Nhà kinh tế học Eswar Prasad viết trên Financial Times: "Cuộc chiến thương mại do chính quyền Tổng thống Donald Trump khơi mào đang trên đà trở thành cuộc chiến tiền tệ".
Phá giá tiền tệ là một công cụ hữu ích cho những nền kinh tế tăng trưởng chậm và giúp giải quyết tranh chấp thương mại. Nhưng nó đồng thời là con dao hai lưỡi, mang lại rủi ro lớn cho chính quốc gia đó và nền kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc: "1 bước tiến, 3 bước lùi"
Căng thẳng thương mại giữa hai siêu cường thế giới đang trên đà trở thành cuộc chiến kinh tế toàn diện giữa 2 nước, với mặt trận mới là đồng tiền. Trong gần 15 năm, từ năm 2000 đến giữa năm 2014, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc can thiệp sâu vào thị trường ngoại hối, ngăn đồng NDT tăng giá nhanh so với đồng USD. Bằng cách đó, hàng xuất khẩu Trung Quốc có được lợi thế cạnh tranh. Kể từ giữa năm 2014, chính sách tiền tệ của Bắc Kinh đổi chiều - ngăn đồng NDT mất giá quá nhanh.
Đồng NDT giảm giá, ông Trump liệt Trung Quốc vào danh sách "quốc gia thao túng tiền tệ". Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Eswar Prasad, Mỹ đáng lẽ phải làm điều này cách đây vài năm và động thái trên giờ không còn thích hợp. Bởi, các nhà xuất khẩu Mỹ mới là người hưởng lợi từ việc đồng NDT giảm giá.
Sử dụng công cụ tiền tệ để chi phối và trả đũa, Trung Quốc sẽ còn dìm giá đồng NDT hơn nữa để bù đắp tổn thất từ thuế trừng phạt của Mỹ, tối thiểu là một phần.
Ngày 9/8, tỷ giá tham chiếu chính thức của đồng NDT tiếp tục giảm còn 7,0136 NDT đổi 1 USD, mức thấp kỷ lục kể từ tháng 4/2008. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, ông Prasad nhận định đây sẽ là "1 bước tiến, 3 bước lùi" của Trung Quốc. Trước tiên, đồng NDT giảm giá khiến những người nắm giữ đồng tiền hoang mang. Dòng vốn có khả năng chảy khỏi Trung Quốc như giai đoạn 2014 - 2015. Chính phủ Trung Quốc giờ đây đã chuẩn bị tốt hơn để ngăn chặn cú sốc từ việc hạ giá đồng NDT. Bắc Kinh có thể sử dụng dự trữ ngoại hối từ sớm và đóng cửa hoạt động đầu cơ ở thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, suy cho cùng, những biện pháp trên chỉ phơi bày nỗ lực của Trung Quốc trong việc thuyết phục các nhà đầu tư tin tưởng vào chính sách tiền tệ và dòng vốn ổn định để đầu tư vào thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Tỷ giá đồng USD tăng hay giảm, thế giới đều lao đao
Một số nền kinh tế mới nổi tiêu biểu như Ấn Độ và Thái Lan đã cắt giảm lãi suất để giảm thiểu tổn thương, trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Ngân hàng trung ương các nước phát triển như Ngân hàng Anh, Ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương châu Âu có khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ để đối phó với những biến động của nền kinh tế.
Dù không chắc các quốc gia này có chủ đích làm suy yếu đồng tiền hay không, những động thái trên chắc chắn sẽ là cú hích thúc đẩy nền kinh tế trong ngắn hạn.
Tổng thống Trump buộc tội Trung Quốc "thao túng tiền tệ" dù chính phủ Bắc Kinh phủ nhận. Ảnh: Getty Images. |
Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ trở nên hiếu chiến. Chính quyền Trump đe dọa dìm giá đồng bạc xanh nếu các đối tác thương mại khơi mào cuộc đua giảm giá tiền tệ. Nhà Trắng dường như không cần phân biệt đồng tiền mất giá do thị trường và đồng tiền mất do theo định hướng chính sách. Chỉ cần đồng tiền hạ giá, tổng thống Mỹ sẽ liệt vào hành vi thù địch kinh tế.
Cuộc chiến tiền tệ cũng không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ. Do sự phổ biến của đồng bạc xanh trên thị trường tài chính toàn cầu, Mỹ không dễ dàng dìm giá đồng USD.
Chính quyền Trump khó có khả năng can thiệp đơn phương với quy mô đủ lớn để ảnh hưởng đến tỷ giá đồng USD, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang đứng ngoài cuộc. Ngoài ra, động thái dìm giá đồng USD sẽ kích động cuộc chiến tiền tệ lớn hơn, khi các quốc gia khác đồng loạt trả đũa. Thậm chí, bất ổn kinh tế toàn cầu có thể thúc đẩy các nhà đầu tư tăng mua đồng USD, khiến chúng lại tăng giá.
Hơn nữa, việc ông Trump buộc Fed tham gia vào cuộc chiến tiền tệ sẽ làm giảm uy tín của Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Khi đồng USD rốt cuộc lại mạnh hơn, giá trị của các tài sản thế chấp ở các nền kinh tế mới nổi bị ảnh hưởng trầm trọng. Bởi, đồng tiền trong nước suy yếu dẫn đến nước nợ nước ngoài "phình to", tạo áp lực lên cán cân thanh toán.
Cuối cùng, những biến động trên thị trường tiền tệ sẽ làm sâu sắc thêm bất ổn kinh tế toàn cầu, dẫn đến đầu tư kinh doanh sụt giảm, làm tổn hại đến năng suất và việc làm trên toàn thế giới.
Dìm giá tiền tệ là phương pháp dễ dàng nhưng hiệu quả khi cùng lúc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước và trả đũa các lệnh trừng phạt thương mại. Nhưng lợi ích trước mắt không thể bù đắp nổi những rủi ro dài hạn đối với bản thân quốc gia đó và kinh tế toàn cầu.
* Kiến Thức đã đặt lại tiêu đề bài viết.