Công ty chứng khoán MB vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường với nội dung chính là công bố sáp nhập với Công ty chứng khoán VIT. Đây là vụ sáp nhập công ty chứng khoán đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam, được cho là phù hợp với đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán.
Theo nội dung đại hội, công ty chứng khoán mới vẫn giữ tên là MBS, có vốn điều lệ khởi đầu là 621 tỷ đồng, tổng tài sản 2.532,7 tỷ đồng. Số cổ phiếu dự kiến lưu hành là 62.124.280 cổ phiếu. Ngành nghề, phạm vi hoạt động của công ty hợp nhất vẫn giữ nguyên theo giấy phép thành lập và hoạt động của MBS.
Việc hợp nhất nhằm mục đích giúp 2 công ty tận dụng lợi thế của nhau để tạo nên một định chế tài chính quy mô lớn hơn, theo đúng chủ trương tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo hướng giảm về số lượng mà tăng về chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động. Đồng thời việc hợp nhất này giúp MBS chuyển trạng thái từ vốn điều lệ lớn, lỗ lũy kế lớn sang vốn điều lệ nhỏ hơn và không còn lỗ lũy kế. Từ đó công ty có thể tích lũy lợi nhuận và tiến đến việc niêm yết trên thị trường chứng khoán trong tương lai gần.
Việc các công ty chứng khoán sáp nhập đem lại nhiều cái lợi cho công ty hợp nhất. Ảnh minh họa: Internet. |
Ông Nguyễn Thanh Kỳ phân tích: Nếu để các công ty hoạt động độc lập, đặc biệt là các công ty có năng lực yếu kém phải một mình vật lộn với những khó khăn thì rủi ro về tài chính là điều khó tránh khỏi. Nếu kết hợp các công ty lại với nhau, cái lợi trước mắt sẽ rất lớn. Sức mạnh của công ty hợp nhất sẽ tăng lên rất nhiều lần. Bởi lẽ, công ty hợp nhất sẽ là phép cộng về năng lực tài chính, nguồn khách hàng cũng vì thế mà tăng lên gấp bội và đương nhiên sẽ giảm bớt những rủi ro trong hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, việc thống nhất sáp nhập chưa phải là đã cho ra một công ty hợp nhất hoàn chỉnh. Những việc làm sau này là phải thống nhất về giá cổ phiếu giữa MB và VIT để tránh tình trạng đấu đá trong quá trình phát triển của công ty hợp nhất. Yếu tố quan trọng nhất quyết định sự tồn tại và đi lên của một công ty chứng khoán là ban lãnh đạo phải thật sáng suốt, nhanh nhẹn, bộ máy hoạt động phải chuyên nghiệp, đẳng cấp hơn.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ cũng cho rằng, không chỉ những công ty yếu kém cần sáp nhập mà ngay cả những công ty có tình hình tài chính ổn định cũng có xu hướng muốn kết hợp lại với nhau để tăng sức mạnh về vốn và danh tiếng trên thị trường chứng khoán. Theo ông Kỳ, trong chủ trương tái cấu trúc thị trường chứng khoán thì sẽ còn nhiều vụ sáp nhập nữa diễn ra trong thời gian tới. Đây cũng là giải pháp an toàn để những công ty chứng khoán đang có số lỗ lũy lớn có thể giảm bớt hoặc xóa sổ số lỗ đó.
Xu hướng thâu tóm hay sáp nhập các công ty trên thị trường chứng khoán Việt đã diễn ra âm ỉ từ lâu. Trong các thương vụ thâu tóm, chủ yếu các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, các ngân hàng thâu tóm công ty chứng khoán để mở rộng lĩnh vực hay đặt chân vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, những công ty chứng khoán nhỏ thường có xu hướng kết hợp lại với nhau để tăng vốn điều lệ, hoặc phải dừng hoạt động do thua lỗ nặng. Vì thế, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, xu hướng sáp nhập các công ty chứng khoán sẽ sôi động hơn nữa.