Bộ VH,TT&DL mới đây đã ra quyết định xếp hạng 12 di tích quốc gia, trong đó có quần thể danh thắng Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam).
Trước thông tin trên, một số người đưa ra ý kiến tranh cãi khi cho rằng ngành văn hóa đã xếp hạng di tích quốc gia cho chùa Tam Chúc.
Trao đổi với Dân trí sáng 11/3, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, Bộ VH,TT&DL xếp hạng di tích quốc gia cho cả quần thể Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam).
Ông Thành nhấn mạnh, quần thể Tam Chúc được xếp hạng di tích quốc gia loại hình danh lam thắng cảnh, không phải kiến trúc nghệ thuật nên không liên quan đến công trình.
Cảnh quan danh thắng Tam Chúc được xếp hạng di tích quốc gia. |
Việc xếp hạng không phải là để công nhận những hạng mục, công trình mới (như chùa Tam Chúc) được xây dựng cách đây vài năm tại khu vực này như một vài ý kiến đã thắc mắc.
Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa chỉ rõ, danh thắng Tam Chúc đủ điều kiện được xếp hạng là danh lam thắng cảnh theo tiêu chí của Luật di sản văn hóa.
Theo Luật Di sản văn hóa, tiêu chí xếp hạng của loại hình này được quy định là khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp, khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, giá trị về khảo cổ học, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù…
Tỉnh Hà Nam đã trình hồ sơ khoảng 1 năm trước. Đối chiếu các tiêu chí, Cục Di sản văn hóa đã hướng dẫn cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam tham mưu với UBND tỉnh về việc khoanh vùng với quy mô khu vực rộng lớn hơn; bám sát khu vực quy hoạch Khu du lịch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
"Chùa Tam Chúc hay những hạng mục mới xây không liên quan đến tiêu chí xếp hạng quần thể này. Đến thời điểm hiện tại, Chùa Tam Chúc mới cũng không được xếp hạng là di tích lịch sử hay văn hóa, nghệ thuật quốc gia", ông Thành nói.
Khu vực chùa Tam Chúc (Ảnh: Tố Linh). |
Cũng theo ông Trần Đình Thành, việc xếp hạng quần thể Tam Chúc là một hình thức bảo vệ quan trọng nhất những giá trị hiện hữu của khu vực. Sau khi được xếp hạng di tích cấp quốc gia, pháp luật về di sản văn hóa sẽ thực hiện các biện pháp về khoa học và quản lý để bảo tồn, phát triển di tích này.
Việc xây dựng công trình trong khu danh thắng Tam Chúc phải có ý kiến của cơ quan quản lý về văn hóa. Các đơn vị liên quan sẽ có nhiều hình thức bảo vệ: Đánh giá nhận diện những đối tượng có thể làm suy giảm giá trị của di tích, hạn chế phát triển công nghiệp…
Ông Thành cũng nhấn mạnh, quần thể danh thắng Tam Chúc nằm trên một diện tích rất rộng với những giá trị đa dạng về cảnh quan, địa chất địa mạo. Diện tích hơn 4000 ha khoanh vùng bảo vệ có núi đá vôi, có rừng nguyên sinh có địa hình thay đổi, có nhiều hang động, có hồ nước kết hợp với núi trên hồ nước… Địa hình núi đá vôi có giá trị địa chất địa mạo. Trong hệ thống núi có những hang động có giá trị về thẩm mỹ, nhũ đá, thạch đá đẹp.
Quần thể Tam Chúc còn rất đa dạng về sinh học, các loài thủy sinh dưới lòng hồ đặc hữu. Trong rừng phát hiện voọc mông trắng quý hiếm cùng các loài chim sâm cầm, cò, vạc.
Theo nghiên cứu của giới khảo cổ học, Tam Chúc là một trong những địa bàn cư trú của người Việt cổ, chịu ảnh hưởng rất sớm của nền văn hóa Hòa Bình cách ngày nay khoảng 10.000 cho đến 30.000 năm. Nơi đây còn lưu giữ những di tích, di chỉ khảo cổ học, dấu tích, huyền tích về lịch sử phát triển tín ngưỡng bản địa Việt Nam trải qua các triều đại trong lịch sử dân tộc.
Trong quần thể danh thắng Tam Chúc có nhiều điểm di tích quan trọng như đình Tam Chúc, chùa Tam Chúc cổ; đền Mẫu; đền Giếng. Tam Chúc - Ba Sao là vùng đất cổ được hình thành từ hàng triệu năm về trước.
Năm 2021, các chuyên gia của Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Hà Nam tiến hành điều tra, khảo sát, thám sát và đã phát hiện hàng chục hang động, mái đá, giếng Cattơ, cồn hến… không chỉ có giá trị về mặt cảnh quan, du lịch mà còn giá trị lớn về khảo cổ.
Chính vì vậy, ông Thành một lần nữa khẳng định: "Việc xếp hạng di tích với quần thể Tam Chúc không liên quan đến giá trị nào về kiến trúc nghệ thuật. Quần thể danh thắng sau khi được xếp hạng sẽ tạo điều kiện để quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ đã được công nhận".