Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc |
Trong đó tập trung vào 2 vấn đề lớn: Thứ nhất, đó là bất cập trong chính sách tiền lương, đãi ngộ và chế độ làm việc cho giáo viên. Trong năm qua, Bộ Giáo dục đã có nhiều nỗ lực để xây dựng các chính sách, chế độ làm việc theo hướng tăng thêm nhiều quyền lợi cho giáo viên.
Tuy nhiên, đề xuất thí điểm bỏ Biên chế giáo viên của Bộ trưởng đã bị dư luận phản đối dữ dội, đề xuất tăng lương giáo viên lên mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp vẫn còn phải chờ được phê duyệt và không dễ để tìm ra nguồn tài chính để cân đối thực hiện. Cơ chế đãi ngộ dành cho giáo viên không hấp dẫn hiện nay có thể coi là một trong những căn nguyên dẫn tới các bất cập khác như lạm thu, lạm dụng dạy thêm – học thêm, …. ảnh hưởng tới sự tận tâm, yêu nghề, thậm chí là ảnh hưởng tới cả hành vi và đạo đức của một bộ phận giáo viên.
“Những câu chuyện về đời sống khó khăn của các thầy cô giáo cả khi đang công tác lẫn khi nghỉ hưu được chia sẻ nhiều lần khiến xã hội không khỏi xót xa. Một trong những hệ quả tất yếu khác của tình trạng này cũng được phản ánh trong năm qua là việc điểm chuẩn ngành Sư phạm thấp kỷ lục. Với mức điểm chuẩn của một số trường Sư phạm là 9 điểm/3 môn, dư luận có quyền nghi ngờ về năng lực của đội ngũ giáo viên trong tương lai, nhất là trong bối cảnh ngành Giáo dục đang chuẩn bị bước vào cuộc cách mạng mới mang tên “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo””- thầy giáo trẻ Vũ Khắc Ngọc nhận định.
Câu chuyện đáng chú ý thứ 2 trong năm qua là “chất lượng đào tạo” của các cơ sở đại học, học viện. Bộ Giáo dục – Đào tạo đã đề ra nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng đào tạo của các cơ sở này như việc tăng cường tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm, tiến tới tự do về học thuật, xây dựng các cơ chế kiểm định chất lượng, …. Nhưng thực tế là trong vài năm trở lại đây, dù học phí của sinh viên Đại học đang tăng rất nhanh nhưng tình trạng Kỹ sư, Cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường chưa có dấu hiệu giảm, con số hàng trăm ngàn người có bằng Đại học trở lên thất nghiệp thực sự khiến xã hội giật mình và đặt ra nhiều băn khoăn. Ngoài đào tạo Đại học thì câu chuyện sau Đại học cũng còn nhiều vấn đề khi số lượng Tiến sĩ, Giáo sư và Phó Giáo sư vẫn tăng rất nhanh mỗi năm nhưng số công trình nghiên cứu được công bố thực tế hay các phát minh có tính ứng dụng không nhiều như kỳ vọng của xã hội.
Trong năm qua, đã có nhóm chuyên gia độc lập xây dựng Bảng xếp hạng các trường Đại học Việt Nam. Dù còn nhiều tranh cãi nhưng nó cho thấy xã hội thực sự mong mỏi vấn đề chất lượng đào tạo của các trường Đại học được kiểm định độc lập, khách quan và minh bạch thay vì “tù mù, võ đoán” như hiện nay.
Chỉ ra những tồn tại của ngành trong năm 2017, thầy giáo trẻ Vũ Khắc Ngọc mong muốn năm 2018, ngành Giáo dục không phải nhận những điều chỉ trích của dư luận. Để làm được điều này, thì những chủ trương chính sách của ngành phải được cân nhắc, tính toán cẩn trọng, đặt yếu tố con người – học sinh là nhân tố trung tâm để hoạch định chính sách.
Nhà báo Trần Thúy Bình (Đài THHN), một người gắn bó nhiều năm với lĩnh vực môi trường đánh giá: Trong những năm qua, đặc biệt sau sự cố môi trường ở 4 tỉnh Miền Trung thì nhận thức của người dân và các cấp chính quyền có chuyển biến tích cực.
Mặc dù với sự phát triển nóng về du lịch gây nên những hệ lụy ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái như các dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng trong các vườn quốc gia, hay dự án xây dựng cáp treo vào hang Én, cửa ngõ Sơn Đoòng song trước luồng dư luận phản đối mạnh mẽ đã thúc đẩy chính quyền các địa phương cũng như Chính phủ cùng các Bộ ngành liên quan đã nỗ lực tìm ra giải pháp.
“Báo chí đóng vai trò quan trọng kết nối tiếng nói của chính quyền và người dân đia phương, cùng các bên liên quan giải quyết phần nào những điểm nóng về môi trường”- nhà báo Thúy Bình nói.
Ngoài vấn đề môi trường, nhà báo Thúy Bình cũng nhận định trong năm qua báo chí cũng vào cuộc mạnh mẽ việc nâng cao nhận thức về xâm hại tình dục và bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái như vụ xâm hại trẻ em ở Vũng Tàu hay Ba Vì…
Năm 2017, nhiều nhà báo bị tước thẻ |
Bên cạnh những mặt tích cực, nhà báo Thúy Bình cũng nhận định trong năm qua làng báo chứng kiến một số nhà báo bị tước thẻ thậm chí bị khởi tố do nhận tiền của cá nhân, doanh nghiệp nhằm làm sai lệch hoặc che giấu thông tin.
“Hy vọng trong năm 2018, khi có Luật Tiếp cận Thông tin, nhà báo có thể có không gian hoạt động nhằm thực hiện tốt vai trò phản biện xã hội. Đồng thời, chung tay loại bỏ những cá nhân thoái hóa trong cộng đồng của mình”- nhà báo Thúy Bình nói.
Một cán bộ phường thuộc quận Hoàn Kiếm cho biết: "Năm 2017, với chủ trương Chính phủ kiến tạo, phục vụ nên dù chỉ là cán bộ cấp phường thôi nhưng chúng tôi cũng gồng mình làm việc. Việc triển khai Chính phủ điện tử đã tiết giảm rất nhiều sức lao động nhưng ở địa phương, nhất là nơi tiếp xúc trực tiếp với dân chúng tôi gặp không ít khó khăn. Đó là khi trình độ sử dụng CNTT của người dân còn hạn chế khiến nhiều thủ tục hành chính theo quy định người dân phải thực hiện thì cán bộ lại phải làm thay.
Mà cán bộ cũng chỉ có 2 tay nên không thể làm thỏa mãn ngay lập tức tất cả mọi người. Người thông cảm thì chia sẻ, người không thông cảm lại cho rằng cán bộ phường “hành dân”. Thành ra, có bị phản ứng cũng vẫn phải tươi cười mà giải thích".
Nữ cán bộ này cũng chia sẻ dù công việc nhiều áp lực nhưng lương cán bộ phường rất thấp. Vì thế, vị cán bộ này mong muốn năm 2018 song song với yêu cầu thay đổi cung cách, thái độ phục vụ thì nhà nước cũng cần có chính sách nhằm cải thiện chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ phường.