Những ngày qua, người dân cả nước đang xôn xao trước clip được một tờ báo đăng tải ghi lại hình ảnh nghi chiến sĩ CSGT Hà Nội "làm luật".
Theo hình ảnh clip dài hơn 7 phút, người vi phạm giao thông rút trong ví ra các tờ giấy có hình thù, màu sắc giống các tờ tiền mệnh giá 100.000 - 200.000 đồng hoặc cầm trên tay đưa trực tiếp và nhét vào tập hồ sơ của CSGT. Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ xuất hiện trong clip cũng có hành vi tiếp nhận các tờ giấy giống tiền nói trên bằng cách để yên cho người vi phạm nhét vào tập hồ sơ hoặc nhận trực tiếp bằng tay và rút các tờ này từ tập hồ sơ mang cất đi…
Vậy việc người dân đưa số tiền trên cho CSGT có phạm tội đưa hối lộ và CSGT nếu nhận số tiền từ 100 đến 300 nghìn đồng có phạm tội nhận hối lộ hay không?
Hình ảnh cắt từ clip. Nguồn:Tiền Phong. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, qua clip nghi CSGT ở Hà Nội nhận tiền của người vi phạm để bỏ qua lỗi vi phạm giao thông thì thấy rằng đây là những hành vi phạm pháp luật.
“Nếu có đủ căn cứ để chứng minh các CSGT trong đoạn clip có hành vi nhận tiền từ 2 triệu đồng trở lên để bỏ qua không xử lý vi phạm thì những Cảnh sát này đã có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ theo điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015”, Luật sư Thơm cho biết.
Theo Luật sư Thơm, đối với người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông đã có hành vi đưa tiền cho CSGT để bỏ qua lỗi vi phạm đã có dấu hiệu tội đưa hối lộ theo Điều 364 BLHS 2015. Nếu có căn cứ xác định người vi phạm đưa hối lộ cho CSGT có trị giá từ 2.000.000 đồng thì sẽ bị xử lý về hình sự. Nếu việc đưa tiền có giá trị dưới 2.000.000 đồng thì sẽ không cấu thành tội đưa hối lộ.
“Tuy nhiên, nếu người vi phạm do bị ép buộc đưa hối lộ với trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”, Luật sư Thơm cho biết.
Luật sư Thơm cho hay, trong trường hợp, nếu người vi phạm không chủ động ra trình diện và khai báo trước khi bị phát giác thì dù đưa hối lộ trị giá dưới 2.000.000 đồng thì vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo điểm c, khoản, Điều 20 Nghị đinh 167/2013 với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng về hành vi “Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính”.
Điều 354. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Điều 364. Tội đưa hối lộ
1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.