Công trình trái phép tại Tràng An: Ngày 30/3, CĐT tự tháo dỡ

Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Tràng An đã có văn bản gửi UBND tỉnh và Sở Du lịch Ninh Bình xin được tự tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên núi Cái Hạ tại Khu du lịch Tràng An cổ.

 
Sẽ cưỡng chế nếu chây ì
Theo đó, Công ty cổ phần Du lịch Tràng An tiến hành tự tháo dỡ công trình sai phạm trong vòng một tháng (từ ngày 30/3 - 30/4). Tổng chiều dài hệ thống bậc thang lên xuống núi Cái Hạ do Công ty cổ phần Du lịch Tràng An xây dựng trái phép là 510 m với hơn 900 bậc thang sẽ được lên phương án tháo dỡ kỹ lưỡng nhằm đảm bảo an toàn và giữ cảnh quan cho vùng lõi di sản.
Ông Nguyễn Sỹ Trí bày tỏ quan điểm: “Việc lên phương án tháo dỡ công trình xây dựng trái phép tại khu vực Tràng An cổ phải được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Huyện Hoa Lư cũng đã họp bàn, thống nhất phương án nếu Công ty tự phá dỡ công trình vi phạm thì sẽ có biện pháp hỗ trợ bảo đảm việc phá dỡ được an toàn, đồng thời huyện cũng đã có phương án nếu doanh nghiệp không tháo dỡ sẽ tổ chức cưỡng chế”. Ông Trí cho biết việc tháo các bậc thì tương đối dễ, cái khó là tháo dỡ lan can và dầm đỡ phải cắt và đảm bảo trả lại đúng nguyên trạng di sản.
Ông Trí cho biết, chiều 26.3, UBND huyện vẫn họp để hoàn thiện phương án cưỡng chế, đề phòng trường hợp doanh nghiệp trên có văn bản xin tự tháo dỡ, đã cam kết rồi nhưng không thực hiện tháo dỡ. Cho đến nay, phía Công ty cổ phần Du lịch Tràng An đã tự giác nhận thức được sai phạm và chủ động đề nghị được tháo dỡ công trình. Phía huyện Hoa Lư đã chủ động lên các phương án đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực nên về cơ bản tình hình an ninh trật tự vẫn được đảm bảo. “Việc tháo dỡ công trình là để trả lại cảnh quan cho khu vực đã bị xâm phạm nên khi Công ty cổ phần Du lịch Tràng An thực hiện, chúng tôi cũng tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát. Khi bắt đầu triển khai tháo dỡ huyện sẽ bố trí cán bộ túc trực tại hiện trường để đảm bảo việc tháo dỡ không tiếp tục xâm hại đến di sản và trả lại tính nguyên trạng ban đầu. Theo đánh giá thực tế, công trình xây dựng là các khối bê tông lắp ghép nên bây giờ sẽ tháo ra và vận chuyển xuống. Đối với các cột trụ bằng bê tông sẽ được các thợ đá có tay nghề cao xử lý, hạn chế tối đa phương hại tới di sản”, ông Trí cho biết thêm.
Ngày 27/3, ông Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng đoàn thanh tra cho biết vẫn đang thực hiện kế hoạch thanh tra toàn diện công trình trái phép tại núi Cái Hạ, đồng thời làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, Đoàn thanh tra liên ngành giao cho Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành cắm biển báo không cho du khách vào tham quan khu “Tràng An cổ” để đảm bảo an toàn cho du khách và triển khai các bước tiếp theo trong kế hoạch thanh tra. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã nhận được văn bản của ông Nguyễn Văn Son về việc xin tự tháo dỡ công trình vi phạm trên núi Cái Hạ.UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo huyện Hoa Lư chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn khi công ty Tràng An tự nguyện tháo dỡ và kể cả trường hợp phải tổ chức cưỡng chế công trình.
Cấm du khách vào khu du lịch Tràng An cổ
Hàng quán phủ bạt.
 Hàng quán phủ bạt.

Những người chèo đò và bán hàng tụ tập tại Khu du lịch.
 Những người chèo đò và bán hàng tụ tập tại Khu du lịch.

Phòng bán vé đã đóng cửa.
 Phòng bán vé đã đóng cửa.
Theo ghi nhận của phóng viên, trưa qua 27.3 tại khu du lịch Tràng An cổ, lực lượng chức năng bao gồm công an, thanh tra giao thông, thanh tra du lịch, thanh tra văn hóa – thể thao đã ứng trực để ngăn chặn du khách vào khu vực này. Mặc dù hai đầu đường dẫn vào khu vực này đã có biển cảnh báo nhưng vẫn có rất nhiều du khách đến tham quan. Tuy nhiên lực lượng chức năng đã giải thích và hướng dẫn nên những du khách này đã không vào khu du lịch. Khu vực hàng quán và bến xuống đò trước cửa khu du lịch hiện vẫn còn khoảng hơn chục lái đò tụ tập ngồi chờ khách. Phía dưới bến đò chỉ còn khoảng trên 10 chiếc đò được neo buộc so với gần 100 chiếc trước đây do các hộ dân sau khi được tuyên truyền vận động đã di chuyển đò sang nơi khác và không tiếp tục hoạt động trong khu vực đã bị cấm. Ông Phạm Duy Phong, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Ninh Bình, trực hướng dẫn khách tại Khu du lịch Tràng An cổ cho biết: “Nhiều du khách, trong đó có cả khách du lịch nước ngoài không biết thông tin nên đã đến đây. Chúng tôi đã giải thích, hướng dẫn cho du khách và họ đã vui vẻ quay trở ra”, ông Phong cho biết thêm.
Trước đó, ngày 24.3, các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình gồm Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở GTVT, chính quyền huyện, UBND huyện Hoa Lư, UBND xã Trường Yên… đã huy động lực lượng, đem phương tiện, biển báo đến Khu du lịch Tràng An cổ (để cắm biển báo “Điểm kinh doanh du lịch trái phép, đề nghị quý khách không tham quan”. Nhiều người dân phản đối chính quyền cấm khách vào điểm du lịch không phép Tràng An cổ. Khi lực lượng chức năng tiến hành cắm biển báo, hàng chục người dân từ trong bến thuyền, điểm du lịch “Tràng An cổ” kéo đến không cho ngành chức năng thực hiện nhiệm vụ.
Những người dân này cho rằng, việc cắm biển với nội dung trên cùng với việc ngăn không cho khách vào khu Tràng An cổ sẽ khiến hàng chục hộ dân chèo đò, bán hàng lưu niệm tại đây mất việc, không có thu nhập.
Trước sự phản đối của nhiều người dân, chính quyền địa phương xã Trường Yên, huyện Hoa Lư tuyên truyền vận động không được, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình đã phải tiến hành cắm biển báo “Điểm kinh doanh du lịch trái phép, đề nghị quý khách không tham quan” hai bên đường Tràng An, cách cổng vào khu “Tràng An cổ” gần 100m.
Ngoài biển báo trên, Sở GTVT Ninh Bình cũng tiến hành cắm một số biển báo cấm đậu đỗ xe trước cổng vào khu “Tràng An cổ” để các phương tiện tránh đỗ đậu trước điểm du lịch không phép này gây mất ANTT, ATGT.
Khu du lịch không còn khách.
 Khu du lịch không còn khách.
Đường lên núi Cái Hạ treo biển không đón khách.
 Đường lên núi Cái Hạ treo biển không đón khách.
Sẽ giải quyết việc làm cho người chèo đò
Về bến đò và dịch vụ chèo đò trong Khu du lịch Tràng An cổ, ông Trí cho biết huyện cũng đã có phương án xử lý. Bến đò này chưa được cấp phép bởi đất mà ông Son xây dựng bến đò trái phép thuộc quyền quản lý của Doanh nghiệp Xuân Trường (Ninh Bình) nên không thể cấp phép cho bến được, mà không cấp phép cho bến thì không thể tổ chức dịch vụ chèo đò.
Theo Sở GTVT tỉnh Ninh Bình, việc ông Son mở bến đò trái quy định thì Sở này cũng biết và nhiều lần lập biên bản xử phạt và kiên quyết không cấp vì không nằm trong quy hoạch. Sở GTVT cũng nhiều lần phối hợp công an lập biên bản, đình chỉ.
Bến đò đã dừng hoạt động đón khách.
Bến đò đã dừng hoạt động đón khách. 
Hàng quán phủ bạt, không được kinh doanh tại Khu Du lịch Tràng An cổ.
 Hàng quán phủ bạt, không được kinh doanh tại Khu Du lịch Tràng An cổ.
“Nhân việc xử lý công trình sai phạm trên núi Cái Hạ, chúng tôi cũng xử lý, chấn chỉnh dịch vụ chèo đò với hơn 60 người ở đây. Chúng tôi làm song song hai việc, thứ nhất là vận động, thuyết phục người dân là bến đò này chưa được cấp phép hoạt động nên không được chở. Đa số người dân đều nhận thức ra, tuy nhiên có khoảng chục người cố tình không nghe, mời họp họ không đến họp. Chúng tôi đã đến từng hộ dân này vận động, thuyết phục. Thứ hai, Sở Du lịch cắm biển thông báo Khu du lịch hoạt động du lịch trái phép và hướng dẫn du khách không vào tham quan và sử dụng dịch vụ tại khu vực này. Chúng tôi cũng dùng hệ thống loa thông báo để du khách được biết và cử người ra giải thích cho khách. Sáng nay (27.3), tôi đến Khu du lịch Tràng An cổ, vẫn thấy có những người chèo đò tại khu vực này. Tuy nhiên, khách không vào được bên trong nên họ cũng không thực hiện được việc chèo đò”, ông Trí nói.
Từ ngày 24.3, du khách không được vào trong khu du lịch Tràng An cổ, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng hơn 10 hộ chèo đò vẫn còn tụ tập tại đây để chờ nếu có khách sẽ chở đò, đồng thời cũng gây sức ép với các cơ quan chức năng phải tính phương án tìm việc làm khác cho họ. Ông Nguyễn Sỹ Trí cho biết lãnh đạo huyện Hoa Lư hiện nay đang tiến hành vận động tuyên truyền đối với những hộ dân này và huyện cũng đang tìm phương án công việc khác. Hiện nay huyện Hoa Lư đã liên hệ với Doanh nghiệp Xuân Trường đưa số lái đò sang làm việc tại khu danh thắng Tràng An. Bước đầu phía doanh nghiệp Xuân Trường đã đồng ý với phương án đó. Cùng với đó là bố trí các lực lượng ngăn chặn tuyệt đối không cho du khách vào khu vực “Tràng An cổ” nên các lái đò cũng không thể tiếp tục hoạt động được ở khu vực này.
Cái khó là phải đảm bảo trả lại đúng nguyên trạng di sản
Việc lên phương án tháo dỡ công trình xây dựng trái phép tại khu vực Tràng An cổ phải được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Việc tháo các bậc thì tương đối dễ, cái khó là tháo dỡ lan can và dầm đỡ phải cắt và đảm bảo trả lại đúng nguyên trạng di sản”.(Ông Nguyễn Sỹ Trí, Bí thư Huyện ủy huyện Hoa Lư).

Tin mới