Võ Lê Hoàng Tuấn (32 tuổi, ở xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) từng tốt nghiệp đại học ngành dược và có công việc ổn định tại một bệnh viện ở TPHCM.
Cách đây 11 năm, chàng trai có thu nhập 15 triệu đồng mỗi tháng nên cuộc sống khá sung túc. Dẫu vậy, Tuấn thấy thịt, cá, rau củ... chứa dư lượng kháng sinh và độc tố, ảnh hưởng sức khỏe mọi người.
“Tôi đọc được trong dược liệu có nhắc đến con cá chạch lấu - loài được ví như “nhân sâm nước” bởi giàu chất dinh dưỡng, có tác dụng bồi bổ cơ thể. Từ đó, tôi tìm hiểu cặn kẽ tập tính, kỹ thuật nuôi cá chạch lấu theo hướng an toàn sinh học” - Tuấn nhớ lại.
Gia đình phản đối dữ dội
Năm 2019, Tuấn nộp đơn nghỉ việc, về quê trước sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp, người thân.
Ý định về quê nuôi cá chạch lấu của Tuấn bị cha mẹ phản đối dữ dội, bởi gia đình không ai làm nông. Còn bạn bè nói việc làm của anh không thực tế.
Hoàng Tuấn bên ao cá chạch lấu nuôi. Ảnh: H.T. |
“Cha mẹ nói chỉ muốn tôi trắng trẻo, quần áo là lượt đi làm ở bệnh viện bởi dính vào chăn nuôi rất cực. Cha mẹ sợ tôi chạy theo trào lưu bỏ phố về quê 'nuôi cá, trồng rau', không chịu được vất vả.
Dẫu vậy, tôi vẫn quyết tâm nuôi cá chạch lấu. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ nếu thành công thì tạo ra con cá không chứa chất độc hại, và mình có lợi nhuận kinh tế từ chính mảnh đất quê nhà” - Tuấn kể.
Tuấn bỏ ra 50 triệu đồng từ tiền dành dụm những năm đi làm để mua 2.000 con cá chạch lấu giống về nuôi trong ao có diện tích chỉ 50m2.
Ngoài ra, Tuấn còn nuôi trùn quế, trồng nha đam. Trùn quế làm thức ăn cho cá, phân trùn bón nha đam, nước nuôi cá tưới nha đam, phế phẩm của nha đam lại làm thức ăn cho trùn quế. Đây là quy trình đảm bảo an toàn sinh học, không gây ô nhiễm môi trường.
“Thế nhưng đợt đầu tiên, cá nuôi được 4 tháng thì chết hơn 90%. Buổi sáng ra thăm ao thấy cá chết gần hết, tôi sốc lắm và cũng sợ đến tai cha mẹ” - Tuấn bùi ngùi nhớ lại. Anh đúc rút “thất bại là do mình nuôi chưa đúng kỹ thuật".
Không nản chí, Tuấn mua thêm 2.000 con cá giống. Đợt thứ 2 này, cá vẫn chết hơn 50%. Một lần nữa, anh "đi tong" mấy chục triệu.
Tuấn cố trấn an bản thân: “Trại xây lên đâu vào đấy rồi, 2 lần thua, kinh nghiệm có cả rổ rồi nên vụ thứ 3 chắc chắn sẽ thành công, không thể bỏ ngang được”.
Đợt nuôi cá tiếp theo Tuấn thành công thật. Tỷ lệ cá sống, đạt chất lượng tốt đạt hơn 80%. Từ đó, anh mở rộng dần quy mô ao nuôi và đến nay đã lên tới 5.000m2.
Ao nuôi cá chạch lấu được Tuấn lót bạt, chạy oxy. Ảnh: H.T. |
Thu lãi 400 triệu đồng mỗi năm
Xác định làm lâu dài, anh Tuấn lót bạt luôn ở đáy ao, đồng thời làm hệ thống lưới che phía trên.
"Cách này làm phát sinh hơn 10% chi phí, nhưng mình khắc phục được dịch bệnh tích tụ dưới đáy và lưới che giúp cá không bị sốc khi thời tiết thay đổi. Tôi cũng đầu tư hệ thống ao xử lý nước đầu vào lẫn ra" - Tuấn nói. Anh còn đầu tư máy phát điện, máy chạy oxy và hệ thống máy bơm, ống dẫn…
Dưới đáy ao, anh đặt các bó ống nhựa để làm nơi trú ẩn cho cá chạch lấu - vì đây loài chui rúc. Để cá khỏe mạnh, anh cũng bổ sung thêm vitamin C, men hỗ trợ tiêu hóa cùng vi sinh vật cải tạo môi trường nước.
“Nếu áp dụng đúng kỹ thuật thì nuôi cá chạch lấu không khó. Mỗi ngày, tôi cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều, 3-5 ngày thay nước một lần, mật độ cá ban đầu từ 30 con/m2, sau đó tăng dần…" - Tuấn chia sẻ kinh nghiệm.
Anh Tuấn còn thả cá koi xen với chạch lấu để lấy ngắn nuôi dài. Cá koi nuôi khoảng 8 tháng là được xuất bán, còn chạch lấu mất 10-12 tháng mới thu hoạch.
"Koi là cá cảnh nên rất mẫn cảm với sự thay đổi môi trường trong ao nuôi. Nếu quan sát thấy cá koi bất ổn thì mình xử lý ao để bảo vệ cá chạch lấu” - anh Tuấn nói.
Mỗi năm, anh Tuấn xuất bán khoảng 2 tấn cá chạch lấu và 1 tấn cá koi, với giá 250.000 đồng/kg cá chạch lấu, 350.000 đồng/kg cá koi. Từ đó, anh thu về hơn 800 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh có gần 400 triệu đồng lợi nhuận.