Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (45.140 ca), Nga (34.303 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (24.114 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (997 ca), Mexico (313 ca) và Romania (298 ca).
Như vậy, diễn biến COVID-19 tại Nga vẫn nghiêm trọng khi số ca tử vong gần chạm mốc 1.000 ca trong 24 giờ qua và cao nhất thế giới, trong khi số ca mắc mới cao thứ hai thế giới.
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là quốc gia có tổng ca mắc và tử vong cao nhất với trên 45,7 triệu ca mắc và trên 744.000 ca tử vong.
Trong khi thế giới nỗ lực tăng tỷ lệ tiêm chủng ở người lớn và xúc tiến tiêm chủng cho trẻ em, nghiên cứu mới cho thấy một số loại vaccine COVID-19 vẫn có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ sau 8 tháng thay vì 4-6 tháng sau tiêm như các khảo sát trước đây từng đề cập. Đây là kết quả nghiên cứu mới dựa trên phân tích mẫu máu của những người được tiêm vaccine của các hãng Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson của Mỹ.
Các khảo sát trước đây cho rằng vaccine giảm dần tác dụng 4-6 tháng sau tiêm. Tuy nhiên, dựa trên bằng chứng thực tế, các nhà khoa học đã tìm thấy các dấu hiệu tế bào ghi nhận cả 3 loại vaccine trên đều tạo ra sự bảo vệ lâu dài và hiệu quả khỏi bệnh nặng.
Tiêm vaccine COVID-19 của Moderna cho người dân tại Banda Aceh, Indonesia ngày 7/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu virus và vaccine tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess, Tiến sĩ Dan Barouch, đến tháng thứ 8, có thể so sánh các phản ứng kháng thể của 3 loại vaccine. Các nhà chuyên môn thường dựa vào kháng thể để đánh giá vaccine hoạt động hiệu quả ra sao nhưng kháng thể chỉ là một phần của phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Đây là nghiên cứu đầu tiên so sánh trực tiếp không chỉ các kháng thể mà còn cả các tế bào T được tạo ra từ 3 loại vaccine. Tế bào T cũng là một phần quan trọng của hệ miễn dịch và có thể bảo vệ cơ thể lâu dài ngay cả khi các kháng thể mất dần. Tiến sĩ Todd Ellerin, Giám đốc bộ phận bệnh truyền nhiễm tại South Shore Health, cho biết các kháng thể thường liên quan đến việc ngăn ngừa nhiễm trùng và các tế bào T tác động đến việc tiêu diệt virus, vì vậy ngăn ngừa bệnh nặng.
Do đó, các phản ứng của tế bào T có thể góp phần chống lại bệnh tật nghiêm trọng. Với cả 3 loại vaccine của Pfizer phối hợp với hãng BioNTech (Đức), Moderna và Johnson & Johnson, các phản ứng của tế bào T tương đối ổn định đối trong 8 tháng, giúp các vaccine này có khả năng ngăn ngừa bệnh nặng tốt. Như vậy, kết quả nghiên cứu giải thích lý do vaccine chống lại bệnh nặng hiệu quả, ngay cả khi khả năng bảo vệ khỏi nhiễm bệnh thay đổi theo thời gian.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy sự khác biệt trong cách vaccine tạo ra kháng thể. Theo đó, vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna tạo ra lượng kháng thể tăng đột biến sau đó giảm đi nhanh chóng trong khi kháng thể có được từ Johnson & Johnson bắt đầu ở mức thấp hơn nhưng vẫn ổn định hơn theo thời gian. Vaccine của hai hãng trên dựa trên công nghệ mRNA trong khi Johnson & Johnson sử dụng công nghệ vector virus. Hai công nghệ này thúc đẩy các loại phản ứng miễn dịch khác nhau.
Nga ghi nhận gần 1.000 ca tử vong do COVID-19 trong một ngày
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN |
Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp tại Nga trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở quốc gia châu Âu này vẫn ở mức thấp tương đương 31% dân số.
Trong 24 giờ qua, số ca tử vong ở Nga là 997, gần chạm mốc 1.000 ca, còn số ca mắc mới cao kỷ lục: 34.303. Con số 997 chỉ kém kỷ lục ngày trước đó 5 ca.
Hiện Nga cũng là quốc gia châu Âu có số người không qua khỏi do COVID-19 cao nhất "lục địa già" với 223.312 ca.
Số ca mắc COVID-19 tại Nga liên tục gia tăng trong thời gian gần đây ngoài nguyên nhân người dân không chịu đi tiêm chủng, còn do nước này không áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để khống chế sự lây lan của dịch COVID-19 mặc dù nhiều địa phương đã tái áp đặt quy định buộc người dân quét mã QR để được tiếp cận các khu vực công cộng. Điện Kremlin cho rằng hệ thống y tế Nga cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó tiếp nhận số bệnh nhân COVID-19 tăng cao.
Mặc dù Nga đã sớm triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong nhiều tháng qua, song giới chức nước này vẫn đang vật lộn trong việc làm sao để khuyến khích người dân đi tiêm chủng. Tính đến ngày 16/10, mới chỉ có 31% dân số Nga đã hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, theo kết quả một cuộc khảo sát độc lập, có hơn 50% dân số Nga cho biết không có ý định tiêm chủng. Đây sẽ là một thách thức đối với nỗ lực chống dịch COVID-19 đối với Chính phủ Nga, khi nước này chủ trương tránh tái áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch như trước đây.
Thành phố Frankfurt của Đức có thể cấm những người chưa tiêm chủng vào siêu thị
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hệ thống siêu thị ở Frankfurt thuộc bang Hesse và các khu vực xung lân cận đang xem xét thực hiện quy định 2G, tức là chỉ cho phép những người đã tiêm vaccine hoặc có chứng nhận đã từng mắc COVID-19 được đến siêu thị và những địa điểm đông người khác.
Quy tắc 2G hiện đã được áp dụng tại các địa điểm công cộng như nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ và rạp chiếu phim. Chính quyền bang Hesse cho biết họ đã quyết định mở rộng phạm vi hơn nữa việc áp dụng quy định trên đối với hệ thống siêu thị và cửa hàng. Nhờ đó, các cửa hàng, siêu thị bang Hesse có thể bỏ quy định đeo khẩu trang và giãn cách trong khuôn viên của mình.
Quyết định trên được đưa ra sau khi một tòa án ở Frankfurt ra phán quyết có lợi cho một cửa hàng bán dụng cụ nướng thịt. Cửa hàng này trước đó đã đệ đơn kiện pháp lý về việc họ không thể thực hiện các quy tắc 2G tại cơ sở kinh doanh của mình. Trong phán quyết hồi đầu tháng 10 này, tòa án thừa nhận rằng vẫn còn hạn chế đáng kể về mặt pháp lý khi loại trừ các cửa hàng và cơ sở kinh doanh tương tự khỏi quy tắc 2G.
Quy định 2G từ lâu vẫn gây tranh cãi, với nhiều người cho rằng quy định này loại trừ cả những người không thể tiêm chủng và càng gây chia rẽ trong xã hội về phản ứng của đại dịch. Nhiều dịch vụ chăm sóc khách hàng và giải trí đã gặp nhiều vấn đề khi áp dụng quy tắc 3G, tức là cho phép cả những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được tham gia dịch vụ.
Trong suốt thời gian đại dịch COVID-19 diễn ra, giới chức Đức đã không bắt buộc các siêu thị và nhiều cửa hàng tạp hóa khác áp dụng các biện pháp hạn chế, như phong tỏa hay hạn chế ra vào các cơ sở này, để đảm bảo rằng mọi người được sử dụng các mặt hàng thiết yếu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng triệu người trưởng thành vẫn chưa tiêm vaccine khi mùa Đông sắp đến, là thời điểm dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại, các nhà chức trách buộc phải tìm cách gia tăng áp lực bằng cách áp dụng quy định 2G mở rộng thêm tại một số lĩnh vực nhằm khuyến khích người dân đi tiêm nhiều hơn.
Cho đến nay, đã có 8 bang cho phép các doanh nghiệp và nhà tổ chức sự kiện áp dụng quy định 2G, chứ không phải 3G. Điều này đồng nghĩa với việc những người chưa tiêm chủng có xét nghiệm âm tính với virus không được phép đến những địa điểm này.
Trên toàn quốc, kể từ ngày 11/10, Đức đã bắt đầu tính phí đối với việc xét nghiệm để được phép vào các địa điểm công cộng. Chính phủ cho rằng quyết định này được thực hiện nhằm giảm gánh nặng thuế của các biện pháp chống dịch.
Nhiều người Thái Lan phản đối mở cửa lại biên giới
Khách du lịch thăm quan một ngôi chùa ở Chiang Mai, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN |
Khảo sát dư luận gần đây của Đại học Suan Dusit Rajabhat cho thấy nhiều người Thái Lan phản đối mở cửa lại biên giới vì họ sợ du khách sẽ mang theo virus vào nước mình và do chưa nhiều người dân được tiêm vaccine COVID-19.
Theo tờ The Nation, trong số 1.392 người được hỏi ý kiến về kế hoạch mở cửa lại đất nước cho du khách nước ngoài đã tiêm đầy đủ vaccine từ ngày 1/11 tới, phần lớn người trả lời (59,86%) cho biết họ phản đối kế hoạch, còn 60,1% cho biết giờ chưa phải lúc mở cửa lại biên giới.
Theo những người được khảo sát, Thái Lan nên mở cửa với du khách nước ngoài nếu trên 70% dân số Thái Lan đã được tiêm chủng, đợt bùng phát hiện nay được kiểm soát và các cơ sở y tế công cộng sẵn sàng đối phó với các biến thể mới.
Mặc dù thủ đô Bangkok đã tiêm đầy đủ cho hơn 65% người dân, nhưng trên toàn quốc, mới có 35% dân số Thái Lan được tiêm vaccine đầy đủ.
Khảo sát cũng cho thấy đa số chủ doanh nghiệp và nhân viên muốn Thái Lan mở cửa trở lại, mặc dù nhóm nhân viên cũng lo ngại về các ca mắc mới.
Trong khi đó, mở cửa biên giới từ ngày 1/11 sẽ giúp ngành du lịch Thái Lan và nước này có thể hy vọng tăng trưởng kinh tế dương năm 2022 nếu diễn biến COVID-19 được kiểm soát tốt.
Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn ngày 16/10 cho rằng số lượt khách nước ngoài tới Thái Lan sẽ tăng 64%, đặc biệt là vì ngày 1/11 là thời điểm bắt đầu mùa cao điểm du lịch ở nước này.
Trung tâm này dự báo năm 2021 sẽ có 180.000 du khách nước ngoài tới Thái Lan, tăng hơn dự báo 30.000 trước đó, tạo ra doanh thu ít nhất 545 triệu USD.
Nhân tố chính thu hút du khách tới Thái Lan là các tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm thấp, thị thực đặc biệt cho du khách và mô hình “hộp cát”. Mô hình này tại đảo Phuket được thực hiện từ tháng 7 đã hấp dẫn du khách từ Mỹ, Anh, Đức và Trung Đông.
Tình hình dịch COVID-19 tại Lào có chiều hướng giảm
Phong tỏa một tuyến đường để phòng chống dịch COVID-19 ở thủ đô Viêng Chăn, Lào, ngày 20/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngày 17/10, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 296 ca mắc mới và 2 ca tử vong vì dịch COVID-19. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào hiện là 32.029 ca, trong đó có 40 ca tử vong.
Trong số các ca mắc mới có tới 283 ca cộng đồng tại 10 tỉnh, thành; còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Thủ đô Viêng Chăn quay lại đứng đầu cả nước về số ca lây nhiễm cộng đồng khi ghi nhận 105 trường hợp trong một ngày. Như vậy, số ca mắc COVID-19 mới tại Lào có chiều hướng giảm so với những ngày trước đó. Đáng chú ý, hai trường hợp tử vong mới tại nước này đều có bệnh lý nền và chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Bộ Y tế Lào cho biết, tuy số ca mắc mới tại Lào có giảm nhưng vẫn ở mức cao nên hiện nước này đang cố gắng đảm bảo cung cấp đầy đủ dịch vụ chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, đồng thời vận động các địa phương tổ chức đội y tế khẩn cấp để ứng phó với diễn biến dịch bệnh. Ngoài ra, trước sự gia tăng ca nhiễm mới, nhiều tỉnh của Lào như Luang Prabang, Khammuan... đã ra lệnh kéo dài thời gian phong tỏa để ngăn chặn nguy cơ bùng phát trên diện rộng.
Bộ cũng thông báo hiện tỷ lệ tiêm chủng ở các địa phương không đồng nhất khi độ phủ vaccine mới đang tập trung nhiều ở các đô thị lớn như Viêng Chăn, tỉnh Sanvannakhet, Bokeo. Vì vậy, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương khẩn trương lập kế hoạch phân bổ và tập trung tiêm vaccine cho các nhóm đối tượng một cách hệ thống và bình đẳng, đồng thời tuyên tuyền và kêu gọi nhóm người có nguy cơ cao đi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Bộ Y tế Lào cũng nhấn mạnh việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 không giúp người được tiêm miễn dịch 100% mà chỉ tăng kháng thể và giảm những biến chứng nặng. Vì vậy, người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch đã được chính phủ khuyến cáo.
Philippines nối dài đà giảm số ca mắc mới dưới 8.000 ca
Nhân viên y tế đưa bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện dã chiến tại Manila, Philippines, ngày 1/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN. |
Tại Philippines, 6.913 ca mắc mới COVID-19 đã được ghi nhận trong ngày 17/10, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 2.720.368 ca, trong đó 40.675 ca tử vong - tăng 95 ca trong 24 giờ qua.
Số ca mắc mới tại Philippines đã giảm dưới 8.000 ca/ngày kể từ hôm 13/10 vừa qua, song Bộ Y tế nước này vẫn khuyến cáo người dân không lơ là và tuân thủ các quy định phòng dịch để ngăn chặn một làn sóng lây nhiễm mới. Trước đó, Philippines ghi nhận số ca mắc mới theo ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay vào ngày 11/9 với 26.303 ca.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 1/2020, Philippines đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho hơn 20,5 triệu người trong tổng dân số khoảng 110 triệu người.