Thủ tướng Đức Angela Merkel chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 ở thành phố Hamburg. Ảnh: REUTERS |
Bất đồng về biến đổi khí hậu
Hội nghị thượng đỉnh G20 kéo dài hai ngày giữa 19 nền kinh tế quan trọng nhất thế giới (cộng với Liên minh châu Âu) sẽ bắt đầu bằng một cuộc thảo luận về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin sẽ không tham gia cuộc thảo luận này vì đã lên lịch tiến hành cuộc gặp bên lề Nga-Mỹ vào thời điểm đó.
Sự vắng mặt của Tổng thống Donald Trump trong cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu cho thấy rằng Mỹ muốn gác lại vấn đề mà toàn thế giới cho là quan trọng và cấp bách.
Trong thực tế, hiện vẫn có nhiều mâu thuẫn giữa các quốc gia tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, không chỉ về biến đổi khí hậu mà còn về thương mại và di cư trên thế giới. Một số nhà ngoại giao cấp cao đã nói rằng Mỹ có thể chống lại các nước thành viên G20 còn lại và từ bỏ mục tiêu đạt được một sự đồng thuận chung.
Những vấn đề gây khó cho Thượng đỉnh G20
Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg sẽ phải đối mặt với số cuộc khủng hoảng quốc tế trong một thế giới mà Thủ tướng Đức Angela Merkel miêu tả là "hỗn loạn".
Theo phía Mỹ, những vấn đề quan trọng nhất lại nằm ngoài chương trình nghị sự của G20 - bao gồm chính sách tài chính, cấu trúc kinh tế của thế giới đang bị số hóa, các chương trình đầu tư ở châu Phi và dành thêm nhiều quyền cho phụ nữ.
Thay vào đó, Tổng thống Donald Trump dự định tập trung năng lượng của mình vào các cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước đó, Tổng thống Mỹ chỉ trích cả nhân vật đối thoại quan trọng nói trên, trước chuyến đi tới Hamburg.
Tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster nói rằng Tổng thống Trump không có một chương trình nghị sự cụ thể nào cho cuộc gặp với Tổng thống Putin. Ông McMaster nói với các phóng viên: "Tổng thống (Donald Trump) sẽ thảo luận bất cứ điều gì mà ông muốn đề cập”.
Một trong những chủ đề mà Tổng thống Trump có thể sẽ thảo luận với Tổng thống Putin là vai trò của Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Putin để bàn về về tình hình và tiến trình hòa bình ở miền đông Ukraine.
Vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng dự định nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Xi Jinping về tình hình Triều Tiên, tại cuộc họp của các thành viên G20 châu Á. Trước đó, ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc không gây áp lực lên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un một cách thỏa đáng. Triều Tiên đã vỗ mặt Thượng đỉnh G20 bằng vụ thử tên lửa ICBM mà nước này cho rằng có khả năng đánh trúng bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Tổng thống Trump đã nhiều lần nói rằng cần ngăn chặn các cuộc thử nghiệm tên lửa-hạt nhân của Bình Nhưỡng và mối đe doạ hạt nhân của Triều Tiên là không thể chấp nhận.
Về phần mình, Nga đã cảnh báo chính quyền của ông Trump chớ có sử dụng biện pháp quân sự chống Triều Tiên. Tổng thống Trump và Tổng thống Putin cũng có thể thảo luận về vấn đề này.
Khủng hoảng Vùng Vịnh
Một chủ đề khác sẽ xuất hiện tại Hội nghị thượng đỉnh G20 trong hai ngày tới là cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh đang diễn ra cộng với vấn đề khủng bố toàn cầu.
Gần đây, Ả-rập Xê-út đã cầm đầu khối các nước Arập tẩy chay và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Trong khi đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lại công khai ủng hộ Qatar. Người ta chờ đợi Tổng thống Mỹ đưa ra một tuyên bố rõ ràng tại Hội nghị thượng đỉnh G20 về cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh.
Ả-rập Xê-út nói rằng sự liên kết được cho là của Qatar với chủ nghĩa khủng bố là lý do tẩy chay của nhiều nước trong thế giới Arập, nhưng cáo buộc này chắc chắn sẽ được Hội nghị thượng đỉnh xem xét kỹ lưỡng.
Xét cho cùng, thì định nghĩa về khủng bố của Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu xem ra lại chẳng mấy tương đồng.