Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa khởi tố, bắt bị can để tạm giam với bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao về tội nhận hối lộ.
Cùng tội danh trên, 3 bị can khác bị khởi tố, bắt tạm giam gồm Đỗ Hoàng Tùng - Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Lê Tuấn Anh - Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Lưu Tuấn Dũng - Phó Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Các bị can bị điều tra cùng về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Ảnh minh họa. |
Theo Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, các bị can trên đã lợi dụng việc xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để trục lợi cá nhân, nhận hối lộ.
Sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với 04 bị can theo lý lịch và tội danh đã viện dẫn nêu trên.
Vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý nghiêm trước pháp luật. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thông báo để các cá nhân, đơn vị có liên quan biết, chủ động liên hệ làm việc.
Theo Bộ Ngoại giao, Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Trong suốt gần hai năm qua, thực hiện chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, các bộ ngành địa phương của Việt Nam đã phối hợp, hỗ trợ các hãng hàng không trong và ngoài nước thực hiện hơn 800 chuyến bay đưa 200.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.
Bị can Nguyễn Thị Hương Lan. |
Năm 2021, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức gần 600 chuyến bay đưa hơn 130.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước, cách ly tại các cơ sở quân đội hoặc tại cơ sở dân sự của các địa phương.
Để tránh công dân bị lừa đảo, bị lợi dụng chiếm đoạt tài sản, Bộ Ngoại giao đã khuyến cáo công dân không liên hệ với những cá nhân, tổ chức, các trang thông tin không rõ danh tính, không chính thống, không làm việc qua bất cứ hình thức môi giới trung gian nào.
Trước đó, tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao ngày 20/1, báo chí từng đặt câu hỏi về những thông tin phản ánh người Việt về nước theo các chuyến bay giải cứu phải trả số tiền lớn, thủ tục khó khăn và nghi vấn có trục lợi từ các chuyến bay giải cứu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu cần bị lên án trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật".
Trước đó, tại tọa đàm "Mở cửa du lịch phục hồi kinh tế" tổ chức tháng 12/2021, TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia về du lịch và hàng không nói rằng, có đơn vị nhân danh chống dịch mà trục lợi trên nỗi khốn khó của đồng bào. Ông Nam dẫn chứng: “Bạn tôi vừa về từ Mỹ với giá 170 triệu, trước đó lên đến 240 triệu đồng. Trong khi thời điểm tháng 3-4/2020, chuyến bay Vietnam Airlines giải cứu từ châu Âu về chỉ mất 1.200 USD; từ Mỹ, Canada là 1.600 USD và sau đó đưa về cách ly tại các cơ sở quân đội”. So sánh chênh lệch giữa giá bay giải cứu của Vietnam Airlines, ông Nam cho rằng có thể lờ mờ hiểu ra câu chuyện tiền còn lại bao nhiêu và đi vào túi ai.
Thậm chí, trên nhiều diễn đàn, bà con Việt Kiều chia sẻ kinh nghiệm về nước bằng cách “lách” sang Campuchia. Hành khách bay từ châu Âu về Phnom Penh chỉ với giá 630 Euro, đi ô tô mất 100 Euro lên cửa khẩu Mộc Bài, chìa hộ chiếu Việt Nam ra chắc chắn sẽ được vào Việt Nam và sau đó, cách ly 1 tuần ở Tây Ninh.
“Nghĩ về nỗi bĩ cực của đồng bào khi họ tìm cách về nhà, về Tổ quốc, về quê hương thông qua sân sau cửa hậu Campuchia, tôi thực sự mất ngủ. Bằng những tiếng nói tập thể, những kiến nghị mạnh mẽ, phải dừng ngay những chuyện đó lại”, ông Nam nói.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lý do Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố:
Nguồn: PLO