Dự án “ma” hoành hành khắp nơi
Từ năm 2017, báo chí đã từng cảnh báo về việc Công ty Angel Lina tự vẽ lên nhiều dự án trên đất quy hoạch, đất công cộng ở các quận huyện như: Bình Tân, quận 9…
Thời điểm đó, bà Phạm Thị Tuyết Nhung với chức danh giám đốc Công ty Angel Lina đã cho người tìm những lô đất trống rồi liên hệ với người đang sử dụng các lô đất này để đặt vấn đề chuyển nhượng.
Nhóm bà Nhung có thông tin làm bảng vẽ sơ đồ, phân lô sau đó rao bán giá rẻ hơn với các lô đất trong khu vực. Đơn cử công ty này lập ra dự án "ma" có tên khu dân cư Đỗ Xuân Hợp (phường Phước Long B, quận 9), khu dân cư Tây Lân (phường Tân Tạo, quận Bình Tân)…
Chính bà này cũng đại diện công ty ký hợp đồng góp vốn hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất với những người đang sử dụng lô đất rồi lập vi bằng việc mua bán tay. Bà Nhung đưa vi bằng có dấu đỏ của Thừa phát lại cho khách hàng xem để lấy lòng tin.
Công ty của bà này cam kết trong hợp đồng thời hạn giao đất, trong vòng một năm khách hàng sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Nếu không hoàn thành hoặc vi phạm hợp đồng thì sẽ trả toàn bộ tiền lại cho khách và bồi thường 50% số tiền cho khách.
Công an đọc lệnh bắt nữ giám đốc Công ty Angel Lina. |
Ngoài ra, Công ty Angel Lina còn rao bán hàng loạt dự án ở quận Bình Tân, Thủ Đức… Những dự án này đều được cơ quan chức năng khẳng định không có dự án đất nền như quảng cáo, không có pháp lý, có dấu hiệu phân lô trái phép, không bảo đảm về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không có đường giao thông…
Nguy hiểm hơn, các khu đất này đều có quy hoạch là đất trường học, đường giao thông dự phóng, cây xanh, không thể chuyển mục thành đất ở.
Trước tình trạng lừa đảo khắp nơi, chính quyền các quận, huyện ở TP HCM đã liên tục đưa ra cảnh báo. Riêng ở phường Thạnh Xuân (quận 12) đã công bố danh sách hàng loạt điểm phân lô bán nền trái phép. Người dân tự ý san lấp mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật (đường cống thoát nước, điện) và tự phân lô bán nền trái pháp luật. UBND quận Bình Thạnh đã phát đi cảnh báo một số cá nhân, tổ chức ngang nhiên rao bán đất của Học viện Cán bộ TP HCM.
Đề nghị xử lý hình sự các dự án "ma"
Trước đó, tại kỳ họp thứ 15, HĐND TP HCM khóa IX, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt vấn đề nhiều doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh nhưng vẽ dự án ma để lừa khách hàng. Họ vẽ dự án trên cả đất không phù hợp quy hoạch, thậm chí phân lô, bán nền trên các khu đất công.
Đại biểu Tố Trâm nêu một ví dụ điển hình là một khu đất tại phường An Lạc (quận Bình Tân) được quy hoạch làm công viên cây xanh nhưng bị Công ty Angel Lina vẽ lên đó dự án Khu dân cư Triều An để bán.
“Có khách hàng đặt cọc hơn 1 tỉ đồng, gia đình xảy ra chuyện vì bị lừa mua dự án này. Hàng ngàn khách hàng bị lừa mua dự án ma. Đơn thư phản ánh, kêu cứu gửi đi khắp nơi nhưng những đơn vị bán dự án ma vẫn bình chân như vại, không bị xử lý”, đại biểu Trâm nói.
Đại biểu Tố Trâm đề xuất cơ quan điều tra cần phải xem xét khởi tố các đối tượng cố tình bán dự án "ma" nhằm hạn chế được sự bùng phát của dự án "ma", răn đe và phòng ngừa. Ngoài ra, TP HCM nên tiếp tục có biện pháp công khai quy hoạch để người dân nắm rõ, không bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Tôi đề nghị Công an TP phải khởi tố vụ án để điều tra, ít nhất là khởi tố các đối tượng cầm đầu, chủ mưu để xử lý hình sự. Nếu không tình trạng "dự án ma" sẽ còn tiếp diễn, người dân sẽ còn tiếp tục bị lừa!", đại biểu Trâm nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm |
Chủ tịch Hiệp hội Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho rằng, Luật kinh doanh BĐS chỉ điều chỉnh những hành vi kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai kể từ khi ký hợp đồng.
Thế nhưng, Luật không điều chỉnh hành vi trước khi ký. Đây là thiếu sót lớn, vì trước khi ký, những hành vi thỏa thuận, đặt cọc, góp vốn kinh doanh, hợp tác đầu tư không được ký thành hợp đồng mà tồn tại ở dạng văn bản thỏa thuận, được chứng thực thừa phát lại.
Việc góp vốn, đặt cọc, hợp tác đầu tư lại là thỏa thuận của Luật dân sự. Nhưng Luật dân sự lại cho rằng giá trị đặt cọc do hai bên tự thỏa thuận. Vì vậy, nhiều chủ đầu tư, các công ty môi giới lừa người dân đặc cọc vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng một cách vô lý.
Ông Châu cho biết thêm, pháp luật hỗ trợ tư pháp có công nhận thừa phát lại, nhưng lập vi bằng thừa phát lại không phải chứng cớ để làm chủ quyền nhà đất. Nhiều người dân không hiểu nên bị lừa vì cho rằng có vi bằng là có quyền nhà đất.
Ngoài các vấn đề về luật, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM còn chỉ ra thị trường BĐS thiếu minh bạch thông tin quy hoạch, dự án đầu tư, tiến độ, dự án thế chấp, đủ điều kiện huy động vốn và việc chuyển đổi huyện lên quận hay các dự án lớn, dự án phát triển hạ tầng…
UBND TP HCM đã công văn gửi Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, Sở Xây dựng TP, Thanh tra TP và UBND quận, huyện về tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.
Thường trực Thành ủy TP đã yêu cầu Bí thư quận ủy, huyện ủy chỉ đạo Bí thư Đảng ủy phường - xã - thị trấn chỉ đạo rà soát, thống kê, lập danh sách số lượng, vị trí cụ thể các trường hợp xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn từng phường - xã - thị trấn trong năm 2017, 2018.
UBND TP giao Sở Xây dựng TP chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thường trực Thành ủy. Đồng thời, tham mưu đề xuất UBND TP tổ chức hội nghị chuyên đề về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP trong tháng 7.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng TP được yêu cầu phối hợp với Văn phòng Thành ủy xây dựng báo cáo tổng hợp sự chỉ đạo của cấp ủy quận - huyện, phường - xã - thị trấn về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Sở đưa ra dự báo tình hình thời gian tới, kiến nghị các giải pháp về chỉ đạo của các cấp và trách nhiệm của cấp ủy trong việc thực thi giải pháp quản lý về trật tự xây dựng theo đúng pháp luật.