Để giành thắng lợi, triệt phá được cứ điểm này hàng trăm người dân bản địa, bộ đội địa phương đã ngã xuống hy sinh. Mường Khoòng trở thành huyền thoại của vùng núi xứ Thanh.
Chuyện kể của những chứng tích
Ông Vi Công Mậu năm nay đã 76 tuổi nhưng vẫn còn rất khỏe và minh mẫn. Để tái hiện lại cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân Mường Khoòng ông đã không quản ngại đường xá xa xôi hiểm trở đưa chúng đưa tôi lên ngọn đồi năm xưa quân Pháp đã cho quân nhảy dù xuống để lập cứ điểm.
Theo tiếng của người Thái nơi đây quả đồi này có tên là Cocho, thuộc thôn Lọng của xã Cổ Lũng. Khi quân Pháp đưa quân sang muốn xây dựng nơi đây là cứ điểm để chiến đấu với quân ta. Ông Mậu xuýt xoa tiếc rằng những chứng tích nơi đây không còn nữa. Trên đỉnh đồi giờ chỉ còn là bãi đất trống, lưa thưa vài cây tre và cây bạch đàn. Xưa kia, khi cuộc sống của dân bản trở lại bình yên ông Mậu vẫn thường lên đồi để ngắm nhìn những khẩu pháo, những đường hầm, chiến lũy mà quân Pháp đã xây dựng.
“Ngày đó quân Pháp vào các làng bản trong vùng, bắt hàng trăm phu phen để về đây phục dịch xây dựng đồn bốt, chiến hào. Chiến hào là một vành đai vòng cung phía trước, có 3 khẩu trung liên và 2 khẩu cối 60 li được đặt hai bên. Điều lạ kỳ đến mức khó hiểu, khi đó có lẽ vì muốn xây dựng nhanh nên bọn chúng không xây dựng đồn bốt bằng bề tông, cốt thép mà chỉ bắt dân chúng trong vùng phá nhà của mình, mang vật liệu ra xây dựng đồn bốt. Vì thế, đồn bốt, nhà chỉ huy chỉ được làm bằng đất. Cổng của đồn bốt chỉ làm bằng tre nứa vót nhọn. Bờ tường cũng chỉ làm bằng đất cao khoảng 1m, ở bốn hướng bọn chúng đều cho quân đào hầm hào”, ông Mậu kể.
Ban đầu thực chất ở pháo đài này lính Pháp chỉ có ba người và một người làm bộ phận thông tin liên lạc. Sau này, bọn chúng mới huy động lực lượng từ Hòa Bình sang, từ Bá Thước xuống và một lực lượng đông đảo bắt từ dân bản. Vì thế, lực lượng của Pháp có hàng trăm tên với vũ khí đạn dược tối tân.
Ông Vi Công Mậu chỉ vị trí xưa kia quân địch đặt khẩu pháo, xây dựng đồn bốt trên đồi Cocho. |
Chiến thắng “bất khả xâm phạm”
Ông Hà Nam Ninh cho biết, khi lực lượng quân địch đã xây dựng xong đồn bốt, sân bay thì Cổ Lũng biến thành nơi “bất khả xâm phạm”. Để chiếm giữ vùng đất nơi đây bọn chúng đã mua chuộc những tên lang đạo, chánh tổng trong vùng. Ban đầu quân Pháp cho họ giữ các chức sắc trong vùng, sau đó biến họ thành tay sai của bọn chúng. Nhiều người dân vô tội đã bị giết hại, bởi đứng lên chống lại ách thống trị của bọn chúng.
Từ tháng 7/1949 quân địch hoàn toàn thắng thế, bởi bọn chúng có lực lượng mạnh, được trang bị với nhiều vũ khí đạn dược tối tân như: Súng cối, súng máy tiểu liên, súng trung liên... Trong khi đó, bộ đội và dân quân du kích của ta vũ khí còn hết sức thô sơ.
“Khi đó để tiêu diệt địch nơi đây chỉ huy của quân ta đã chỉ đạo cho các đơn vị quân đội tại tỉnh Thanh Hóa lên Bá Thước để giải phóng Cổ Lũng. Nhưng do vũ khí thô sơ, quân địch dồn quân trên đồn bốt, quân ta ở phía dưới trống trải nên nhiều trận công kích của quân ta đã thất bại. Lực lượng của ta khi đó cũng khá đông, nhưng do thiếu chiến thuật đánh nên chưa thể phá được phòng tuyến của kẻ thù.
Nghĩa trang liệt sĩ vinh danh những anh hùng đã ngã xuống trong trận quyết chiến với quân Pháp năm 1949 được xây dựng bên đồi Cocho. |
Trong hồi ức của những người lính từng sống và chiến đấu nơi đây mà tôi đã thu thập được có những câu chuyện bi tráng. Đó là vào một đêm giữa tháng 7/1949, sau nhiều lần dùng đạn pháo công kích lên đồn bốt của địch không thành. Trước đó quân ta đặt pháo khoảng cách xa đồn bốt địch, nên bắn không tới vị trí của quân Pháp. Vì thế, mọi người mới thống nhất sẽ di chuyển cho pháo lên sườn đồi, công kích quân giặc trong đêm.
Nhưng không ngờ, do pháo bắn lên cao quá, mà không trúng đích. Bất ngờ pháo lại rơi trở lại đúng vị trí lực lượng đã bắn. Chính vì thế, mọi người không kịp trở tay, đã bị pháo nổ gây thương vong. Đêm đó tính cả dân quân tự vệ và bộ đội 59 người đã hy sinh”, ông Ninh buồn bã kể.
Sau thất bại đó, quân và dân Cổ Lũng đã rút ra được bài học thay đổi chiến lược trong cách đánh. Khi đó, trên đồn bốt của địch có nhiều người là con của dân bản trong vùng phục vụ cho quân Pháp. Vì thế, quân ta đã vận động tuyên truyền số quân lính này làm cuộc binh biến. Để thực hiện việc này, một số người dân đã dũng cảm trà trộn vào hàng ngũ của địch, làm thùng thư bí mật viết các truyền đơn cho họ đọc. Khơi dậy tinh thần dân tộc của mỗi người, để họ đứng về phía cách mạng và quan trọng hơn cả giác ngộ họ tin tưởng rằng quân đội của Bác Hồ sẽ chiến thắng quân Pháp.
Cùng với công tác tuyên truyền đó, chúng ta cũng kêu gọi những người lính, những người lang đạo hãy từ bỏ cuộc sống với bọn thực dân Pháp, trở về với cách mạng. Mọi người sẽ dang tay chào đón, chào mừng họ trở về. Sau đó, họ muốn đi theo cách mạng, hay đi theo con đường riêng tùy thích. Nhờ vậy, đến tháng 12/1949 quân du kích của ta thống nhất với lực lượng nội ứng trong địch ngày giờ nổ súng đảo chính. Quân thực dân Pháp không kịp trở tay nên đã bại trận.
Ông Mậu và người dân nơi đây chỉ tiếc rằng, pháo đài lô cốt năm xưa của quân Pháp giờ không còn nữa. Những năm sau giải phóng, các công trình của quân Pháp để lại trên đỉnh núi Cocho đã bị phá hoại dưới bàn tay con người. Bởi, khi cải cách văn hóa những tàn dư của chế độ cũ để lại đã bị phá hết, không ai quan tâm đến việc giữ gìn nó. Năm 1999, kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Cổ Lũng, chính quyền muốn xây dựng lại đồn bốt, nhưng không thực hiện được.
Con người và mảnh đất nơi đây từng chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, nhưng họ chưa bao giờ chịu khuất phục trước họng súng của kẻ thù, bằng chứng là tất cả đều đồng lòng để giết giặc giải phóng quê hương. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, tinh thần đó được nâng lên. Mường Khoòng hỗ trợ sức người, sức của lớn lao trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Chính vì thế, nơi đây được công nhận là vùng đất anh hùng.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng người dân nơi đây vẫn không quên ký ức bi hùng về cuộc chiến đấu với quân Pháp. Trong những năm đau thương đó hàng trăm người dân nơi đây đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập. Sân bay Cổ Lũng và đồn bốt trên đồi Cocho không còn nữa, nhưng người dân vẫn còn nhớ trong ký ức. Năm 2005, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã chính thức công nhận khu di tích đồn bốt, sân bay Cổ Lũng là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.
Ông Lò Văn Xuân (Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng)