Chiều 20/10, trên mạng xã hội Facebook lan truyền một văn bản ký tên ông Hồ Văn Sinh, đội trưởng đội CSGT công an huyện Đakrông (Quảng Trị), nội dung văn bản là lời đề nghị một doanh nghiệp chuyên khai thác đá xây dựng hỗ trợ cho trưởng công an huyện Đakrông 30 mét khối đá để xây nhà.
Theo đó, văn bản xin vật tư cho trưởng công an huyện xây nhà này được lập ngày 16/11/2015, bên dưới có chữ ký và tên của Thiếu tá Hồ Văn Sinh, đội trưởng đội CSGT công an huyện Đakrông.
Văn bản do ông Hồ Văn Sinh gửi đến doanh nghiệp xin hỗ trợ đá cho trưởng công an huyện làm nhà. Ảnh: Q.N. |
Văn bản ghi rõ: “Hiện nay, đồng chí Hồ Sĩ Nhung, trưởng công an huyện Đakrông đang làm nhà ở, vậy tôi viết tờ trình này kính trình Ban giám đốc Công ty Funix - Max hỗ trợ cho đồng chí Nhung với số lượng là 30 mét khối đá cùng phương tiện vận chuyển, địa điểm tập kết đá tại đường T3-km41-thị trấn KrôngKlang, Đakrông”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Văn Sinh, đội trưởng đội CSGT công an huyện Đakrông xác nhận ông chính là người viết văn bản ấy, và chữ ký dưới văn bản cũng đúng là chữ ký của ông Sinh.
Văn bản này được ông Sinh gửi cho Ban giám đốc công ty CP Funix-Max, đóng tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, Quảng Trị.
Ông Sinh nói việc đi xin đá cho trưởng công an huyện làm nhà là chủ ý của ông và trưởng công an huyện không biết. Ông chủ động đến doanh nghiệp này để xin hỗ trợ đá xây dựng theo giới thiệu của một người bạn thì được phía công ty đề nghị làm bằng văn bản.
“Tôi chỉ xin hỗ trợ tùy lòng hảo tâm chứ không bắt hay ép buộc ai phải cho cả. Phía công ty cho được bao nhiêu thì cho, hoặc không cho cũng chẳng sao”, ông Sinh phân trần.
Ông Hồ Sĩ Nhung, trưởng công an huyện Đakrông khẳng định, ông không hề biết việc cấp dưới đi các doanh nghiệp xin đá xây dựng cho mình xây nhà. Ông Nhung nói ông không cần xin mà hoàn toàn có thể mua được chừng đó đá. “Đó có thể là ý tốt của anh em cấp dưới, nhưng làm bằng cách này thì không nên”, ông Nhung nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, luật sư Hồ Ngọc Diệp - đoàn luật sư TP.HCM cho biết về hình thức thì đây là việc xin hỗ trợ nhưng bản chất là "vòi vĩnh".
"Rõ ràng, nội dung và văn phong thể hiện tại tờ trình này, không đơn thuần chỉ là xin hỗ trợ mà có hơi hướm của sự chỉ thị, mệnh lệnh. Hơn nữa, nếu chỉ là xin hỗ trợ thì tại sao ông Sinh không đứng tên với tư cách cá nhân mà lấy danh nghĩa đội trưởng đội CSGT công an huyện Đăk Rông?
Tôi cho rằng, bất kỳ một cán bộ, viên chức nào lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để xin xỏ hay yêu cầu cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ về tiền bạc, vật chất… đều được xem là có hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, và hành vi này bị pháp luật nghiêm cấm" - luật sư Diệp nói.