Vừa qua, Tài chính Doanh nghiệp có đăng tải hai bài viết: “Chung cư Kim Tâm Hải nhiều năm không có sổ, cư dân kêu cứu”; “Chung cư Kim Tâm Hải: Dân vào ở 7 năm, Sở Xây dựng Tp.HCM vẫn chưa nghiệm thu công trình”. Nội dung hai bài viết phản ánh sai phạm của chủ đầu tư Kim Tâm Hải.
Ngay sau những phản ánh của Tài chính Doanh nghiệp, nhiều người dân tại đây cung cấp thêm hồ sơ sai phạm của chủ đầu tư. Ngoài ra, mới đây, khoảng 100 hộ dân tại chung cư Kim Tâm Hải (27 Trường Chinh, quận 12, Tp.HCM) treo băng rôn tố cáo chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Kim Tâm Hải (KITAHA Corp) sai phạm. Theo đó, các hộ dân này yêu cầu chủ đầu tư sớm bàn giao sổ hồng.
Cư dân chung cư Kim Tâm Hải treo băng rôn đòi sổ hồng. |
Cư dân tại đây phản ánh, từ năm 2013, chủ đầu tư bắt đầu bàn giao căn hộ cho cư dân. Nhiều năm trôi qua, chủ đầu tư vẫn ngó lơ, sổ hồng chung cư không có, cư dân nơi đây khó khăn trăm bề.
Tôi vô cùng bức xúc khi chủ đầu tư “xem thường” cư dân. Nhiều năm qua, chủ đầu tư luôn “né tránh” việc ra sổ hồng chung cư Kim Tâm Hải. Mọi yêu cầu chính đáng của cư dân đều bị KITAHA Corp ngó lơ. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn lên quận 12, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, UBND Tp.HCM nhưng vẫn chưa được giải quyết”, một cư dân nói.
Ngoài hai yêu cầu là bàn giao sổ hồng, quỹ bảo trì 2%, thì cư dân Kim Tâm Hải đồng lòng tố cáo sai phạm của chủ đầu tư khi xây dựng trái quy định tại tầng 17 (sân thượng). Người dân cho biết, chủ đầu tư phải tháo dỡ nhà hàng, quán cà phê Sky 17 để trả lại mặt bằng.
“Là cư dân ở đây, tôi yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc kinh doanh nhà hàng, quán cà phê trên sân thượng. Đây là tài sản của cư dân chung cư, không phải tài sản riêng của chủ đầu tư KITAHA Corp. Họ đang cố tình làm sai quy định, xem thường ý kiến cư dân chúng tôi”, người dân ở đây bức xúc chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu của PV Tài chính Doanh nghiệp, tại quyết định 129 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng chung cư Kim Tâm Hải do Sở Xây dựng Tp.HCM ký ngày 17/8/2009 có khẳng định phần sở hữu chung bao gồm: “Để xe tầng hầm; Phòng sinh hoạt cộng đồng; Ban quản lý chung cư; Diện tích sảnh, hành lang cầu thang giao thông, phòng kỹ thuật, hộp gen, tường bao kết cấu, sân thượng. Ngoài ra, diện tích cây xanh, sân bãi, đường đi dạo… trong khuôn viên chung cư đều thuộc quyền sủ dụng chung của cộng đồng sống trong chung cư và được Ban quản trị chung cư vận hành”.
Dân vào ở 7 năm, Sở Xây dựng Tp.HCM vẫn chưa nghiệm thu công trình. |
Công ty Cổ phần Kim Tâm Hải rao bán hàng loạt dự án "ma"?
Năm 2019, nhiều cơ quan báo chí phản ánh tình trạng phân lô bán nền trái phép tại huyện Củ Chi. Theo đó, trên địa bàn huyện Củ Chi, Tp.HCM nhiều khu đất khác được các doanh nghiệp gắn mác dự án thương mại khác như: Dự án The Residence 1, 2, 3 do Công ty Cổ phần Kim Tâm Hải làm chủ đầu tư: Dự án Osaka Garden Công ty Cổ phần Nhà Nhất Nam chủ đầu tư: Dự án Sun City do Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển BĐS Đông Nam làm chủ đầu tư: Dự án Era Park được giới thiệu Công ty cổ phần dịch vụ BĐS Nam Gia chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Công Duyên, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Đông khẳng định: Hiện nay trên địa bàn xã không có dự án nào mang tên Erapark và The Risidence 1, 2. Theo ông Duyên, các dự án trên là của một số cá nhân có đất, sau khi tiến hành xin chủ trương đầu tư đấu nối hạ tầng để tách thửa thì các chủ đất phối hợp với các Cty khác để cùng phát triển. Về tên những dự án trên đều là tự đặt mà không được bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào quyết định phê duyệt.
Trả lời về vấn đề này, Đại diện Phòng quản lý đô thị huyện Củ Chi cho biết, hiện tại trên địa bàn huyện chỉ duy nhất dự án Lucky Garden Bình Mỹ được cấp phép, các dự án còn lại do doanh nghiệp tự gán tên thương mại để giao dịch với khách hàng đều là dự án “ma”. Phía chính quyền đã nhiều lần ra quân xử phạt về việc quảng cáo sai quy định về các trường hợp trên, việc này gây nhũng nhiễu, rối loạn thị trường BĐS và gây hiểu nhầm trong phần lớn bộ phận nhà đầu tư và khách hàng.
Mặt khác, việc UBND huyện Củ Chi (Tp.HCM) căn cứ vào Quyết định 60 của UNBD TP để cấp phép cho các cá nhân đấu nối hạ tầng kỹ thuật, tách thửa. Dựa vào đây, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã móc nối với nhau, để lập những dự án phân lô, bán nền “ma”. Trong khi, nhiều cá nhân, doanh nghiệp chuộc lợi bất chính từ việc lách luật lập dự án phân lô, bán nền “ma” này.
Thì những khách hàng có nhu cầu mua nhà ở thực tế, nhà đầu tư và khách hàng gặp phải muôn vàn khó khăn trong giao dịch. Và chẳng ai có thể đảm bảo, về những rui ro, trái đắng mà nhà đầu tư, khách hang găp phải khi tiếp cận những sản phẩm của những dự án phân lô, bán nền “ma” này.