Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường và khó có thể dự đoán chính xác thời gian kết thúc. Đời sống của người dân bị đảo lộn khi dịch bệnh đang ảnh hưởng, tác động toàn diện tới kinh tế, xã hội.
Dù biết rằng, để đối phó với Covid-19, chúng ta không hoang mang nhưng sự lo lắng là khó tránh khỏi khi mỗi ngày lại có thêm nhiều ca nhiễm mới. Nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh vẫn còn đang hiện hữu khi thực tế đã xuất hiện trường hợp lây chéo.
Việt Nam đã chính thức bước vào “thời chiến” chống Covid-19. Với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh”, chúng ta “đã chuẩn bị sẵn sàng kể cả tình huống xấu nhất”. Tất nhiên, bước vào “thời chiến”, cuộc sống người dân cũng phải thay đổi để “sống chung với lũ”.
Sự đổi thay trong đời sống thường ngày đã được minh chứng khi học sinh thay vì đến trường phải nghỉ học để giảm nguy cơ lây nhiễm. Cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng quán, di tích văn hóa phải đóng cửa tạm dừng hoạt động để phòng chống Covid-19. Nhiều người thay vì đến công sở làm việc đã làm việc tại nhà. Đường phố không còn tấp nập cảnh người xe, cuộc sống dường như chậm lại nhưng đó là sự cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh.
Bữa cơm gia đình trong thời điểm khu Trúc Bạch bị cách ly. Ảnh: Hà Nội Mới. |
Trong bức tranh cuộc sống thời dịch bệnh dù gam màu có nhạt nhòa nhưng mỗi người dân phải làm quen với hoàn cảnh mới. Sống chậm hơn không có nghĩa là sống vô ích mà là cơ hội để chúng ta tìm điểm sáng của bản thân trong trách nhiệm với cộng đồng.
Đồng thời đó cũng là khoảng thời gian giúp những người trẻ trưởng thành hơn trong việc nâng cao ý thức cá nhân, trách nhiệm với xã hội lớn hơn. Với mỗi người dân, đây cũng là thời điểm nghĩ đến và dành như quan tâm cho người thân nhiều hơn mà bình thường guồng quay của công việc dường như ta sao nhãng.
Mới đây, Đặng Ngọc Ánh – một công dân ở nước ngoài về Việt Nam hiện đang cách ly tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp (Hà Nội) trên trang cá nhân của mình đã gửi lời xin lỗi Tổ quốc, xin lỗi mọi người. Lý do Ánh xin lỗi là vì đã chọn cách quay về Việt Nam giữa tâm dịch đang có những biến đổi khó lường. Bản thân Ánh nhìn nhận mình đang là gánh nặng cho Tổ quốc và tỏ ra thất vọng khi chứng kiến cảnh một số người từ nước ngoài về “gây rối loạn”.
Theo lời của Ánh, trong khu cách ly ở Hoàng Mai, mọi thứ thực sự rất tốt và bản thân thấy biết ơn vì điều này. Tại khu cách ly, Ánh cùng nhóm bạn đã cố gắng thực hiện 100% các yêu cầu, tôn trọng lễ phép với những người làm công tác phục vụ cách ly. Đồng thời, dọn vệ sinh phòng sạch sẽ và lan tỏa ý thức đó đối với những người ở các phòng bên.
Đặng Ngọc Ánh viết trên mạng xã hội cho thấy cô gái đã thực sự trưởng thành và nhận thấy trách nhiệm với xã hội của bản thân mình. |
Cô gái cho hay đã cùng nhóm bạn chọn cách làm mọi việc thật tốt và kêu gọi những người khác đang cách ly làm theo để cán bộ không phải nhắc nhở nhiều ví như chuyện vứt rác thải sinh hoạt, tắt điện hành lang, giảm bớt căng thẳng cho những người làm nhiệm vụ tại đây.
Ngoài ra, cô gái cũng cho biết, để giúp những người phục vụ có giấc ngủ ngon sẵn sàng nhận phòng mình làm phòng tiếp tế cho mọi người. Khi các phòng khác thiếu nhu cầu thiết yếu sẽ tìm đến phòng của Ánh và có cái gì sẽ đưa cho thứ đó. Để các tình nguyện viên không phải leo xuống cầu thang nhiều lần, Ánh và nhóm bạn sẵn sàng nhường suất ăn của phòng mình cho những người thiếu.
Đáng chú ý, không muốn là gánh nặng cho đất nước khi cách ly Ánh và nhóm bạn đã ngỏ ý muốn tự trả tiền ăn ở và đã chuyển một số tiền vào tài khoản nhà nước để ủng hộ. Cô gái bày tỏ mong muốn chính thế hệ trẻ khi đã lựa chọn cho mình một phương án tốt thì hãy cố gắng biến cái phương án tốt cho bản thân ấy thành tốt cho tất cả mọi người.
Cũng liên quan đến khu cách ly, mới đây, cuốn nhật ký bằng tranh “14 ngày trong khu cách ly” vẽ lại toàn bộ công việc, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế và người dân cho thấy sự trưởng thành của người trẻ trong khu cách ly.
Phạm Thị Hảo (19 tuổi, quê Tuyên Quang, sinh viên năm nhất Trường Đại học Chungang Hàn Quốc) tác giả của cuốn nhật ký đã thể hiện tình cảm, suy nghĩ của mình qua những lời nhắn nhủ chân tình. Trong cuốn nhật ký, nữ du học sinh cho biết, 14 ngày cách ly là cả một sự biết ơn rất lớn và cho rằng, mình đã có lỗi lầm gây ra cho mọi người thêm vất vả. Đồng thời bày tỏ niềm tin những người hy sinh, cống hiến cho xã hội luôn có một cuộc đời đầy ý nghĩa và vô cùng đáng sống.
Đó chỉ là hai câu chuyện trong số hàng nghìn câu chuyện được viết lên mỗi ngày nhưng cho thấy một thực tế, trong thời gian cách ly nhiều người trẻ đã trưởng thành hơn trong suy nghĩ, cách nhìn nhận trách nhiệm của bản thân để cùng chung tay góp sức trong “cuộc chiến chống Covid-19” bằng những việc nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa.
Những ngày này, việc hạn chế di chuyển, thời gian ở nhà nhiều hơn đã giúp nhiều người sống chậm và làm được nhiều điều hơn cho gia đình. Một người mẹ trong thời gian ở khu cách ly Trúc Bạch (Hà Nội) đã nói rằng, bản thân có dịp được nấu 3 bữa cơm cho con, được nấu những món con thích là một niềm vui lớn.
Cuộc sống ồn ã khiến con người bị cuốn vào vòng xoáy của công việc. Sự bận rộn khiến bữa cơm hàng ngày của gia đình ít khi đầy đủ các thành viên.
Ngày chưa có dịch bệnh, gia đình chị Mai Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) ai nấy đều tất bật hối hả rời khỏi nhà vào mỗi buổi sáng và tối mịt mới về đến nhà trong sự mệt mỏi. Bữa cơm nấu vội và ít khi đầy đủ các thành viên trong gia đình.
Từ ngày dịch bệnh bùng phát, nhiều thành viên trong gia đình làm việc tại nhà thay vì đến cơ quan, các cháu của chị Hoa cũng được nghỉ học ở nhà phòng dich. Dù biết rằng, ở nhà không có nghĩa là không làm việc nhưng vẫn có thêm thời gian để nấu ăn cho gia đình.
Bữa cơm tươm tất trưa, chiều lại đầm ấm hơn vì có đông đủ các thành viên trong gia đình. Dù ngột ngạt xen phần lo lắng nguy cơ dịch bệnh tuy nhiên mỗi thành viên trong gia đình chị Hòa đều nhận thấy giá trị cốt lõi của mái ấm gia đình. Sống chậm giúp ta nhận ra nhiều giá trị, ý nghĩa trong cuộc sống.
Đồng thời, sống chậm cũng giúp chúng ta cảm thấy quý, trân trọng cuộc sống và quan tâm tới người thân, những người sống xung quanh mình.
Ngày thường nhật, khi cuộc sống còn hối hả trong bộn bề lo toan công việc, anh Trần Minh Thành (quận Thanh Xuân, Hà Nội) ít có thời gian gọi điện về cho bố mẹ ở quê. Tuy nhiên, từ ngày xuất hiện ca nhiễm đầu tiên đến thời điểm này, ngày ngày anh đều gọi điện nhắc nhở bố mẹ không ra đường vì dịch Covid-19 mang lại nguy cơ với người cao tuổi.
Ngược lại, ngày ngày bố mẹ anh cũng gọi điện lên dặn dò con cái nếu buộc phải ra đường thì nhớ đeo khẩu trang, thường xuyên sử dụng nước sát khuẩn tẩy trùng để tránh dịch bệnh lây nhiễm. Mỗi lần nghe điện thoại, anh lại cảm thấy tâm trạng thoải mái hơn và tự nâng cao ý thức cá nhân để bảo vệ bản thân, gia đình mình.
Những ví dụ trên cho thấy, dù cuộc sống có khó chịu hơn khi phải thay đổi để thích nghi với thời điểm cả nước đang chống Covid-19 nhưng cũng là khoảng thời gian quý báu giúp con người nhận ra nhiều giá trị sống. Được sống chậm, sống ý nghĩa hơn sẽ giúp chúng ra thấy hạnh phúc hơn và có thêm động lực, thêm trách nhiệm để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” đầy cam go, thách thức này.
>>> Mời độc giả xem thêm video 3 bệnh nhân mắc Covid-19 trong tình trạng nặng:
Nguồn: VTC Now.