“Kỷ lục” thay đổi “ghế nóng”
Theo thông báo của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB), ngày 13/4, Hội đồng quản trị (HĐQT) của Eximbank đã tổ chức họp và ban hành 2 nghị quyết liên quan đến đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Yasuhiro Saitoh và bầu Chủ tịch HĐQT mới.
Để miễn nhiệm ông Yasuhiro Saitoh, HĐQT Eximbank đã bầu một thành viên là ông Nguyễn Quang Thông tạm thời giữ chức Chủ tịch HĐQT để chủ tọa cuộc họp cho đến khi bầu được Chủ tịch HĐQT mới. Cuộc họp diễn ra từ 10h15 đến 11h10 ngày 13/4.
Ông Yasuhiro Saitoh. |
Ngay sau đó, “Chủ tịch tạm thời” Nguyễn Quang Thông đã ký Nghị quyết số 156 thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Yasuhiro Saitoh. Tuy nhiên, Nghị quyết thứ 2 lại thông qua việc bầu ông Yasuhiro Saitoh vừa bị miễn nhiệm quay trở lại giữ chức Chủ tịch HĐQT. Nghị quyết này là số 157 do chính ông Yasuhiro Saitoh ký.
Như vậy, ông Yasuhiro Saitoh đã trở lại ghế Chủ tịch Eximbank trong vòng chưa đầy 1 tiếng sau khi bị miễn nhiệm. Lần đổi ghế này cũng khiến Eximbank lại ghi thêm “kỷ lục mới” khi trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ đã “đổi chủ” tới 3 lần.
Hơn 1 năm trước, nhà băng này cũng từng thu hút sự chú ý của dư luận khi không tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, duy nhất có “ghế nóng” Chủ tịch thay đổi đến 5 lần, từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, về ông Lê Minh Quốc, sang ông Cao Xuân Ninh và tới ông Yasuhiro Saitoh.
Trong 5 lần “đổi ghế”, có ông Cao Xuân Ninh bất ngờ làm đơn từ nhiệm khi thời gian ấn định Đại hội đồng cổ đông thường niên chỉ cách 15 ngày.
Trả lời báo chí mới đây, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Eximbank thay đổi lãnh đạo thường xuyên, tiêu biểu cho sự không thống nhất trong nội bộ một thời gian dài, đã đẩy lùi sự phát triển của Eximbank. Ngân hàng này nếu muốn lấy lại ví trí Top đầu như thời gian trước đây, cần có cuộc “đại cách mạng” thay đổi cách quản trị, tìm được sự đồng thuận về chính sách, định hướng cũng như quản lý ngân hàng.
Liên tục tổ chức bất thành đại hội đồng cổ đông
Ngồi trở lại vị trí Chủ tịch đương nhiệm, ông Yasuhiro Saitoh mới ra thông báo tổ chức liên tiếp 2 đại hội thường niên năm 2020 và năm 2021 của Eximbank lần lượt diễn ra vào ngày 26 và 27/4/2021.
Trong 2 năm 2019 và 2020, Eximbank nhiều lần thông báo tổ chức Đại hội đồng cổ đông nhưng đều bất thành, đến nay, nhà băng này có 7 năm liền cổ đông không được chia cổ tức. Trong đó, đáng chú ý ở Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 lần thứ 3, tổ chức ngày 21/6/2019 bất thành dù số cổ đông tham dự vượt ngưỡng 51% cổ phần có quyền biểu quyết và lên tới đỉnh điểm là 93,86%, với 199 cổ đông đến dự.
Ảnh minh họa. |
Trước đó, ngày 5/12/2019, do liên tục xâm phạm quyền cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corpoation (SMBC) - cổ đông chiến lược, chiếm 15% vốn điều lệ tại Eximbank từ năm 2008, nhà băng này đã bị Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “không tổ chức hoặc tổ chức Đại hội đồng cổ đông không đúng qui định” đối với các ông: Lê Minh Quốc, Cao Xuân Ninh, Nguyễn Quang Thông, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết và ông Saitoh.
Ngày 18/12/2020, Thanh tra giám sát NHNN đã công bố Kết luận Thanh tra số 4661, chỉ ra hàng loạt vi phạm tại ngân hàng này, trong đó có nội dung: Tập thể HĐQT, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát chưa nghiêm túc thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo qui định của pháp luật. Chủ tịch HĐQT và các thành viên không nghiêm túc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, dẫn đến vi phạm khi tiến hành các cuộc họp HĐQT, ban hành các Nghị quyết.
Do thiếu phối hợp trong chỉ đạo điều hành, mất đoàn kết, chưa có Tổng Giám đốc và Người đại diện theo pháp luật; Eximbank không tổ chức được Đại hội đồng cổ đông, vì vậy đã ảnh hưởng tới tình hình hoạt động, hình ảnh của đơn vị niêm yết, suy giảm nghiêm trọng lòng tin của cổ đông trong nước và cổ đông nước ngoài, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng tới uy tín của NHNN, tiềm ẩn rủi ro pháp lý cho Eximbank.
Sau thanh tra, Eximbank tiếp tục rơi vào tình trạng khiếu nại, tố cáo, thậm chí khiếu nại cả nội dung Kết luận thanh tra.
Đáng chú ý, đã có 2 nhóm đổ đông sở hữu trên 10% vốn điều lệ yêu cầu bãi nhiệm 8/9 thành viên HĐQT đương nhiệm, theo quy định, Eximbank phải tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường nếu một trong hai nhóm cổ đông yêu cầu.
Thực tế, nhiệm kỳ 2015-2020, Eximbank từ một nhà băng dẫn top đầu, đã nhanh chóng trở thành một ngân hàng ở nhóm sau, với lợi nhuận thua xa những “đàn em” một thời như OCB, TPBank, VIB...