Khai thác đá… phá rừng phòng hộ
Mới đây, ông Phạm Ngọc Chi - Phó cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc (Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam) vừa ký văn bản gửi Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Ninh Bình yêu cầu xác minh phản ánh về hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Duyên Hà (gọi tắt Công ty Duyên Hà).
Theo đó, cơ quan này đã nhận được thông tin về tình trạng khai thác khoáng sản vào diện tích rừng phòng hộ của Công ty Duyên Hà tại mỏ đá vôi thuộc khu vực phường Tân Bình và xã Yên Sơn (TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 1417/GP-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp. Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc đề nghị Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Ninh Bình phối hợp với các sở, ban ngành liên quan để xác minh, làm rõ thông tin phản ánh.
Kết quả xác minh thông tin đề nghị gửi về Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc trước ngày 9/4 để tổng hợp, báo cáo Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam.
Hàng nghìn m2 rừng phòng hộ bị vùi lấp. (Ảnh: Người lao động). |
Được biết, trước đó, UBND tỉnh Ninh Bình đã giao sở ngành chức năng kiểm tra, làm rõ phản ánh của báo chí về việc Công ty Duyên Hà khai thác mỏ ngoài mốc giới làm ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ tại khu vực phường Tân Bình và xã Yên Sơn, TP Tam Điệp.
Cụ thể, từ năm 2020, báo chí đã phản ánh trong quá trình khai thác vật liệu làm xi măng, Công ty Duyên Hà đã gây sạt lở đất đá xuống phía dưới, vùi lấp 32.000 m2 diện tích rừng phòng hộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Tam Điệp. Sự việc xảy ra từ tháng 10/2018 và tháng 12/2019 (lần 1 ngày 12/10/2018 có diện tích hơn 19.800 m2; lần 2 ngày 25/12/2019 là gần 12.600 m2). Khi sai phạm này chưa bị xử lý thì tỉnh Ninh Bình lại trình Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn xin chuyển 38 ha rừng tự nhiên cho doanh nghiệp này khai thác mỏ.
Những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng của Công ty Duyên Hà đến nay (sau hơn 2 năm) vẫn chưa được các ngành chức năng của tỉnh Ninh Bình xử lý dứt điểm gây bức xúc dư luận.
Công ty Duyên Hà đã khai thác ra ngoài mốc giới. (Ảnh: Lao Động). |
Đi đến đâu… sai phạm đến đó?!
Một vụ việc khác cũng đang nhận được sự quan tâm của dư luận cả nước là vụ biệt thự số 9 lô B, khu 5,2 ha phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội có hàng loạt vi phạm nhưng mãi chưa được xử lý dứt điểm.
Chủ đầu tư của công trình sai phạm này là ông Phạm Văn Duyên và bà Vũ Thị Thu Hà. Đáng chú ý, ông Duyên lại chính là Tổng Giám đốc và là người đại diện pháp luật của Công ty Duyên Hà - doanh nghiệp mà Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc vừa yêu cầu tỉnh Ninh Bình xác minh, báo cáo nêu trên.
Vụ biệt thự khủng sai phép: Hà Nội yêu cầu Chủ tịch quận Cầu Giấy chịu trách nhiệm. |
Liên quan đến vụ biệt thự “khủng” nhiều vi phạm ở Hà Nội mà ông Phạm Văn Duyên làm chủ đầu tư, dù các cơ quan chức năng như: Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân nguyện của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội… đã có nhiều văn bản, yêu cầu xử lý nghiêm nhưng đến nay, các vi phạm tại biệt thự này vẫn chưa dược xử lý dứt điểm.
Đặc biệt, những vi phạm của chủ đầu tư tại công trình biệt thự số 9 lô B, khu 5,2 ha Yên Hòa được xác định là rất phức tạp, vi phạm kéo dài. Chủ đầu tư căn biệt thự này nhiều lần không hợp cơ quan chức năng để xử lý các vi phạm tại biệt thự này, và mặc dù biệt thự này bị đình chỉ từ khi mới xây tầng 1 nhưng đến nay biệt thự này đã hoàn thiện và đã chủ đầu tư đã cho người vào ở.
Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Xây dựng và Sở Nội vụ Hà Nội đã chỉ ra nhiều cá nhân, tổ chức liên quan và phải chịu trách nhiệm liên quan đến các vi phạm tại biệt thự này.
Hiện dư luận đang đặt câu hỏi: Ai đang chống lưng cho ông Phạm Văn Duyên mà ông này ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật như vậy? Đồng thời, mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc xử lý sớm, dứt điểm các vi phạm “có hệ thống” của ông Phạm Văn Duyên từ biệt thự do mình đứng tên ở Hà Nội cho đến Công ty mà ông Duyên là người đại diện pháp luật ở Ninh Bình.