Cưỡng chế mà không có quyết định là trái luật!

Cưỡng chế sẽ tác động trực tiếp đến đời sống, tình cảm… của con người, bởi vậy việc cưỡng chế phải tuân thủ theo những quy định nghiêm ngặt của pháp luật.

"Gia đình tôi xây một bức tường quây ao để nuôi ba ba trên đất của gia đình được chia theo quyết định 115/QĐ-UB của tỉnh Hà Nam. Trong khi mời tôi lên xã làm việc với nội dung “Giải tỏa đất vi phạm” thì UBND xã Nhật Tân đã cho lực lượng đến đập phá bức tường mà không có văn bản gì. Kể cả tiền xây dựng và ba ba thất thoát sau khi tường bao bị phá, gia đình tôi thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Đề nghị Dân Việt cho biết việc làm đó của UBND xã Nhật Tân có đúng luật không?", bạn đọc Trần Đồng Năm (Nhật Tân, Kim Bảng, Hà Nam) hỏi.
Cuong che ma khong co quyet dinh la trai luat!
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW. 
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho biết:
Cưỡng chế là một chế tài nghiêm khắc để đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm minh. Tuy nhiên, cưỡng chế sẽ tác động trực tiếp đến đời sống, tình cảm… của con người, bởi vậy việc cưỡng chế phải tuân thủ theo những quy định nghiêm ngặt của pháp luật.
Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 166/2013/NĐ-CP thì căn cứ để thực hiện việc cưỡng chế vi phạm hành chính khi: Người có hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt vi phạm hành chính mà đã quá thời hạn chấp hành hoặc quá thời hạn hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã quá thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra mà không tự nguyện chấp hành.
Do đó, việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính và quyết định cưỡng chế. Trước khi tổ chức cưỡng chế, tổ chức ra quyết định cưỡng chế phải gửi quyết định cưỡng chế đến cá nhân (tổ chức) vi phạm và các cơ quan cấp trên để cùng thực hiện.
Quyết định cưỡng chế phải thể hiện rõ các nội dung sau: Ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ của người ra quyết định; họ tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, các biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện; thời gian hoàn thành cưỡng chế; cá nhân, cơ quan có trách nhiệm chủ trì tổ chức các hoạt động cưỡng chế; cơ quan có trách nhiệm tham gia; chữ ký và họ tên của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định.
Thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận quyết định cưỡng chế; trường hợp quyết định cưỡng chế có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 15 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
"Chưa nói đến việc ông xây dựng tường bao đó đúng hay không. Tuy nhiên, nếu sự việc cưỡng chế đúng như ông trình bày thì UBND xã đã thực hiện trái quy định của pháp luật", luật sư Hà khẳng định.

Tin mới