Theo một phụ huynh có con vừa hoàn thành chương trình lớp 9, Trường THCS Lê Văn Thiêm (Hà Tĩnh), để chuẩn bị tổng kết năm học, đại diện cha mẹ học sinh gửi thông báo lên nhóm lớp với nội dung: “Sau khi tham khảo các lớp và hội phụ huynh đã xin thông qua dự kiến quà tặng cuối năm. Trong đó, quà hiện vật tặng nhà trường góp chung với các lớp khác là 10 triệu đồng/ lớp. Quà Ban giám hiệu:2 triệu đồng, quà cô chủ nhiệm:2 triệu đồng, quà cô dạy Ngữ văn, Ngoại ngữ: 2 triệu đồng, quà 10 cô bộ môn: 5 triệu đồng, quà 2 cô chủ nhiệm cũ: 1 triệu đồng, quà 4 thầy cô dạy chuyên: 2 triệu đồng, quà 4 cô văn phòng, bảo vệ: 1 triệu đồng, hoa tặng ban giám hiệu: 1 triệu đồng. Tổng quà cuối năm 26 triệu đồng”.
Nhà trường, cha mẹ nên tổ chức lễ chia tay, tri ân thầy cô ý nghĩa, không rình rang, tốn kém. |
Sau đó, phụ huynh trong lớp có ý kiến không đồng ý “chạy đua” tặng quà cho trường 10 triệu/ lớp cuối năm thay vào đó nên mua ghế đá, tranh ảnh… miễn là có quà kỷ niệm cho 1 khoá. Cuối cùng, Ban đại diện lớp vẫn thông báo thu mỗi học sinh 1 triệu đồng để chi các khoản cuối năm nhưng trên tinh thần “tự nguyện”. “Nói là tự nguyện nhưng phụ huynh ai nấy đều phải nhìn nhau đóng tiền, không lẽ người khác đóng, mình lại không cũng không được. Lớp có 40 học sinh, cộng với tiền quỹ dư 15 triệu nữa chỉ để chi cho dịp cuối năm là rất lớn”, một phụ huynh cho hay.
Bộ GD&ĐT: Ban phụ huynh lạm thu
Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay còn có tình trạng một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện đúng quy định, vẫn còn lạm thu quỹ phụ huynh học sinh hoặc huy động tài trợ không đúng quy định, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh. Ban phụ huynh không được quyên góp tiền chi các khoản: Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp; sửa chữa, nâng cấp công trình của trường; hỗ trợ hoạt động giáo dục…
Cũng theo vị phụ huynh này, trong suốt cả năm học, họ phải nhiều lần phải đóng quỹ lớp. “Riêng học kỳ 1, lớp đã đóng đến 3 đợt lên tới tiền triệu đối với mỗi học sinh để chi các hoạt động. Học sinh cuối cấp phải học thêm rất nhiều, tiền học cũng lên tới mấy triệu mỗi tháng và tiền quỹ thu cao như vậy khiến phụ huynh ấm ức nhưng đành nín nhịn nộp cho xong”, chị này nói.
Chị Trần Thị Trang, có con học lớp 4, một trường tiểu học tại quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, con học trường công lập, điều chị bức xúc nhất là chuyện nộp quỹ lớp. Ngay từ đầu năm học, đã phải nộp quỹ, đến học kỳ II lại nộp bổ sung 850.000 đồng/học sinh để bù chi. Điều đáng nói, trước khi kết thúc năm học giáo viên còn thông báo, cả trường sẽ thay rèm cửa theo kiểu dáng, màu sắc mới cho đồng bộ. “Giáo viên chụp rèm của một lớp khác đã thay kèm giá tiền 2.400 nghìn đồng cả dán kính và hỏi ý kiến phụ huynh lớp kế hoạch thế nào. Giáo viên đã nói như vậy, lớp chỉ có răm rắp thực hiện chứ biết có ý kiến gì dù rất ấm ức. Sao lại đi thay rèm, mua thêm thiết bị khi năm học đã kết thúc?”, chị Trang nói.
Một phụ huynh khác có con học lớp 7, một trường THCS ở Hà Nội kể, trong năm học phụ huynh đã phải đóng rất nhiều khoản, tưởng cuối năm học sẽ thoát, ai ngờ vẫn mất tiền triệu. Một trong những khoản phí phụ huynh không hài lòng chính là phí dã ngoại. “Ban phụ huynh đứng ra thông báo tổ chức một ngày dã ngoại, du lịch cho các con qua đêm ở một khu nghỉ dưỡng gần trung tâm Hà Nội. Phụ huynh nào cũng có thể đăng ký đi theo con để đảm bảo an toàn và nộp thêm phí. Theo đó, tính tất cả tiền ăn, tiền xe đưa đón, tiền khách sạn mỗi em phải đóng gần 1 triệu đồng, nếu cộng cả phụ huynh phải nộp số tiền gấp đôi”, phụ huynh này nói.
Ngoài những câu chuyện trên, dịp cuối năm học này, dư luận xã hội cũng nóng rẫy vì hình ảnh liên hoan tổng kết năm học của khối 9, Trường THCS Mạo Khê II, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) với hàng chục mâm linh đình như tiệc cưới. Dù hiệu trưởng nhà trường lý giải, toàn bộ chi phí được trung tâm tổ chức sự kiện đài thọ nhưng nhiều ý kiến cho rằng, đây là cách làm hình thức, phô trương, không có nhiều ý nghĩa về mặt giáo dục.
Theo PGS. TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội), sau một năm học, cha mẹ có kế hoạch cho con “xả hơi” hay tri ân thầy cô là điều cần thiết. Tuy nhiên, cần phải tính toán thế nào để vừa ý nghĩa, vừa phù hợp điều kiện kinh tế của các phụ huynh, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Khi tổ chức chương trình, hoạt động phải xem xét nhu cầu, ý nghĩa của hoạt động đó. “Tặng quà thật to, tổ chức một chương trình hoành tráng có xuất phát từ mong muốn của học sinh hay chỉ để phụ huynh cảm thấy hãnh diện?”, ông Nam đặt câu hỏi.
PGS. TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban tuyên giáo T.Ư nói rằng, trường học “vẽ” ra rất nhiều sự kiện, tiệc tùng cuối năm tổ chức ở khách sạn, trung tâm tiệc cưới và ban phụ huynh đề nghị tặng quà cáp to cho trường học, thầy cô đều là việc không nên làm, thậm chí cơ quan quản lý ngành cần yêu cầu huỷ bỏ. Học sinh chưa làm ra tiền, nhà trường không có quỹ nào để chi, cuối cùng gánh nặng chi phí đè lên vai phụ huynh.
“Ngày xưa, mỗi dịp lễ tết, học sinh tri ân thầy cô bằng cách đến nhà chơi, quà tặng mang theo là gói kẹo, quả cam thầy trò vẫn vui vẻ. Bây giờ, chính việc vẽ ra quà cáp bằng phong bì tiền triệu sẽ làm xấu hình ảnh nhà trường, giáo viên. Ngay cả việc hiện nay các trường rầm rộ tổ chức cho học sinh đi tham quan, du lịch dưới danh nghĩa hoạt động trải nghiệm cũng chính là “móc ví” phụ huynh. Mỗi lần đi như vậy họ lại phải đóng tiền triệu. Gia đình có điều kiện sẽ không sao còn gia đình khó khăn, eo hẹp sẽ vô cùng vất vả, khổ sở, trong khi không cho con theo bạn bè ở lớp lại tội con”, ông Dong nói.