Cô Monika, 23 tuổi, ở tỉnh Tây Kalimantan – Indonesia, vẫn chưa học xong cấp hai, không biết tiếng Anh hay tiếng Trung, đã trở thành nạn nhân của một cuộc hôn nhân lừa đảo.
Thông qua mai mối, cô được giới thiệu với một người đàn ông 28 tuổi ở tỉnh Hà Bắc - Trung Quốc. Cô gái trẻ nhận được 17 triệu rupiah (khoảng 30 triệu đồng) cho cuộc hôn nhân này nhưng phải trả 1 triệu rupiah cho người mai mối.
Monika đã bị lừa sang Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
"Người mai mối nói rằng tôi sẽ có cuộc sống tốt hơn ở Trung Quốc, có thể gửi tiền về cho cha mẹ và chồng cũng sẽ chu cấp cho tôi. Bà ấy cũng nói là tôi có thể về thăm nhà bất cứ khi nào" - cô Monika kể lại.
Chỉ mới gặp lần đầu, Monika đã đồng ý đề nghị của người mai mối và đến TP Singkawang, cách quê nhà cô 150 km, vài ngày sau đó để gặp hai người đàn ông Trung Quốc. Cô gái trẻ được đề nghị chọn một trong hai người làm chồng và cô chọn người đàn ông 28 tuổi. Cả hai trò chuyện hai giờ đồng hồ thông qua một người phiên dịch. Ngày hôm sau, họ đã nhanh chóng trao nhẫn, ký giấy kết hôn và chụp hình kỷ niệm.
Một tuần sau đó, cô đặt chân đến Trung Quốc nhưng ngay khi bước chân vào nhà chồng, Monika nhận ra mình đã bị lừa.
Chồng cô không hề thu nhập 10 triệu rupiah/tháng (khoảng 16 triệu đồng) như cô nghe nói mà chỉ kiếm được đồng lương ít ỏi với công việc của công nhân xây dựng. Hơn nữa, cô cho biết đã bị người chồng vũ phu đánh đập vì tội từ chối quan hệ tình dục với anh ta, còn mẹ chồng thì hành hạ cô dã man cả về thể xác lẫn tinh thần.
Mỗi ngày, từ 7 giờ đến 19 giờ, cô bị ép làm hoa giấy để mẹ chồng mang đi bán. Bà mẹ chồng sẽ phạt nếu thấy cô giấu thức ăn và không cho Monika sử dụng internet, cũng như cấm cô liên lạc với gia đình, bạn bè.
Cuối cùng, Monika đã trốn thoát bằng cách bắt taxi đến sở cảnh sát sau khi học được cách diễn tả đường đi đến đó bằng tiếng Quan Thoại. Nhân viên cảnh sát đã giúp cô liên lạc với Đại sự quán Indonesia tại Bắc Kinh.
Trở về Jakarta, cô Monika chia sẻ: "Hiện tại, tôi chỉ muốn có một công việc để lo cho các em đi học. Hôn nhân là môt điều xa vời đối với tôi".
Ông Oky Wiratama, luật sư của Viện Hỗ trợ Pháp lý tại thủ đô Jakarta, cho biết: "Những người phụ nữ này bị lừa với lời hứa hẹn về cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Khi nạn nhân đến Trung Quốc, họ bị bóc lột, không được chuyển tiền về cho gia đình và cũng không được nhận một khoản tiền nào". Theo luật sư này, những gì đã xảy ra với Monika rõ ràng là một vụ buôn người.
Cô Monika là một trong 29 nạn nhân Indonesia bị lừa bán sang Trung Quốc để kết hôn và lao động không lương trong năm qua.
Hàng ngàn phụ nữ khắp Đông Nam Á và Nam Á cũng bị vướng vào bẫy lừa gạt tương tự. Hồi tuần trước, Trung Quốc cho biết đã giải cứu 1.147 nạn nhân nước ngoài, bao gồm 17 trẻ em từ Myanmar, Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan.
Tổng cộng có 1.332 kẻ tình nghi bị bắt giữ với cáo buộc tổ chức 126 vụ kết hôn bất hợp pháp và dùng các loại thị thực giả, bao gồm thị thực du lịch, làm việc, kết hôn, để đưa các nạn nhân sang Trung Quốc.