Trả lời Zing, đại diện Công Vinh xác nhận cựu cầu thủ này chính là người trong video quảng cáo cho ứng dụng xem bóng đá trực tuyến BK* Live.
"Họ cam kết chỉ là ứng dụng xem TV online và có tên miền hoàn toàn khác, không liên quan đến cá cược. Tuy nhiên, chúng tôi nhận được tin các trang web cá cược đang dùng hình ảnh Công Vinh trái phép. Phía Công Vinh đã liên hệ xử lý từ tuần trước nhưng không nhận được phản hồi. Chúng tôi đang thu thập chứng cứ và nhờ luật sư làm việc", đại diện Công Vinh cho biết.
Công Vinh nhảy múa, thả tim trong "màu áo" của trang cá cược BK*. |
App không có chức năng xem bóng đá, chỉ cá cược
Phần trả lời của đại diện Công Vinh chưa thật sự thuyết phục bởi chỉ mất 5 giây tìm kiếm tên "BK*" trên Google, kết quả trả về đầu tiên cho thấy cái tên này gắn với một nhà cái cá cược hoạt động xuyên quốc gia từ năm 2015.
Trong các video quảng cáo, Công Vinh khẳng định nhiều lần "BK* Live TV là lựa chọn của mình". Trong một số cảnh quay, nam cầu thủ còn ký vào hợp đồng "đại sứ thương hiệu", nhảy múa, mặc áo in logo BK*.
Thông tin Công Vinh gắn với BK* được sử dụng triệt để nhằm thu hút người chơi. Khi truy cập vào liên kết gắn bên dưới video quảng cáo của Công Vinh, người dùng sẽ được dẫn đến liên kết tải ứng dụng trên cả hai nền tảng iOS hoặc Android với hơn 20.000 lượt tải xuống.
Sau khi tải và truy cập ứng dụng, người dùng sẽ được yêu cầu nhập số điện thoại để mở tài khoản. Dù được giới thiệu là ứng dụng xem TV trực tuyến nhưng BK* có giao diện đơn giản. App thể hiện lịch thi đấu một số trận bóng đá. Tuy vậy, khi truy cập, người dùng không thể xem bất cứ chương trình nào.
Thay vào đó, khi nhấp vào banner của ứng dụng, người dùng sẽ được dẫn đến một sàn cá cược với nhiều trò từ bầu cua, tài xỉu đến cá độ đá bóng.
Hình ảnh Công Vinh ký hợp đồng "đại sứ thương hiệu" với nền tảng cá cược. |
Chỉ sau 5 phút đăng ký tài khoản, người dùng sẽ nhận được điện thoại tư vấn từ BK* với đầu số quốc tế. Trong phần tư vấn, nhân viên tổng đài BK* khẳng định tính năng chính của ứng dụng là cá cược bằng tiền thật chứ không phải xem chương trình TV online.
Bên cạnh đó, trang web BK* được đăng ký tên miền từ năm 2020. Vì vậy, việc Công Vinh "không biết" đây là ứng dụng cá cược mà vẫn quảng cáo cho thấy khâu kiểm tra trước khi nhận hợp đồng của nam cầu thủ chưa kỹ lưỡng. Bởi chỉ cần tìm kiếm, sử dụng thử nền tảng, Công Vinh sẽ thấy đây không phải ứng dụng xem TV trực tuyến. Về mặt pháp lý, ứng dụng BK* Live cũng không được cấp phép hoạt động truyền hình OTT tại Việt Nam. Ứng dụng này còn tuyên bố chấp nhận tiền USDT từ người chơi, không phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Công Vinh xuất hiện trên banner trang cá cược BK*. |
Hình ảnh của Công Vinh được sử dụng triệt để từ ảnh bìa trang web, video quảng cáo, bên trong ứng dụng. Nhiều tài khoản đại lý trang cá cược này còn khẳng định đây là ứng dụng "của Công Vinh".
"Nhấp liên kết và tham gia ngay nền tảng cá cược uy tín của Công Vinh", nội dung tin nhắn mà tài khoản có tên Truyền Thông **** gửi đến người dùng.
Ngoài ra, đoạn video quảng cáo được đăng tải từ ngày 6/5. Trong suốt gần 1 tháng, Công Vinh hoàn toàn không có phát ngôn gì về việc hình ảnh bản thân xuất hiện cùng ứng dụng cá cược.
Đây không phải lần đầu tiên một cầu thủ nhận quảng cáo cho các "trò may rủi". Năm 2019, hậu vệ Vũ Văn Thanh cũng xuất hiện trong các quảng cáo của một sàn cá cược tiền số nhị phân. Tuy nhiên, từ đó đến này, Vũ Văn Thanh không đưa ra bất cứ phát ngôn hay lời xin lỗi nào.
Quảng cáo web cá cược có thể bị truy cứu hình sự
Theo luật sư Nguyễn Đức Toàn - Đoàn Luật sư TP.HCM, hành vi quảng cáo cho trang cá cược trái phép bị cấm tại Việt Nam. Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo với mức phạt tiền từ 1-90 triệu đồng.
Thứ hai, việc thực hiện các hành vi vi phạm nêu trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự, cụ thể tại Điều 197 Bộ luật hình sự 2015.
Nhiều lần Công Vinh khẳng định BK* là lựa chọn của bản thân. |
Trong khi đó, việc quảng cáo cho ứng dụng xem bóng đá miễn phí trực tuyến nhưng thực chất dịch vụ được quảng cáo là mô hình đánh bạc trái phép, trường hợp này có thể xem là hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp dịch vụ của tổ chức, cá nhân.
"Theo quy định tại Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 1/6, người có hành vi quảng cáo sẽ bị xử phạt hành chính từ 60-80 triệu đồng cùng với biện pháp bổ sung bao gồm buộc tháo gỡ, xoá quảng cáo và buộc cải chính thông tin", luật sư Toàn cho biết.
Nghiêm trọng hơn, trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối về dịch vụ, người vi phạm còn có thể đối mặt với án phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và phạt tiền đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cuối tháng 5, trước thông tin nhiều nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, không đúng công dụng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh tình trạng trên.
Cụ thể, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các sản phẩm tương tự trên các phương tiện đảm bảo nội dung phải trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.
Các đơn vị liên quan cần kiểm tra điều kiện quảng cáo được quy định tại Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với hồ sơ quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm tương tự trước khi thực hiện quảng cáo.