Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. |
Sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc tháng 7/1953, Triều Tiên chia thành hai nước. Tại miền nam, Hàn Quốc được Mỹ giúp đỡ nên kinh tế phát triển mạnh mẽ. GDP năm 2012 đạt 1.163 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 23.000 USD, đứng thứ 7 thế giới và chính thức gia nhập hàng ngũ các nước phát triển. Kim ngạch ngoại thương năm 2011 đã đạt 1.080 tỷ USD, trở thành nước thứ 9 trên thế giới có kim ngạch ngoại thương vượt trên 1.000 tỷ USD và Hàn Quốc đã trở thành nước lớn ngoại thương trên thế giới.
Trái lại, Bắc Triều Tiên theo đuổi chính sách ưu tiên phát triển quốc phòng, nên kinh tế yếu kém. GDP năm 2009 chỉ đạt 27,8 tỷ USD. Tổng kim ngạch buôn bán của Triều Tiên năm 2006 với các nước là 2 tỷ USD, trong đó 1,6 tỷ USD với Trung Quốc, chiếm tới 70%. Trên thực tế, Trung Quốc là “Người đỡ đầu” nuôi Triều Tiên. Hàng năm viện trợ trung bình từ 100-200 triệu USD. Mấy năm qua do kinh tế Triều Tiên sa sút, nên viện trợ của Trung Quốc tăng lên đáng kể, năm 2005 tới 2 tỷ USD, từ năm 2006 tới năm 2010 viện trợ cho bắc Triều Tiên tới 7,5 tỷ USD. Trung Quốc đã cung cấp hầu như toàn bộ những mặt hàng thiết yếu cho Triều Tiên như lương thực, thực phẩm, hàng nhu yếu phẩm - trong đó trên 70% nguyên nhiên liệu, lương thực.
Năm 2009, Triều Tiên tiến hành cải cách “giá, lương, tiền” nhưng bị thất bại, dẫn tới tình hình chính trị, xã hội mất ổn định, vì vậy Trung Quốc phải viện trợ khẩn cấp tới 10 tỷ USD để ổn định lại tình hình kinh tế, chính trị, xã hội.
Mặc dù là người đỡ đầu, nhưng Triều Tiên luôn cứng đầu. Những năm qua, Triều Tiên đã nhiều lần hành động đơn phương không tham khảo ý kiến và nghe theo Trung Quốc. Bởi vậy dư luận cho rằng “người đỡ đầu gặp kẻ cứng đầu”, nhiều lúc Trung Quốc phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Những biện pháp trừng phạt, dồn ép
Quan hệ hai nước được coi là “đồng chí, anh em chung một chiến hào” trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Nhưng kể từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, hợp tác chặt chẽ với phương Tây, nhất là quan hệ Mỹ-Trung ngày càng phát triển, nên Triều Tiên cảm thấy mình bị bỏ rơi và đơn phương áp dụng những biện pháp chính sách quá khích nhiều khi vượt khỏi tầm kiểm soát của Trung Quốc. Kể từ thời kỳ Chủ tịch Kim Il-sung (ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un), hai bên đã có những rạn nứt về chính trị. Dưới thời kỳ nhà lãnh đạo Kim Jong-il (cha đẻ của Kim Jong-un), hai bên đã nhiều lần xảy ra mâu thuẫn.
Khi bị Mỹ dồn ép về “vấn đề vũ khí hạt nhân bán đảo Triều Tiên”, Trung Quốc đã thuyết phục Triều Tiên tham gia “Đàm phán ba bên”, rồi “Đàm phán 6 bên”, nhưng rốt cuộc Triều Tiên đều phế bỏ, tiếp tục thử tên lửa và khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân.
Nhằm cải thiện đáng kể hình ảnh quốc tế bị lu mờ do chính sách đối ngoại thô bạo gây ra, tân Chủ tịch Tập Cận Bình ra sức quảng cáo “Chính sách hòa bình hợp tác châu Á và thế giới”. Nhưng vừa mới khởi xướng thì lập tức bị Kim Jong-un phát động chiến dịch đe dọa sử dụng vũ lực và tấn công vũ khí hạt nhân, làm tình hình Đông Bắc Á, châu Á và cả thế giới náo loạn, lo ngại về hành động phiêu lưu mạo hiểm này.
Dư luận các nước đều mạnh mẽ lên án Triều Tiên, đồng thời cũng lên án Trung Quốc đã nuôi dưỡng, dung túng cho thế lực hiếu chiến, muốn phá hoại hòa bình và làm mất ổn định ở châu Á và thế giới. Thời gian qua, báo chí các nước đều cho rằng Trung Quốc “ngậm quả đắng Triều Tiên làm ngọt”. Bắc Triều Tiên đã đẩy Trung Quốc vào thế vô cùng khó xử.
Trước tình hình này, Trung Quốc buộc phải công khai lên án Triều Tiên, đồng thời áp dụng biện pháp trừng phạt, dồn ép khiến Triều Tiên phải xuống thang.
Ngày 7/4 phát biểu tại “Diễn đàn châu Á Bác Ngao”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ám chỉ Bắc Triều Tiên vì ích kỉ cá nhân làm “náo loạn cả khu vực và thế giới”. Dư luận cho rằng đây là lời cảnh cáo mạnh mẽ đối với lãnh đạo Triều Tiên.
Ngày 2/4 ông Đặng Duật Văn, Phó Tổng biên tập tờ báo đảng Nghiên cứu thời đại nói thẳng thừng rằng Trung Quốc không nên đeo đuổi mà phải từ bỏ Triều Tiên. Báo chí Trung Quốc ngày 9/4 dẫn phát biểu của Thiếu tướng La Viện, người từng chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, nói: “Tình hữu nghị kề vai sát cánh chung một chiến hào trước đây giờ không còn quan trọng nữa. Kẻ nào cố ý làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc, chúng ta cần phải trừng phạt tới cùng”.
Ngay tờ Thời báo Hoàn cầu ngày3/4 cũng viết: “ Trung Quốc không nên để kẻ khác dắt mũi. Để tránh trở thành nạn nhân của hành động phiêu lưu mạo hiểm, Trung Quốc không thể làm ngơ”.
Trên thực tế, Trung Quốc đã áp dụng biện pháp cứng rắn gây sức ép. Dư luận cho biết ngày 12/2/2013 khi Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba, lần đầu tiên Trung Quốc đồng ý với Mỹ đưa nghị quyết trừng phạt bổ sung Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc và được thông qua ngày 7/3/2013. Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ thị phải thể hiện Trung Quốc là nước lớn có trách nhiệm, nghiêm chỉnh thực hiện nghị quyết này.
Về kinh tế, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết trong tháng 2/2013 xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên giảm đáng kể. Riêng dầu thô, trước đây bình quân hàng tháng Trung Quốc cung cấp cho Triều Tiên trên 500.000 tấn, nhưng từ tháng 2/2013 đã cắt bỏ. Những mặt hàng khác cũng cắt giảm đáng kể. Cuối tháng 3/2013, Triều Tiên cử một đoàn đại biểu sang Trung Quốc cầu cứu viện trợ và xin Trung Quốc không trừng phạt kinh tế.
Trung Quốc không thể bỏ rơi "lá bài hai mặt"
Vấn đề bán đảo Triều Tiên là di chứng của thời Chiến tranh Lạnh để lại. Trung Quốc cần Triều Tiên là một khu đệm và một lá chắn kiềm chế Mỹ ở Đông Bắc Á, đồng thời muốn dùng “vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên” làm con bài răn đe Mỹ và đồng minh của Mỹ ở khu vực này.
Tuy nhiên, con bài này có hai mặt và Trung Quốc “đâm lao phải theo lao”. Bởi lẽ, Mỹ cũng sử dụng con bài này để gây sức ép với Trung Quốc. “Vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên” càng ồn ào bao nhiêu thì dư luận càng lên án Triều Tiên, đồng thời cũng lên án Bắc Kinh đã nuôi dưỡng và dung túng cho thế lực phá hoại hòa bình trong khu vực, làm cho Trung Quốc bị bẽ mặt và bị cô lập trên thế giới. Về chiến lược, Trung Quốc bị thất thế, bởi vì, đây là cái cớ tốt nhất để Mỹ trở lại châu Á-Thái Bình Dương và đưa quân đội cũng như vũ khí tới khu vực này. Trên thực tế, Trung Quốc và Triều Tiên đã dọn đường, bắc cầu cho Mỹ trở lại.
“Người đỡ đầu” gặp “Kẻ cứng đầu” không thể bỏ rơi và Trung Quốc lâm vào tình thế “đâm lao phải theo lao”. Bởi vì, nếu Bắc Triều Tiên sụp đổ thì giống như nước Đức, một nước Triều Tiên thống nhất ra đời. Nước này sẽ từ bỏ Trung Quốc để đi với Mỹ và phương Tây. Như vậy, chiến tuyến của Mỹ và đồng minh áp sát ngay Trung Quốc. Đây là điều rất nguy hiểm cho an ninh của Trung Quốc.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: