Trước đó, ngày 21/2/2019, Cục Thuế tỉnh Bình Dương đã gửi Thông báo số 8260/TB-CT ngày 21/2/2019 yêu cầu Công ty Cổ phần Tân Tân (Công ty Tân Tân có trụ sở tại KP Nội Hoá 1, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) phải nộp số tiền nợ thuế hơn 49,4 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chưa nộp ngân sách Nhà nước tính đến ngày 31/12/2018 gần 22,3 tỷ đồng, tiền chậm nộp đến ngày 30/11/2018 là hơn 26 tỉ đồng và số tiền chậm nộp từ ngày 1 - 31/12/2018 là hơn 207 triệu đồng.
Không những nợ gần 50 tỷ đồng tiền thuế suốt thời gian dài, Công ty Tân Tân còn nợ hàng chục tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền bảo hiểm xã hội.
Công ty cổ phần Tân Tân nợ thuế gần 50 tỷ đòng. Ảnh: Tranhtra |
Công ty cổ phần Tân Tân từng được biết đến với các sản phẩm đậu phộng làm mưa làm gió trên thị trường vào những năm 90. Không ngủ say trên men chiến thắng, ông “trùm” đậu phộng Tân Tân thừa thế xông lên. Tuy nhiên, thay vì đầu tư vào mẫu mã, chất lượng sản phẩm cũng như bám chặt vào các thị trường trọng điểm, Tân Tân lại bẻ ghi con tàu Tân Tân đang chở đầy các hạt đậu phộng được khách hàng chào đón sang hướng khác, đó là lĩnh vực bất động sản. Từ Bình Thuận, Bình Dương, rồi TP HCM...bất cứ chỗ nào nghe có vẻ hoành tráng ông “trùm” Tân Tân đều muốn có cho bằng được.
Ban đầu là tiền tích lũy, sau là tiền công ty, sau nữa là thế chấp vay mượn cầm cố ngân hàng, vay mượn cá nhân...miệt mài với lĩnh vực tay ngang dẫn tới hậu quả tàn khốc với một doanh nghiệp đang ăn nên làm ra. Khiến chỉ trong vòng chưa đến 5 năm, Tân Tân đã rơi vào tình trạng "ăn đong" đơn hàng.
Những dự án “trong mơ” như Khu du lịch cao cấp Đông Dương I tại Bình Thuận, Khu liên hợp căn hộ cho thuê và văn phòng cho thuê cao cấp tại khu đất đường Lương Minh Nguyệt; Dự án xây dựng khu dân cư Tân Tân cho cán bộ, công nhân viên trong công ty không bao giờ trở thành hiện thực. Những dự án đó chết yểu, cộng với kinh doanh đậu phộng sa sút, có lúc phải ngừng hoạt động, kéo theo món nợ hơn 340 tỷ đồng nợ cá nhân, doanh nghiệp và cả nợ Nhà nước.
Tất cả các tài sản nhà xưởng máy móc trang thiết bị để sản xuất, thậm chí kho chứa hàng cũng đều đã bị mang đi thế chấp cầm cố và tất cả các món thế chấp này đều là những món nợ xấu không còn khả năng trả nợ. Một số ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, MB Bank đang đau đầu vì món nợ lớn khó đòi từ công ty Tân Tân.
Nhiều năm qua, ngành thuế tỉnh Bình Dương đã tiến hành cưỡng chế hóa đơn của Công ty Tân Tân. Cụ thể, ngành thuế đã thông báo hóa đơn của công ty không có giá trị sử dụng. Cùng với đó, ngành Thuế cùng các cơ quan chức năng cũng liên tục gửi các quyết định xử phạt đến công ty nhưng Tân Tân vẫn không phản hồi.