Ông Barack Obama sẽ làm gì sau khi rời Nhà Trắng?
Sau khi chuyển giao quyền lực cho tân Tổng thống Donald Trump, ông Barack Obama có thể sẽ phụng sự người dân theo một cách khác.
Ngày 20/1/2017, ông Barack Obama sẽ chính thức rời Nhà Trắng. Sẽ luôn có một câu hỏi: Con người từng có 8 năm nắm quyền hành của đất nước hùng mạnh hàng đầu thế giới sẽ làm gì, sống như thế nào?
|
Ông Obama phát biểu tại Nhà Trắng sau khi biết tên người kế nhiệm mình. Ảnh: Reuters. |
Điều này khiến không ít người tò mò vì vị tổng tư lệnh của nước Mỹ khi ấy mới 55 tuổi. Và bản thân ông, trong buổi tiệc tối chia tay báo giới quốc tế vào tháng 4 vừa qua cũng đã tham gia vở kịch hài nhỏ theo truyền thống trong đó nói về chuyện mình sẽ làm gì sau tám năm đầy quyền lực.
Báo chí Mỹ cũng rất lưu tâm chuyện này và thậm chí vẽ ra những kịch bản điên rồ nhất, kiểu như ông Obama sẽ làm huấn luyện viên thể thao.
Ưu tiên nghỉ ngơi
Các chuyên gia đều cho rằng thông thường nguyên thủ của Mỹ luôn dành khoảng thời gian dài 2-4 năm để nghỉ ngơi sau thời gian làm việc quá căng thẳng. Dĩ nhiên ai cũng hiểu thường là cách nghỉ ngơi tích cực với các hoạt động có thể giúp ích cho xã hội.
Theo nhà báo François Clemenceau, trưởng ban quốc tế của báo JDD, từng là nhà báo thường trú của đài Europe 1 tại Washington, cho biết gia đình Obama sẽ còn lưu lại tại thủ đô nước Mỹ ít nhất hai năm “để cô con gái út Sasha kết thúc giai đoạn học phổ thông”.
Trong giai đoạn này, ông Obama sẽ đi đi về về giữa Washington và Chicago - thành phố của bang Illinois mà ông đã trưởng thành, đã gặp gỡ người bạn đời Michelle của mình. Nhà báo Clemenceau giải thích: “Ông ấy lập Quĩ Obama tại Chicago, và có các hoạt động tại đó”.
Các hoạt động này sẽ hướng vào cộng đồng người da màu với các hoạt động hỗ trợ thiết thực như thể để trả món nợ chưa làm được là “vị Tổng thống của những người da màu”.
Theo nhà báo Clemenceau, một chuyên gia về chính trị Mỹ, ông Obama dự tính phát triển một chương trình trợ giúp mang tên "Keep your brother", một dạng hệ thống tương trợ giữa người trẻ. "Đây sẽ là chương trình với những người trẻ đóng vai trò hòa giải ở các khu vực nóng nhằm giúp cho những người trẻ không rơi vào tay giới tội phạm”.
“Chuyện đó sẽ là một sứ mạng với tôi, không phải chỉ ở phần thời gian còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống mà cả thời gian còn lại của đời tôi", ông Obama từng nói như thế vào năm 2015, khi ông công bố thành lập tổ chức "My Brother's Keeper Alliance", nhằm giúp đỡ thanh thiếu niên Mỹ thuộc nhóm thiểu số.
Ông Obama cũng sẽ cho lập một thư viện theo như truyền thống của Mỹ thiết lập từ thời Herbert Hoover trong những năm 1930 cho phép mỗi Tổng thống mãn nhiệm được lập thư viện sách.
|
Tổng thống Obama trong lần phát biểu với thanh thiếu niên nhóm thiểu số - Ảnh: WH.gov |
Hoạt động cấp toàn cầu
Trong thời gian sau đó, có thể ông Obama sẽ dành thời gian cho các hoạt động vì hòa bình. Khi trả lời phỏng vấn vào tháng 10 vừa qua về giải Nobel Hòa bình từng nhận vào năm 2009, Tổng thống Obama đã nửa đùa nửa thật rằng ông vẫn không hiểu tại sao ban tổ chức lại trao cho ông giải thưởng cao quí đó.
“Ông ấy có thể sẽ tiếp tục thực hiện những lời hứa khi nhận giải tại Oslo bảy năm trước. Và biết đâu ông ấy lại làm việc trong vai trò đại sứ của Liên Hiệp quốc”, nhà báo François Clemenceau nhận định.
Còn nhà báo Vincent Michelot, chuyên gia về lịch sử Mỹ, nhận định với đài BFMTV rằng thậm chí ông Obama có thể được đề cử làm lãnh đạo của một cơ quan nào đó của LHQ xét theo khả năng và uy tín đã có của ông.
Cựu Tổng thống Jimmy Carter từng làm như thế. Sau khi rời Nhà Trắng năm 1981, vị Tổng thống của bên đảng Dân chủ cũng vẫn còn rất nổi trội trên chính trường quốc tế, với vai trò trung gian hòa giải giúp giải quyết nhiều vụ xung đột khó khăn trên thế giới.
|
Ông Obama thời giảng dạy môn luật hiến pháp - Ảnh chụp màn hình. |
Một khả năng khác là làm Hiệu trưởng trường Đại học. "Đây không phải là một vị trí tệ cho một cựu Tổng thống Mỹ", nhà báo Vincent Michelot nhận định. Nhưng khả năng ông Barack Obama trở lại dạy môn luật - như ông từng làm ở ĐH Chicago từ năm 1991 đến 2004 - có vẻ ít khả thi hơn.
Thực tế đã có bà Madeleine Albright, Ngoại trưởng Mỹ giai đoạn 1997 - 2001, từng trở lại giảng đường ĐH Georgetown. Nhưng giữa vị trí Ngoại trưởng và Tổng thống là hai đẳng cấp khác. Thật khó hình dung chuyện cựu Tổng thống lại đi giảng bài", nhà báo Vincent Michelot giải thích.
Dành ưu tiên cho gia đình
Bà Michelle Obama khi đó chắc cũng có những công việc của riêng mình nếu bà không nghĩ đến việc tham gia chính trị và nhắm đến việc quay trở lại Nhà Trắng. Nhà báo Clemenceau nhận định: "Bà ấy sẽ tham gia chiến dịch vận động giới trẻ Mỹ ăn uống lành mạnh hơn".
Trong thời gian làm Đệ nhất phu nhân, bà Michelle không ít lần nêu quan điểm về chuyện này vì nền kinh tế Mỹ thiệt hại gần 100 tỉ USD vì tình trạng béo phì của người dân.
Bà cũng còn nhiều chương trình khác phải tiếp tục như hoạt động hỗ trợ cho các gia đình binh sĩ, hỗ trợ giáo dục cho phụ nữ trẻ ở các khu vực bị thiệt thòi.
Dường như có một điều chắc chắn là ông Obama sẽ “toàn tâm toàn ý” cho gia đình, đóng trở lại vai trò “hậu phương” cho vợ.
|
Ông Obama được đánh giá là Tổng thống được người dân ủng hộ cao - Ảnh: Reuters. |