Người dân Hàn Quốc xếp hàng mua khẩu trang |
Khi Hàn Quốc thông báo ca nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên vào ngày 20/1, hiếm người biết được virus sẽ thay đổi cuộc sống của họ như thế nào. Ba tháng sau khi dịch bùng phát, loại virus từng được cho là chỉ mang tính khu vực đã phát triển thành đại dịch toàn cầu và thay đổi cách mọi người làm việc, nghỉ ngơi và sinh sống.
Theo Yonhap, Hàn Quốc – nơi có hơn 10.000 ca nhiễm bệnh được phát hiện, tình huống chưa từng có đã làm phát sinh những điều “bình thường mới”, thay đổi cuộc sống thường nhật theo những những cách không ai ngờ.
Cách đây một tháng, Chính phủ Hàn Quốc phát động chiến dịch cách ly xã hội toàn diện, đóng cửa các trường học, nhà thờ, phòng tập thể dục và các quán bar. Các công ty chuyển sang làm việc từ xa nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiễm.
Khẩu trang đã trở thành món đồ thường nhật cần thiết và các trường học tiến hành việc giảng dạy trực tuyến. Việc tổ chức lễ ở nhà thờ và tiến hành lễ cưới vẫn chưa diễn ra. Việc tới rạp xem phim hay đi xem đấu bóng đã trở thành thứ không thể thực hiện được.
Những nỗ lực này đã được đền đáp. “Số ca nhiễm mới hàng ngày, vốn ở mức 100 ca trong 10 ngày trước khi chiến dịch cách ly xã hội diễn ra, đã giảm xuống còn dưới 50 ca vào ngày 9/4”, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Neung-hoo tuyên bố tại một cuộc họp báo hôm 19/4. Trong ngày 20/4, số ca nhiễm COVID-19 mới ở Hàn Quốc chỉ là 13, giảm mạnh so với giai đoạn đỉnh điểm là 909 ca vào ngày 29/2.
Tuy nhiên, chiến dịch cách ly xã hội – vốn khuyến khích người dân giữ khoảng cách với nhau, cũng gây ra nhiều hạn chế.
“Tôi vẫn tiếp tục thấy lo lắng về virus”, một cư dân Seoul, trong độ tuổi 50, đề nghị giấu tên nói. “Tôi thường cảm thấy mọi thứ ổn hơn khi đi nhà thờ vào mỗi sáng Chủ nhật, song đã gần ba tháng tôi không đi sau khi nhà thờ bắt đầu phát các buổi lễ trực tiếp qua mạng”.
Trên diễn đàn dành cho các bà mẹ, những bản tin nói về tình trạng căng thẳng do phải chăm sóc con cái cũng xuất hiện nhiều. Trường học và nhà trẻ đóng cửa, buộc các bậc cha mẹ ở nhà phải tự mình chăm sóc con cái.
Một loạt nghiên cứu do You Myoung-soon, một giáo sư thuộc trường y tế công Đại học quốc gia Seoul cho thấy, các bà nội trợ và chủ doanh nghiệp nhỏ có xu hướng bị ảnh hưởng mạnh do các thay đổi phát sinh từ đại dịch.
Cân nhắc các yếu tố trở ngại xuất phát từ cách ly xã hội, Hàn Quốc đã nới lỏng một số hạn chế trong khi vẫn kéo dài chiến dịch cách ly tới đầu tháng 5. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc đã nới lỏng một số hạn chế với nhà thờ, phòng tập, trường học và quán bar. Các công viên quốc gia, rừng – những nơi ít có nguy cơ lây nhiễm, sẽ được mở cửa dần.
Với những người cảm thấy mệt mỏi vì cách ly xã hội thì đó là dấu hiệu hy vọng. “Không phải tôi không lo, nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Hậu quả đối với kinh tế thật tệ”, Yoo Song-yi – làm kế toán tại một tập đoàn thực phẩm địa phương nói.
Theo một cuộc khảo sát của Chính phủ Hàn Quốc, trong số những người kêu gọi nới lỏng cách ly xã hội ngay lập tức có 19,1% nêu lý do kinh tế đình trệ, 17,1% cho biết họ bị kiệt sức vì chiến dịch cách ly xã hội kéo dài.
Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố rõ rằng việc nới lỏng các hạn chế không có nghĩa là cuộc sống sẽ trở lại bình thường như trước khi virus corona chủng mới xuất hiện. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyu tuyên bố: “Chúng ta chưa ở giai đoạn mà có thể cảm thấy nhẹ người”.
Đó là lý do tại sao một số người như Sophia Yoon quyết định coi virus lây nhiễm chết chóc trên là một phần của cuộc sống hàng ngày. “Tôi nghĩ rằng virus đó cũng như bụi mịn. Lúc đầu, nó là vấn đề lớn, song giờ chúng tôi đã bớt lo về nó. Trong khi chúng ta cẩn trọng và đeo khẩu trang, chúng ta vẫn phải sống tiếp”, Yoon, một lao động văn phòng ở Seoul cho hay.
“Tôi có thể mường tượng rằng các bản tin về các ca lây nhiễm mới sẽ trở thành thứ gì đó giống như dự báo thời tiết. Dù tôi hy vọng mọi thứ sẽ không xấu đi, chúng ta vẫn phải quen với nó”.
Trong khi đó, nhà chức trách cũng nhận thức rõ những thách thức còn ở phía trước. “Chúng ta có thể sẽ không bao giờ quay lại được cuộc sống trước đây – trước khi dịch COVID-19 xảy ra, trong một thời gian dài, có lẽ là vĩnh viễn”, ông Chung tuyên bố hôm 13/4.