Chị Đỗ Thị Loan (ở Tam Dương, Vĩnh Phúc) đã có cả tuổi trẻ làm việc trong nhà máy tại khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Nhớ giai đoạn nhiều việc, công nhân "thỏa sức" tăng ca, chị có thu nhập trung bình 11 triệu đồng/tháng.
Gần 2 thập kỷ trôi qua, từ khởi điểm vài triệu đồng/tháng, thu nhập của chị Loan đã tăng dần. Đến thời điểm này, nữ công nhân đã bước sang tuổi 40 phải thừa nhận lúc này công ty đang gặp rất nhiều khó khăn, hơn cả khi dịch Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).
|
Đơn hàng lao dốc, công nhân ít việc từ cuối năm 2022. Nhưng đến giữa năm 2023, công ty không thể tạo công ăn việc làm như trước đó. Đường cùng, chủ sử dụng phải vận động công nhân tự nguyện làm đơn nghỉ việc.
"Có tuần đi làm 4 ngày, sau đó nghỉ 2 tuần. Tháng làm nhiều nhất thu nhập được 7-8 triệu đồng nhưng hầu hết chỉ nhận về vỏn vẹn 4 triệu", chị Loan nói.
Chị đang bước vào tháng thứ 7 của thai kỳ trong khi 2 con nhỏ đang tuổi ăn học. Chồng chị cũng là công nhân, làm việc ở Khu công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).
Cả gia đình ở quê, một mình chị Loan bụng mang dạ chửa ở trọ gần khu công nghiệp. Vẫn nặng lòng với công việc đã gắn bó suốt 20 năm, nơi cho chị thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình song công ty hiện quá ít việc, không còn cách nào khác, nữ công nhân đã ký vào đơn tự nguyện xin nghỉ việc.
Vài ngày sau, chị đã nhận quyết định cho thôi việc từ công ty cùng với khoản hỗ trợ 9 tháng lương cho thâm niên 20 năm rồi nhanh chóng trả phòng, về quê chờ ngày sinh nở.
"Cả gia đình ở quê, nên khi nghỉ việc tôi cũng muốn trả phòng luôn. Phần vì về với các con, nhưng cũng đỡ chi phí thuê nhà, điện nước…", chị Loan cho hay.
Cầm khoản tiền hỗ trợ không nhỏ, song nữ công nhân rất nhiều lo toan, trăn trở. Thu nhập của chồng chị khoảng 7 triệu đồng/tháng. Gia đình có bố mẹ già, hai con nhỏ nên cũng nặng gánh chi tiêu. Tới đây chị nghỉ sinh, tất cả trông chờ vào đồng lương eo hẹp của chồng.
Vì vậy, gia đình chị phải siết các khoản, chỉ chi tiêu những gì thật sự cần thiết. Một bộ quần áo mới chị còn chưa nghĩ đến vào thời điểm này.
Không có sữa mẹ, hai con đầu lòng của chị phải nuôi bằng sữa ngoài vô cùng tốn kém. Sinh con thứ ba, chị cũng chuẩn bị sẵn tinh thần và một khoản trích từ số tiền hỗ trợ thôi việc để lo bỉm sữa cho con trong năm đầu đời.
Đến giờ, nữ công nhân cũng chưa định hình được sẽ làm gì sau khi hết thời gian thai sản. Ở độ tuổi không còn trẻ, chị lo sợ khó tìm được việc. Ngoài những kỹ năng giản đơn có được sau bao năm, chị chỉ nghĩ chọn làm công nhân ở khu công nghiệp gần nhà.
Khảo sát gần 3.000 người lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa công bố mới đây cho thấy, các doanh nghiệp giảm quy mô gần 10% trong năm 2022.
Nhiều doanh nghiệp dự báo đơn hàng còn thiếu hụt trong thời gian tới (Ảnh minh họa: Nguyễn Sơn).
|
Tình trạng thiếu hụt đơn hàng được dự báo vẫn còn tiếp diễn đến năm 2024. Có 17,2% doanh nghiệp khảo sát cho biết tình hình thiếu đơn hàng sẽ tăng lên.
Thu nhập bình quân của người lao động tham gia khảo sát gần 8 triệu đồng/tháng. Cụ thể, tiền lương cở bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hàng tháng, 23,3% khác đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khảo sát ý kiến của hơn 1.000 người lao động và 500 doanh nghiệp ở lĩnh vực sản xuất của Navigos Group cho thấy, phần lớn người lao động trong ngành này đối mặt với việc cắt giảm 30-50% lương.
Theo thống kê, có 58% người lao động bị cắt giảm 30-50% tổng lương, 34% bị cắt giảm 10% tổng lương, 6% người lao động bị cắt giảm 10-30% tổng lương. Chỉ có 2% bị cắt giảm nhiều hơn 50% tổng lương.
Bên cạnh đó, họ cũng bị cắt giảm giờ làm, giảm tiền tăng ca và không nhận được trợ cấp như thường lệ.