Tại buổi họp báo về các vấn đề kinh tế- xã hội TP.HCM, chiều 30/3, một số phóng viên đặt câu hỏi: Vừa qua, 4 tiếp viên Vietnam Airlines xách 11kg ma túy từ Pháp về Việt Nam được trả tự do. Nếu các vụ việc tương tự sau này, các đối tượng có tham gia vận chuyển hoặc có thông đồng nhưng nói không biết, không thừa nhận để thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật. Liệu việc trả tự do cho 4 tiếp viên có tạo nên tiền lệ xấu?.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM cho hay, tội phạm ma túy gây hậu quả, tác hại rất lớn đối với con người, xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình phạt rất nghiêm khắc đối với tội danh về ma túy; nhiều tội danh về ma túy có khung hình phạt tử hình hoặc chung thân. Đã có nhiều bản án tử hình đối với tội phạm ma túy.
Đây là loại tội phạm luôn dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi, nhưng, bản chất các vụ án đều không thay đổi. Trách nhiệm của lực lượng công an, lực lượng điều tra trong các vụ án nói chung và án ma túy nói riêng là làm rõ hành vi của đối tượng phạm tội, nhằm xử lý theo đúng quy định, không bỏ lọt tội phạm, nhưng không được phép làm oan người vô tội.
Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin thêm về việc trả tự do cho 4 nữ tiếp viên hàng không chiều 30/3. (Ảnh: Thành Nhân) |
Gần đây nhất, trong tháng 3/2023, Công an TP.HCM đã khởi tố bị can đối với 5 đối tượng thực hiện hành vi nhét ma túy vào nhà người khác rồi báo công an, nhằm vu khống, hãm hại người vô tội. Cơ quan công an cũng làm rõ và bắt các đối tượng.
"Ví dụ trên cho thấy, cơ quan điều tra phải làm rõ bản chất của các vụ án. Đối với vụ việc liên quan tới 4 tiếp viên hàng không, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự và đang tiến hành điều tra, sẽ công bố thông tin khi có kết quả", ông Hà nói.
Thượng tá Hà cũng từng giải thích cụ thể, muốn khởi tố bị can thì hành vi vi phạm phải đảm bảo 4 yếu tố cấu thành. Trong trường hợp của 4 nữ tiếp viên, yếu tố lỗi về mặt chủ quan của tội phạm chưa được chứng minh và quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ không chứng minh được yếu tố này.
Trước đó, trao đổi với VietNamNet về việc có phải thông tin đã lọt ra ngoài quá sớm, nên đối tượng trong vụ án có thể bỏ trốn, ông Hà cho biết, trong một số vụ việc nói chung, khi chưa làm rõ đối tượng tội phạm, nếu đưa ra thông tin quá sớm, có thể khiến các đối tượng bên ngoài lẩn trốn hoặc tội phạm tìm phương án đối phó. Công an TP.HCM đã quán triệt đến các đơn vị liên quan trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, đặc biệt đối với các vụ án nhạy cảm, các chuyên án. Nếu cán bộ đưa thông tin sai sẽ bị xử lý kỷ luật.
“Nhiều đồng chí cũng đã bị xử lý kỷ luật trong một số vụ việc”, ông Hà chia sẻ.
Trước đó, ngày 22/3, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định trả tự do cho 4 tiếp viên Vietnam Airlines trong vụ việc xách 11kg ma túy từ Pháp về Việt Nam. Hiện, cơ quan Công an đã khởi tố vụ án “vận chuyển trái phép chất ma tuý” để điều tra làm rõ bản chất vụ việc, xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan theo quy định.