Anh Mohammad Arif, 30 tuổi, một công nhân lái máy gặt đập ở làng Mandka, bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) đang làm việc trên cánh đồng vào tháng 2 năm ngoái thì tìm thấy con sếu đầu đỏ bị thương. Khi đó, Arif nhận thấy con vật bị chảy nhiều máu và chân phải bị gãy. Anh đã đưa con vật về nhà, chăm sóc nó cho đến khi nó khỏe lại. Nhờ được bôi hỗn hợp thuốc làm từ dầu mù tạt và nghệ lên vết thương, con sếu nhanh chóng hồi phục và đứng dậy được trong vòng 6 tuần.
Sau khi hồi phục hoàn toàn và có thể bay đi, con sếu hoang vẫn không chịu trở về với tự nhiên. Thay vào đó, con sếu hoang không rời ân nhân cứu mạng và cả hai trở thành cặp bạn thân không thể tách rời. Con sếu đi theo anh ta khắp mọi nơi, thậm chí còn ăn chung đĩa với Arif.
Sếu trở thành bạn thân, thậm chí còn ăn chung đĩa với anh Mohammad Arif sau khi được cứu mạng. Ảnh cắt từ video. |
Gần đây, Arif chia sẻ một số video về người bạn mới của mình lên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Trong một video, người đàn ông Ấn Độ lái xe máy trên đường làng trong khi con sếu bay theo phía sau. Một đoạn video khác cho thấy Arif tận tâm chăm sóc con sếu khi dùng vòi nước tắm cho nó và gọi con vật là "mera dost" - nghĩa là "bạn của tôi" trong tiếng Hindi.
"Tôi tưởng khi nó bay lại được, nó sẽ trở về với gia đình nó. Xét cho cùng, nó là một loài chim hoang dã mà. Tôi không nghĩ nó sẽ ở lại với mình. Nhưng điều đó đã không xảy ra, nó lại chọn sống với tôi", Arif nói với một tờ báo địa phương.
Arif đoán rằng con sếu tin tưởng anh vì anh để nó được tự do lang thang. "Tôi không bao giờ trói nó hay nhốt nó trong lồng. Chắc đó là lý do nó không bỏ tôi", người đàn ông nói thêm.
Tuy nhiên, con sếu chỉ để mắt đến Mohammed Arif, người đàn ông đã cứu chữa và chăm sóc nó khỏe mạnh trở lại. Mặc dù con sếu hoang đã sống cùng bên vợ con anh Arif hơn một năm nay nhưng họ không dám lại gần nó. Bất cứ khi nào vợ anh cố gắng tiếp cận con chim hoặc thậm chí mang thức ăn cho nó, nó sẽ tấn công để ngăn cô lại.
Các chuyên gia về động vật hoang dã mô tả mối quan hệ giữa con sếu hoang và ân nhân cứu mạng nó là rất bất thường, vì sếu đầu đỏ được biết đến là loài sếu ít thân thiện nhất. Chúng thường dữ dằn khi làm tổ và có thể rất hung dữ trước những kẻ xâm nhập đến quá gần.