Nhiều quốc gia vẫn đang thực hiện tiền kiểm
Bộ Y tế vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 38 hướng dẫn chi tiết một số điều của luật An toàn thực phẩm. Trong đó có bỏ một số nội dung đã được Chính phủ cho phép.
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). |
Tuy nhiên, trong quá làm dự thảo, Hiệp hội chế biến thủy sản, Phòng thương mại công nghiệp Mỹ (Amcharm) kiến nghị bỏ đăng ký công bố chất lượng, an toàn thực phẩm trước khi lưu thông ra thị trường. Việc này giống với các nước phát triển như Nhật bản, Mỹ, Singapore… đang thực hiện.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm bằng cả hai hình thức tiền kiểm và hậu kiểm.
Theo đó, trước khi sản phẩm lưu thông trên thị trường, doanh nghiệp sẽ phải nộp hồ sơ trong đó có phiếu kiểm nghiệm, ghi nhãn… để cơ quan nhà nước kiểm tra về mặt giấy tờ, đối chiếu các chỉ tiêu an toàn doanh nghiệp tự công bố đã phù hợp rồi mới được đưa ra thị trường. Trong quá trình lưu thông, các cơ quan chức năng tiếp tục định kỳ hoặc đột xuất lấy mẫu xét nghiệm (hậu kiểm) để giám sát chất lượng.
Trước đề xuất này, Bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng với điều kiện hiện nay của nước ta chưa thể bỏ công bố chất lượng sản phẩm trước khi để sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Bà Nga phân tích, Việt Nam chưa thể thực hiện được như các nước bởi nhiều yếu tố. Ngay trong khu vực, các nước như Thái Lan, Philipin hay Trung Quốc… vẫn đang thực hiện tiền kiểm 100% như Việt Nam trước khi lưu thông như Việt Nam để đảm bảo tình trạng an toàn của sản phẩm. Những nước áp dụng hậu kiểm là nơi có nền sản xuất đảm bảo, ý thức chấp hành pháp luật tốt, lực lượng thanh tra hùng hậu, kinh phí lấy mẫu lớn.
Bỏ tiền kiểm - nguy cơ chưa kịp kiểm tra đã tiêu thụ hết
Bà Nga phân tích một số nguyên nhân khiến Việt Nam chưa thể bỏ quy định tiền kiểm trước khi lưu thông sản phẩm thực phẩm trên thị trường.
Thứ nhất Việt Nam đa phần là sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình theo kinh nghiệm hoặc tự phát thấy có lãi thì làm mà không có hệ thống kiểm soát chất lượng; không có thử nghiệm, nghiên sản phẩm có phù hợp với các quy định về chất lượng, phụ gia nào phù hợp…
Thứ hai, ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật về an toàn thực phẩm còn chưa cao. Thời gian vừa qua có rất nhiều vụ bê bối liên quan đến an toàn thực phẩm như bơm tạp chất vào tôm, hay câu chuyện "hai luống rau" của người nông dân.
"Nhiều người dân biết là độc hại nhưng vẫn bán ra ngoài thị trường. Câu chuyện người dân trồng 2 luống rau, 2 chuồng lợn một để phục vụ nhu cầu gia đình, 1 là để đi bán rất phổ biến”, bà Nga nói.
Thứ ba, nếu bỏ tiền kiểm, tức là cơ quan nhà nước chỉ thực hiện hậu kiểm khi sản phẩm đã lưu thông ra thị trường. Điều này gần như không xuể bởi cần phải có lực lượng thanh tra vô cùng hùng hậu mới có thể thực hiện điều này. Như tại Nhật dù có nền sản xuất đảm bảo, ý thức chấp hành pháp luật tốt nhưng vẫn có đến 12.000 thanh tra, trong khi cả ngành y tế nước ta chưa có đến 400 thanh tra.
“Nếu cứ để doanh nghiệp tự sản xuất, lưu thông ra thị trường không cần biết có tuân thủ các yêu cầu về chất lượng hay không thì thực phẩm độc hại có thể bị tiêu thụ trước khi được kiểm tra”, bà Nga lo ngại.
“Ngay cả mũ bảo hiểm trước khi ra thị trường cũng được tiền kiểm- đóng dấu hợp quy; thậm chí cả phân bón, thuốc trừ sâu… cũng thế. Trong khi đó, thực phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người mà “thả” không tiền kiểm, không khác gì "thả gà ra đuổi", không phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay", bà Nga nhấn mạnh.
Có lo ngại cơ chế xin - cho?
Theo phản ánh của danh nghiệp, có tình trạng chậm trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến công bố chất lượng của cơ quan chức năng. Bà Nga khẳng định, theo quy định, trong 15-30 ngày kể từ khi nộp hồ sơ, doanh nghiệp được cấp giấy này. Các doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ tốt, đạt, tỉ lệ trả 100% đúng hạn, thậm chí cấp trước thời hạn.
"Tuy nhiên thực tế hồ sơ của các doanh nghiệp đạt ngay từ lần đầu tiên là rất ít. Có doanh nghiệp yêu cầu bổ sung bước A thì lại làm bước B. Nhưng để đảm bảo không có tình trạng nhiêu khê, làm khó doanh nghiệp, Cục An toàn thực phẩm đã quán triệt chuyên viên khi hồ sơ có vấn đề chỉ được yêu cầu doanh nghiệp bổ sung 1 lần, không được ra công văn lần 2.
Tức là chuyên viên phải xem kỹ hồ sơ, thấy những thiếu sót gì phải chỉ ra trong một lần để doanh nghiệp chuẩn bị. Còn nếu đã hướng dẫn, doanh nghiệp vẫn bổ sung không đủ thì không thể cấp được chứng nhận cho doanh nghiệp", bà Nga nói.
Trả hồ sơ đúng hẹn
Tại buổi đối thoại giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các bộ, ngành và các doanh nghiệp hồi tháng 5/2017, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm khẳng định thời hạn trả hồ sơ là đúng hẹn, thậm chí là sớm hơn với những hồ sơ đạt.
"Như hôm 13/5, hạn trả hồ sơ tính đến 30/5, chúng tôi đã trả hết cho DN. Bộ Y tế đã nhận và cấp trên môi trường mạng, thực phẩm nhập khẩu đã kết nối 1 cửa quốc gia nên thời gian thông quan từ 15-21 ngày và giờ tối đa là 9 ngày".