Thông tin mâu thuẫn
Tại thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, hàng chục công trình nhà cửa, chuồng trại, hàng rào vừa được hoàn thành ngay giữa tim đường cao tốc Bắc - Nam còn tươi mùi vôi vữa. “Họ xây để chờ đền bù đó, chứ ai dại mà vào ở trong những ngôi nhà đó. Những công trình này đều có điểm chung là xây dựng qua loa, chất lượng kém, xi măng thì mác thấp, trụ thì không có sắt, sập lúc nào không biết”, một người dân địa phương nói. Theo người này, bố vợ của chủ tịch xã cũng vừa phá hàng rào xanh để xây mới hàng rào bằng bê tông; gia đình trưởng thôn Áng Sơn xây mới 2 ngôi nhà trên mảnh đất 700m2 lâu nay bỏ hoang, mặc dù cách đó không xa, trưởng thôn đang sở hữu hai ngôi nhà khác. Khi được hỏi, ông Đoàn Kim Xuyên, trưởng thôn Áng Sơn, nói rằng, đó là do em gái mình xây. “O ấy mới lấy chồng, nên về xây để ở chứ chờ đền bù gì đâu. Trên địa bàn thôn cũng có năm, bảy công trình xây mới chi đó nhưng cũng vì nhu cầu mà thôi” - ông Xuyên nói. Tuy nhiên, người dân ở đây nói rằng, em gái trưởng thôn đã có nhà cách đó mấy trăm mét.
Công trình được cho là do gia đình trưởng thôn Áng Sơn mới xây dựng |
Ông Lê Văn Thiềng, người được cho là bố vợ của chủ tịch xã Vạn Ninh, nói rằng, ông không biết việc đền bù chỉ muốn xây lại hàng rào cho khang trang. Từ khi xã có văn bản yêu cầu ký cam kết không cơi nới, xây mới, ông dừng xây hàng rào. Ông Thiền nói, cả hai vợ chồng đã 80 tuổi, không muốn di dời chỗ ở, thích được an cư.
Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh, ông Nguyễn Hữu Lương, khẳng định, tất cả các công trình xây mới trên địa bàn đều trước lúc cắm mốc. Kể từ khi hướng tuyến rõ ràng, xã đã yêu cầu các hộ nằm trong diện GPMB ký cam kết, và đa số người dân thực hiện tốt. Ông Lương thừa nhận, gia đình bố vợ ông có xây một đoạn hàng rào nhưng trước mốc. Còn về trường hợp trưởng thôn Áng Sơn, ông Lương nói: “Đất đó xưa là của em gái ông ấy thật, nhưng sau đó con rể ông ấy mua lại để xây nhà và xây chuồng trại, chứ ông ấy làm sao dám xây”.
Ông Lê Thanh Hạnh, Chủ tịch xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy khẳng định, đa số người dân xây dựng các công trình chuồng trại, nhà kho... không xuất phát từ thực tế nhu cầu sản xuất, chăn nuôi mà vì mục đích đón đầu cao tốc Bắc - Nam đi qua. Để tránh thiệt hại kinh tế và lãng phí nguồn lực của người dân, UBND xã đã cảnh báo người dân không xây dựng nhà để ở, kể cả nhà tạm trên đất rừng, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hằng năm bởi đây là hành vi trái pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm.
Ông Lương cho rằng, để xử lí những trường hợp cơi nới, xây mới trên địa bàn là rất khó, vì đa số người dân xây trước mốc GPMB. Xã chỉ ghi nhận hiện trạng, và đình chỉ việc xây dựng sau khi được cắm mốc.
Canh không cho dân xây dựng công trình
Trụ sở UBND xã Phú Thủy , huyện Lệ Thủy vắng hoe mặc dù trong giờ hành chính. Hỏi ra mới biết, lãnh đạo và cán bộ xã chia nhau ra nhiều hướng, về các thôn để canh không cho dân xây dựng công trình trong phạm vi GPMB đường cao tốc Bắc - Nam đi qua trên địa bàn.
Gặp ông Lê Thanh Hạnh, Chủ tịch UBND xã, mồ hôi đầm đìa, đang chỉ đạo cấp dưới lập biên bản một hộ vi phạm, ông thông tin nhanh, ngày 15/3, Ban quản lí dự án về cắm mốc GPMB trên địa bàn xã. Theo thống kê, sẽ có 75 hộ dân của xã phải di dời nhà cửa để nhường đất cho dự án cao tốc Bắc - Nam. Đến nay, xã đã lập biên bản 23 hộ dân xây dựng trái phép, chủ yếu là xây mới chuồng trại. “Ở đây có hộ dân xây dựng trước khi Ban quản lí dự án về cắm mốc GPMB, nhưng cũng có hộ xây dựng sau khi cắm mốc. Rất có thể người dân đoán biết nhà mình nằm trong diện GPMB kể từ khi có các đội về khoan thăm dò địa chất. Tất cả các công trình xây dựng mới dù trước hay sau khi cắm mốc, chúng tôi đều lập biên bản vi phạm để có cơ sở sau này giải quyết khi đền bù”, ông Hạnh nói.