Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, số nợ thuế có khả năng thu hồi chỉ chiếm 3% tổng số nợ đọng thuế - Ảnh LÊ THANH |
Ngày 24-10, phát biểu tại tổ khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017 trong kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng nhiệm vụ thu ngân sách sẽ rất khó hoàn thành mà lý do là dự toán giao thu từ khối doanh nghiệp quá cao.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng các chỉ số kinh tế hiện đã có những khởi sắc nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn.
"Lâu nay chúng ta chỉ báo cáo số doanh nghiệp đăng ký mới nhưng qua theo dõi vài năm trở lại đây cứ 4 doanh nghiệp gia nhập thị trường thì có 3 ông đóng cửa, phá sản. Đấy là một thực tế," ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, cả nước hiện có hơn 600.000 doanh nghiệp và hộ kinh doanh có nợ đọng thuế, trong đó phần lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã giải thể, phá sản, chuyển khỏi nơi cư trú.
Cụ thể, theo ông Dũng, trong số hơn 600.000 doanh nghiệp và hộ kinh doanh đang nợ thuế, có 160.000 là doanh nghiệp, còn lại là các hộ kinh doanh, nhiều đơn vị nợ thuế hơn 10 năm nay.
Tính đến ngày 30-9, ông Dũng cho biết tổng nợ thuế của cả nước đang là 73.900 tỉ đồng.
Đáng chú ý số nợ do doanh nghiệp giải thể, mất tích, chủ doanh nghiệp đã chết, đang thi hành án hình sự... lên tới 28.221 tỉ đồng.
Số nợ thuế lớn như vậy nhưng số có thể thu hồi được, theo ông Dũng, chỉ chiếm khoảng 3%, tương đương hơn 2.200 tỉ đồng.
"Một trong những giải pháp xử lý nợ thuế, theo Luật quản lý thuế, doanh nghiệp, người nộp thuế phải tuyên bố phá sản. Nhưng trên thực tế, có doanh nghiệp nào đi phá sản, giải thể đâu. Do đó, Bộ Tài chính đang tính toán, phân tích từng đối tượng, từng địa phương để báo cáo Quốc hội xin xóa cho khoản này", ông Dũng nói.
Theo Bộ Tài chính, số nợ đọng thuế đang giảm dần.
Cụ thể cuối năm 2015 nợ thuế của cả nước là 76.450 tỉ đồng, năm 2016 là 74.200 tỉ đồng và đến ngày 30-9 còn 73.900 tỉ đồng.