường Kim cho biết, sau khi được người thân phát hiện và đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời nên thiếu nữ T. đã qua cơn nguy kịch.
Theo cơ quan chức năng, nghi phạm Nhượng đang học lớp 7, được thầy cô đánh giá có học lực trung bình nhưng không nghịch ngợm.
Nạn nhân Lò Thị T.. |
Dưới góc độ pháp lý của vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, hành vi phạm tội của đối tượng cấu thành tội “giết người” và “hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 123 và Điều 142 Bộ luật hình sự 2015.
“Căn cứ Điều 12 Tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này” – luật sư Thơm dẫn chứng.
Theo luật sư Thơm, đối tượng Hà Văn Nhượng khi thực hiện hành vi phạm tội mới chỉ 13 tuổi. Như vậy, nếu có căn cứ xác định đối tượng khi phạm tội chưa đủ 14 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Do đối tượng đã có dấu hiệu của tội “giết người” và “hiếp dâm người dưới 16 tuổi”, dù chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo Nghị định 02/2014/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm. |
Ai phải có trách nhiệm bồi thường dân sự ?
Luật sư Thơm cho biết, theo điều 586 Bộ luật dân sự 2015 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân: “Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này”
Như vậy, bố mẹ đối tượng Nhượng phải có trách nhiệm bồi thường dân sự cho người bị hại bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý cho việc chăm sóc trong thời gian điều trị và khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 50 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.